(Báo Quảng Ngãi)- Xuất phát từ đòi hỏi của thực tế, nhiều chị em phụ nữ đã tìm tòi, sáng tạo, triển khai các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Làm giá đỗ trên bao bố
Vào mùa mưa bão, phương tiện đi lại khó khăn nên đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo Lý Sơn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu trầm trọng về rau xanh. Xuất phát từ tình hình thực tế, Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hình thành ý tưởng làm giá đỗ trên bao bố để phục vụ bữa ăn hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Phương pháp làm rất đơn giản, không tốn nhiều diện tích đất, có thể tận dụng khu vực hành lang hoặc bếp ăn trong khu tập thể của đơn vị.
Mô hình trồng giá trên bao bố của Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh. |
Chị Trần Thị Kim Oanh-Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết: Vật dụng để làm giá đỗ gồm tấm ni lông, bao bố, gạch. Về quy trình làm, ngâm đậu trong thời gian 9 tiếng đồng hồ theo công thức 2 sôi, 3 lạnh. Sau đó vớt đậu ra để ráo. Trải tấm ni lông xuống mặt phẳng, sau đó trải bao bố lên trên, rải đậu dàn đều, sau đó phủ lên trên một lớp bao bố, lấy vật nặng đè lên trên cùng. Sau thời gian 48 tiếng, giá đỗ có thể thu hoạch, với chiều cao khoảng 5-6cm. Trong thời gian ủ giá không được để ngoài ánh nắng mặt trời, vì như thế giá sẽ chuyển thành màu xanh. Tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và trưa, không tưới vào buổi chiều dễ gây ngập úng giá.
Với cách làm giá đỗ này không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe mà còn rất lợi về mặt kinh tế. Theo tính toán của chị Oanh, 1kg đậu xanh cho ra sản phẩm là 10kg giá đỗ. So với giá bán trên thị trường thì trung bình 1kg đậu sau khi thành phẩm, trừ chi phí ban đầu còn lãi trên 100 nghìn đồng. Phương pháp làm giá đỗ trên bao bố được Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai từ năm 2011 tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn. Đến nay mô hình trồng giá trên bao bố được áp dụng ở các cơ quan quân sự của 6 huyện miền núi và các tiểu đội dân quân tự vệ của 14 huyện, thành phố. “Mô hình này đáp ứng được nhu cầu rau sạch cho bộ đội, góp phần đảm bảo sức khỏe, tiết kiệm về kinh tế”, chị Oanh nói. Mô hình trồng giá đỗ trên bao bố của Hội Phụ nữ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh được Hội LHPN tỉnh đánh giá cao và khen thưởng nhân Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2014.
Mô hình cây keo lai nuôi cấy mô
Khác với mô hình trồng giá đỗ trên bao bố, mô hình cây keo lai nuôi cấy mô của Chi hội phụ nữ Công ty TNHH Giống cây trồng vật nuôi Nông Tín tốn rất nhiều chi phí, nhất là chi phí cho quá trình nghiên cứu, trồng thí nghiệm. Tuy nhiên, giống keo lai nuôi cấy mô cho năng suất khá cao so với cây keo giâm hom. Chị Phạm Thị Diễm- Kỹ sư công nghệ sinh học của Công ty Nông Tín, cho biết: Công ty chuyên sản xuất cây keo giâm hom phục vụ cho các chương trình, dự án và người dân trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kinh doanh, đại diện công ty đã đi tham quan nhiều nơi và phát hiện hiệu quả của cây keo lai nuôi cấy mô.
Năm 2012, Công ty quyết định chuyển giao công nghệ sang phát triển cây keo lai nuôi cấy mô nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Lúc đầu, Công ty mời kỹ sư từ Hà Nội về hướng dẫn quy trình hoàn chỉnh nhưng thất bại. Quyết không bỏ cuộc, chị em phụ nữ của công ty ngày đêm tìm tòi, nghiên cứu. Sau 2 năm thử nghiệm, tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, cuối cùng các chị đã thực hiện thành công mô hình cây keo lai nuôi cấy mô, mang về một khoảng lợi nhuận khá cao với hơn 1 triệu cây được bán ra. Chị Diễm cho biết: Cây keo lai nuôi cấy mô có đặc tính rất khỏe. Cây không bị gãy cành vào mùa mưa bão. Giá thành ban đầu của cây từ 1.700- 1.800 đồng. Cây keo lai nuôi cấy mô trồng chỉ khoảng 3 năm là có thể cho thu hoạch (cây keo giâm hom phải mất 5-6 năm mới thu hoạch), năng suất cao gấp 1,5 đến 2 lần so với cây keo giâm hom.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG