Làng nghề dâu tằm Phú An

08:02, 22/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ ngã ba Quán Lát, huyện Mộ Đức theo tuyến đường liên xã về phía tây chừng vài cây số là đến làng nghề dâu tằm thôn Phú An (Đức Hiệp, Mộ Đức), nằm sát dòng sông Vệ. Nơi đây đất phì nhiêu, cây cối tươi tốt, nhờ phù sa quanh năm bồi đắp.        

TIN LIÊN QUAN

Theo những người cao niên ở địa phương cho biết thì làng nghề dâu tằm Phú An có thể đến hơn 150 năm. Thời ấy, cư dân trong vùng phần lớn sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Ba công đoạn khép kín trong làng, sản phẩm tơ được bán ra các thị trường ngoài tỉnh. Dòng sông Vệ không chỉ bồi đắp phù sa mà còn là đường giao thông lên nguồn, hay xuống biển, đến chợ Trạm (Sông Vệ), Thu Xà, Phú Thọ (nay thuộc Nghĩa Hòa, Nghĩa Phú). Ấn tượng của làng nghề ngày ấy là hoạt động nghề luôn bận rộn mà rất vui, hầu như không một phút nông nhàn. Những người nổi tiếng trong làng nghề là ông Sáu Truật, ông Nghiện... tuy đã mất lâu rồi, nhưng tên tuổi vẫn còn được cư dân trong vùng nhớ mãi.

Chăm sóc tằm lên bủa.
Chăm sóc tằm lên bủa.


Đến giai đoạn chiến tranh Mỹ ngụy, người dân tránh bom đạn đi tứ tản, làng nghề dần im hơi, bãi bồi cỏ cây hoang dại mọc, bãi dâu xanh cùng với nghề tơ tằm tàn lụi. Sau ngày thống nhất đất nước, làng nghề được khôi phục từ năm 1976, khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng một lần về Quảng Ngãi, thăm lại làng nghề mà cụ từng biết khi còn niên thiếu. Thủ tướng nhắc nhở chính quền địa phương khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, động viên người dân trở lại với nghề truyền thống và cấp cho làng nghề một lượng lớn cây dâu giống từ tỉnh Thái Bình.

Thế là nghề dâu tằm chẳng bao lâu được khôi phục, phát triển. Số hộ theo nghề dâu tằm lúc ấy lên đến hơn 70% tổng số hộ trong thôn. Cuộc sống người dân giai đoạn này khá ổn định, kinh tế gia đình phát triển. Hợp tác xã dâu tằm ở Phú An tồn tại được từ năm 1976 đến 1983 thì chuyển sang phương thức khoán cho hộ dân. Từ đó, người dân lựa chọn nghề theo xu hướng phù hợp với gia đình và mức thu nhập cần thiết.

Hiện nay còn khoảng trên 30 hộ gia đình sống với nghề dâu tằm. Mỗi hộ có diện tích trồng dâu được chính quyền địa phương cấp từ 3 đến 5 sào đất bãi, một số hộ có đến cả mẫu do thuê diện tích của các hộ khác. Ông Lê Nam Kiều (gần 60 tuổi), là người từ khi tái lập làng nghề đến nay chỉ duyên nợ với trồng dâu nuôi tằm. Ông đang canh tác một mẫu đất trồng dâu, lấy lá để nuôi tằm. Cách nuôi hiện nay chia 2 giai đoạn: Từ trứng lên tằm con mất 10 ngày, từ tằm con lên tằm lớn lấy kén cũng mất 10 ngày.

Về chế độ cho ăn, tằm con 7 lần/ngày đêm, tằm lớn 5 lần/ngày đêm. Người nuôi thực hiện chuyên môn hóa ở mỗi giai đoạn. Nhờ vậy mà người nuôi có đủ kinh nghiệm trong chăm sóc tằm, trị bệnh, cho ăn…  Ông Kiều chọn công đoạn sau, nuôi từ tằm con mười ngày tuổi lên tằm lớn lấy kén. Với cách nuôi như thế mỗi tháng được hai lứa rưỡi. Sử dụng lượng lá dâu trên 10 sào để nuôi giai đoạn tằm lớn, mỗi lứa thu được khoảng 54kg kén, bán ra được khoảng 4,5 triệu đồng. Mỗi tháng người nuôi thu nhập được hơn 10 triệu đồng. Mỗi năm hành nghề từ tháng giêng đến hết tháng 9 âm lịch. Ba tháng còn lại, người ta chặt sát gốc cả vườn dâu, làm sạch cỏ dại để đến cuối tháng chạp dâu lên chồi cho lá non; và một năm hành nghề mới lại bắt đầu.

BÙI  VĂN TẠO
 


.