(Báo Quảng Ngãi)- Tích cóp, vay mượn thêm ngân hàng, vợ chồng ngư dân Bùi Tín, ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) đóng đôi tàu giã cào để vươn khơi. Thế nhưng, vì ông bị lừa bán máy tàu “dỏm”, nên tàu liên tục hư hỏng...
Đầu năm 2016, đôi tàu cá trị giá hơn 13 tỷ đồng của vợ chồng ông Bùi Tín hạ thủy. Tuy nhiên, chuyến đi khơi nào tàu cũng trục trặc do máy tàu “có vấn đề”. Ông Tín yêu cầu đơn vị bán bảo hiểm tàu cá của mình là Công ty Bảo Minh phải có trách nhiệm bồi thường. Quá trình giám định của cơ quan thứ ba độc lập về tàu cá đã phát hiện giữa giấy tờ mua máy và máy lắp đặt trên tàu không trùng khớp các thông tin. Lúc này, ông Bùi Tín mới biết mình bị lừa bán hai máy tàu dỏm, với tổng số tiền khoảng 3 tỷ đồng.
Vợ chồng ngư dân Bùi Tín quả quyết sẽ theo đuổi vụ kiện này tới cùng. |
Hai máy tàu trong tờ khai hải quan TP.Hồ Chí Minh ghi là: Động cơ máy thủy đã qua sử dụng, hiệu Yamaha, Mitsubishi (300-500HP); đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Thương mại Nông ngư cơ Mỹ Loan (địa chỉ phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, hồ sơ kiểm định của cơ quan đăng kiểm tàu cá Quảng Ngãi lại xác định: Kiểu máy Mitsubishi, số máy 70081, công suất 935. Như vậy, so với tờ khai hải quan, hai máy tàu cá cũ mà ngư dân Bùi Tín đã mua của công ty nói trên có sự sai lệnh về mã lực. Mã lực tờ khai hải quan được công ty cung cấp cho ông Tín (bản phô tô) có mã lực từ 300 – 500; còn mã lực ghi trên máy tàu lên đến 935.
“Tôi sẽ đeo đuổi vụ kiện này đòi lại công bằng cho gia đình. Đồng thời, lên tiếng để các công ty không được lợi dụng sự thật thà, hiểu biết không thấu đáo về máy móc của ngư dân, để trục lợi”. Ngư dân BÙI TÍN, xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) |
Trao đổi với phóng viên, ông Tín cho biết đã tham khảo nhiều ngư dân có kinh nghiệm và những người chuyên bán máy tàu cá về trường hợp của mình, qua đó phần nào biết được thiệt hại mà mình đang gánh chịu. Thiệt hại trực tiếp là số tiền máy tàu công suất 300 – 500CV chỉ bằng một nửa so với máy 935CV. Nhưng điều đáng nói hơn cả là các chuyến đánh bắt liên tục thua lỗ, do tàu cá không đồng bộ. Mỗi chuyến đi khơi trục trặc, chết máy đều có sự xác nhận của cơ quan chức năng. Tính chung 4 tháng đầu tiên ra khơi, tháng nào tàu ông Tín cũng bị hư, dẫn đến thua lỗ.
Không những thế, mỗi lần tàu bị trục trặc trên biển, các thuyền viên đều hết sức lo lắng. Có lần, tàu chết máy trôi dạt nhiều giờ trên biển. Các thuyền viên kiệt sức, tưởng như buông xuôi số phận. May mà có tàu cứu hộ, lai dắt về bờ, an toàn. Nhiều thuyền viên vì thấy tàu của vợ chồng ông Tín trục trặc liên tục đã không làm công nữa. Có một thời gian dài, tàu phải nằm bờ, vì không gọi được người làm.
Ông Tín hiện đã để lại đôi tàu này cho em trai mình khai thác ở vùng biển gần bờ, để vớt vát, lấy tiền trả lãi nợ vay. Còn ông ôm hồ sơ đi gõ cửa các cơ quan chức năng, để mong làm sáng tỏ vụ công ty lừa bán tàu cá “dỏm”, khiến ngư dân phải gánh chịu thiệt hại. Hiện nay, hồ sơ của ông Tín đã được cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh thụ lý, đang trong quá trình xem xét.
Bài, ảnh: THANH NHỊ