Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

03:08, 24/08/2021
.
(Baoqquangngai.vn) Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu...
[links()]
Chiếm lĩnh thị trường nước ngoài 
 
Nỗ lực không ngừng với chiến lược kinh doanh bài bản, sản phẩm sữa đậu nành Fami của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy đã chính thức lên kệ tại các siêu thị lớn của Trung Quốc và Nhật Bản, từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Tại Trung Quốc, sữa đậu nành Fami đã có mặt trên 11 trang thương mại điện tử hàng đầu như Tmall, Tmall quốc tế, 1688, Taobao, JD, Ping Duo Duo…. Đồng thời, Fami cũng xuất hiện ở 14 chuỗi cửa hàng, trong đó có 13 chuỗi siêu thị và một chuỗi cửa hàng tiện lợi, với số điểm bán trên kênh hiện đại là 420 điểm và kênh kinh doanh truyền thống gần 300 điểm.
 
Sữa đậu nành Fami trên kệ siêu thị Hema. Chuỗi siêu thị Hema hiện có hơn 150 cửa hàng, tập trung ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải…
Sữa đậu nành Fami trên kệ siêu thị Hema. Chuỗi siêu thị Hema hiện có hơn 150 cửa hàng, tập trung ở những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải…
Trong đó, đáng tự hào là Fami đã được phân phối tại hệ thống siêu thị Hema Thượng Hải và trung tâm khu vực Hoa Đông. Hema hiện là chuỗi siêu thị thông minh với mô hình bán lẻ kiểu mới thuộc Tập đoàn Alibaba, đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Tại Nhật Bản, sản phẩm của Vinasoy cũng đã phủ sónghầu hết lãnh thổ, với gần 1000 cửa hàng và siêu thị Châu Á trải dài trên 45/47 tỉnh, thành.
 
Gỡ khó trong bối cảnh dịch Covid-19
 
Không chỉ những doanh nghiệp lớn chú trọng đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam như Shopee, Tiki, Sendo…
 
 Sản phẩm dế sạch của Công ty TNHH SA-ACH được mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Sản phẩm dế sạch của Công ty TNHH SA-ACH được mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Anh Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH SA-ACH (trụ sở tại Khu đô thị Thiên Mỹ Lộc-VSIP PLAZA, TP.Quảng Ngãi) cho biết, công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm từ dế sạch. Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 hiện nay, việc đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử góp phần tăng sản lượng tiêu thụ. Công ty đang cố gắng hoàn thành các thủ tục cần thiết để đưa hàng hóa của mình lên các sàn thương mại điện tử nước ngoài như Amazon, Alibaba…
 
Để giúp các doanh nghiệp trong nước đưa sản phẩm lên các sàn thương lại điện tử lớn trên thế giới, mới đây Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Alibaba.com, một trong những nền tảng hàng đầu về thương mại điện tử toàn cầu giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), đã tổ chức “Hội nghị thương mại điện tử quốc tế B2B Alibaba.com 2021”. Qua đó, có hơn 1.000 doanh nghiệp đăng ký đào tạo, hơn 300 doanh nghiệp tham gia tư vấn xuất khẩu, nâng cao năng lực thương mại điện tử và hơn 50 doanh nghiệp tiềm năng sẽ lên sàn thành công trong các ngành như nông sản, thuỷ hải sản, đồ gỗ... Điều này có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam rất chú trọng đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến cho việc thông thương gặp khó. 
 
Anh Nguyễn Văn Tuyến (chủ một doanh nghiệp ở huyện Nghĩa Hành chuyên sản xuất đĩa, muỗng... từ mo cau) chia sẻ, trong bối cảnh tiêu dùng trực tiếp dần chuyển sang trực tuyến thì việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là tất yếu. Các sàn thương mại điện tử có nhiều chương trình hỗ trợ nhà bán hàng tiếp cận người dùng, tăng lợi nhuận. Để đưa lên sàn thương mại điện tử nổi tiếng trên thế giới như Amazon, Alibaba… đòi hỏi sản phẩm phải chất lượng. Cái khó của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử thế giới là khâu vận chuyển. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có vốn ít, khi ký gửi sản phẩm của mình cho các website bán hàng trên thế giới, nếu hàng không bán được, khi trả về cũng phải qua rất nhiều bước khó khăn.
 
NGỌC VIÊN
 
 
 

.