Hướng đến bảo quản hải sản theo công nghệ mới

02:11, 24/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngư dân Quảng Ngãi đã từng “bóp bụng” trước sự ép giá của “đầu nậu” vì hải sản bảo quản chưa tốt trong các chuyến đánh bắt xa bờ. Theo tinh thần của Nghị định 67 cho vay với số tiền lớn để đóng tàu mới công suất lớn vươn khơi, Quảng Ngãi đang hướng ngư dân đầu tư thiết bị hiện đại để bảo quản hải sản trên tàu đánh bắt xa bờ.

Ép giá vì cá không đạt chất lượng
 
Mồi lần về các vùng biển, chúng tôi đều nghe ngư dân than vãn chuyện “đầu nậu” ép giá thu mua hải sản. Chủ tàu Cao Minh Êm, thôn Tân An, xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), thừa nhận: “Chuyện ép giá cá diễn ra thường xuyên sau mỗi chuyến biển. Nhưng do thiết bị bảo quản trên tàu của ngư dân quá thô sơ, cá không đảm bảo chất lượng nên cũng đành chịu”.

Nhiều tàu đánh bắt xa bờ vẫn dùng cách đựng cá trong bao đưa vào hầm đá để bảo quản.
Nhiều tàu đánh bắt xa bờ vẫn dùng cách đựng cá trong bao đưa vào hầm đá để bảo quản.


Khẳng định điều này bởi trước đây tàu ông Êm hành nghề lưới rê, tận vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Có lần, trong một chuyến biển tàu ông đang hành nghề thì gặp bão nên tấp vào các đảo trú tránh. Khi bão tan, đá lạnh trên tàu ông cũng tan hết làm cho số lượng hải sản đánh bắt không còn độ tươi, nên chuyến biển đó tàu ông bị lỗ tổn khá nặng.

Hiện nay không ít ngư dân quyết định chuyển từ nghề lưới rê, sang nghề câu cá ngừ đại dương. Tuy nhiên, thiết bị bảo quản hải sản trên tàu chỉ theo công nghệ truyền thống, nên sau chuyến biển dài ngày, cá đưa vào bờ không đảm bảo chất lượng. Ông Cao Văn Minh – người có 3 chiếc tàu cho các con đánh bắt cá ngừ đại dương bảo: “Cá ngừ đại dương hiện rất có giá, nhưng “đầu nậu” vin vào cá không bảo quản tốt, không đảm bảo chất lượng nên ép giá. Mỗi chuyến biển, trừ mọi chi phí thu lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng. Chia đều cho anh em bạn thì chủ tàu chẳng còn bao nhiêu”.

Cần đầu tư thiết bị hiện đại

Từ thực tế này, trước khi đóng tàu mới theo Nghị định 67, Quảng Ngãi đã liên kết với Viện Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Nha Trang) mở các lớp tập huấn cho ngư dân nắm bắt các lợi ích của thiết bị bảo quản hải sản theo công nghệ mới. Viện đã giới thiệu phương pháp làm hầm cá bằng vật liệu foam PU (poly urethan) thay cho tấm xốp thông thường. Đây là vật liệu được tạo bằng sự kết hợp của hai dung dịch lỏng ở cùng áp lực thổi của máy nén khí vào hộc gỗ đã đóng sẵn. Hỗn hợp dung dịch này sẽ nở ra, khô cứng lại và bám chặt vào thành gỗ làm kín tất cả các khe hở dù là nhỏ nhất, nên giữ nhiệt lâu. Vách hầm được ốp bằng inox nên vệ sinh vừa nhanh vừa đảm bảo. Chất lượng nguyên liệu trong hầm PU tăng 30% so với hầm thông thường.

Viện Khoa học và Công nghệ cũng giới thiệu cách bảo quản sản phẩm bằng hầm hạ nhiệt thân cá. Vách hầm cũng được ốp bằng innox/1mm, cách nhiệt bằng foam PU dày 10cm bên ngoài. Bên trong có dàn lạnh và khung định vị cá. Với cách bảo quản này, chủ tàu chỉ tốn khoảng 4 – 5 cây đá xay pha loãng với nước biển đủ độ mặn 60%, nhiệt độ nước ngâm sẽ xuống – 40C là giữ được trong vòng 12 giờ cho mỗi lần ngâm. Cách ngâm cá hạ nhiệt khi đưa vào bờ cá có bề mặt săn, thịt cá chắc và đỏ hơn cá không ngâm.

Phương pháp bảo quản cá bằng công nghệ lạnh thấm cũng được Viện Khoa học và Công nghệ giới thiệu đến ngư dân. Công nghệ này được lắp đặt một máy lạnh công suất 20 CV để giữ nước đá không tan chảy trong suốt quá trình hoạt động. Công nghệ này giảm được 50% lượng đá trên một chuyến biển, chất lượng và khối lượng cá được giữ nguyên như khi vừa đánh bắt xong.

Điều trở ngại duy nhất là việc lắp đặt các thiết bị hiện đại để bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ đều tốn chi phí khá cao. Tuy nhiên, để phát triển ngành thủy sản, ngành chức năng cần mở thêm các lớp tập huấn rộng rãi, khuyến khích và có cơ chế cho vay vốn thông thoáng giúp ngư dân đầu tư thiết bị hiện đại để bảo quản sản phẩm, nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho ngư dân.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.