Hoạt động kém hiệu quả, "tàu 67" chuyển nghề

02:03, 13/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trái với kỳ vọng của ngư dân, một số “tàu 67” khai thác hải sản kém hiệu quả, nên đã được cải hoán, chuyển sang một số nghề khai thác có hiệu quả hơn...
Thực hiện Nghị định 67 (nay là Nghị định 17), toàn tỉnh có 64 tàu cá (11 tàu vỏ thép, 52 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ composite) được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, hiện có 6 tàu vỏ thép và hàng chục tàu vỏ gỗ công suất lớn, hoạt động chủ yếu các nghề lưới chụp, lưới vây, lưới rê và dịch vụ hậu cần làm ăn kém hiệu quả, khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ngư dân không trả được nợ cho ngân hàng. Chính vì vậy, một số “tàu 67” đã được ngư dân cải hoán, chuyển đổi nghề, phần lớn là hành nghề lưới vây kiêm chụp mực; hoặc lưới rê, lưới rê hỗn hợp kiêm chụp mực, câu mực. 
 
Hoạt động kém hiệu quả, nên một số “tàu 67” cải hoán, bổ sung ngư lưới cụ để hoạt động “kiêm nghề”.
Hoạt động kém hiệu quả, nên một số “tàu 67” cải hoán, bổ sung ngư lưới cụ để hoạt động “kiêm nghề”.
 
“Tàu công suất gần 850CV, vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Sau 3 năm hành nghề lưới rê, tàu liên tục lỗ tổn, thu không đủ chi. Vì vậy, tôi cải hoán, chuyển đổi nghề lưới rê kiêm chụp mực khơi, để tiếp tục vươn khơi bám biển, kiếm tiền trả nợ ngân hàng”, ông P.T.T, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
 
Trong khi đó, dù tàu chưa hạ thủy, nhưng ngư dân Lê Thanh Điểu, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), cũng đề nghị Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn thủ tục chuyển đổi, để hành nghề lưới vây, kiêm chụp mực. “Nghề biển ngày càng khó, chi phí mỗi phiên biển lại cao, nên nếu hành nghề đơn lẻ rất dễ thua lỗ. Vì vậy, tôi muốn thay đổi thiết kế, vừa chụp mực kiêm lưới vây, nhằm đảm bảo và nâng cao hiệu quả khai thác”, ông Điểu lý giải.  
 
Ngoài vấn đề nguồn lợi suy giảm, khan hiếm lao động biển, nguyên nhân khiến “tàu 67” khai thác hải sản kém hiệu quả là do ngư dân chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình vận hành và quản lý. Vốn quen sử dụng tàu công suất nhỏ và vừa, kỹ thuật khai thác truyền thống, nên khi vận hành các tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, ngư cụ cồng kềnh, thì ngư dân chưa quen, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và sử dụng.
 
Như với tàu hành nghề lưới rê hỗn hợp, vì dàn lưới quá dài (gần 20km), lại nặng, nên ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quăng, kéo lưới, dẫn đến hiệu quả khai thác thấp. Chính vì vậy, những nghề mà chủ "tàu 67" chuyển sang hoạt động theo dạng "kiêm nhiệm" thường là nghề có phương thức và ngư lưới cụ truyền thống như: Chụp mực, câu mực...
 
Tuy nhiên, chi phí thực hiện cải hoán tàu để chuyển đổi nghề là rất lớn, từ 1 - 3 tỷ đồng. Vì vậy, hầu hết các chủ “tàu 67” không đủ nguồn lực để đầu tư, mà chỉ bổ sung ngư lưới cụ, rồi hoạt động “kiêm nghề”. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, việc làm trên là “ngư dân tự làm khó mình”. Nếu lực lượng chức năng phát hiện chủ tàu hành nghề không đúng với giấy phép đăng ký khai thác thủy sản, thì ngoài việc bị xử phạt nặng theo Nghị định 42, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng sẽ kiến nghị UBND tỉnh xem xét cân nhắc đến việc hỗ trợ dầu theo Quyết định 48. Ngoài ra, khi tàu bị rủi ro, đơn vị bảo hiểm cũng sẽ từ chối đền bù thiệt hại, nếu phát hiện chủ tàu hoạt động không đúng ngành nghề đã đăng ký.
 
Do đó, để tránh những rủi ro và thiệt hại, Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, nếu chủ "tàu 67" có nhu cầu cải hoán, chuyển đổi nghề, nhất thiết phải thông báo với đơn vị, để được hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy trình. Theo đó, trước khi cải hoán tàu cá, chủ tàu phải gửi đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đến cơ sở đăng kiểm tàu cá... Sau khi hoàn thành cải hoán, chủ tàu gửi hồ sơ đến Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện đăng ký lại tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. 
 
Bài, ảnh: THANH PHONG
 
 

.