Mẻ lưới khai khẩu

08:02, 16/02/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông thuyền trưởng lo lắng nhìn vào miệng đãy đang dần nhô lên mặt nước. Mẻ lưới đầu năm lấy hên cho cả làng chài nhưng không có tín hiệu là có cá. Cuối cùng, tất cả đều bật cười.

TIN LIÊN QUAN

Mùa biển xuất hành năm mới, vạn chài Sa Huỳnh cử tàu cá QNg 44218 TS, do ông Võ Hải (48 tuổi) làm người dẫn đầu. Lễ khai khẩu, trong quan niệm của người dân làng chài thì phải chọn con tàu hiền, làm ăn thuận lợi, không bị xui rủi để cầu may cho cả làng chài.

 

Tàu cá ngư dân Sa Huỳnh đánh mẻ lưới đầu xuân.
Tàu cá ngư dân Sa Huỳnh đánh mẻ lưới đầu xuân.


Khi chiếc tàu rời cửa biển, cách đê chắn sóng 500m thì ông chủ vái Trần Ngọc Thạch phát lệnh “khai khẩu, lấy đại lợi!”. Tấm lưới nilon được quăng xuống bên mé trái của con tàu. Tất cả mọi ngư dân đều im lặng nhìn xuống làn nước trong xanh và gửi gắm những ước vọng từ sâu thẳm lòng thành. Tấm lưới sau khi chạm nước và trôi một đoạn thì được rút lên. Thuyền trưởng giật ga. Con tàu gầm lên xả khói đen sì, hùng dũng tiến ra biển đánh mẻ lưới đầu năm.

Mẻ lưới ngày mở biển bắt đầu được kéo lên tàu khi mặt trời đã đứng bóng. Ông thuyền trưởng Võ Hải vẻ mặt lo lắng nhìn vào đãy lưới đang nhô dần lên mặt nước. Trong lưới không phát ra âm thanh lạch xạch của đàn cá nhảy, không loang lổ những dòng mực đen sì của những con mực nang, không có lượn nước quần đảo của đàn cá ngừ xanh. Mẻ lưới ngày mở biển được các ngư dân gán cho điềm báo “vận hạn” làm ăn của đoàn tàu trong năm. Theo quan niệm, nếu không có cá thì cả năm ngư dân lâm cảnh đói kém, chạy ngược chạy xuôi.

“Cá cơm nồm!”, cuối cùng, một tiếng la to khiến mọi người ồ lên và thở phào nhẹ nhõm. Ông Hải thuyền trưởng bỏ tay lái tàu đến tận miệng lưới quan sát và nở nụ cười. Cá cơm nồm chỉ nhỏ như đầu đũa, khi mang lên phơi khô thì teo lại như con tép. Dù phiên biển đầu năm chỉ trúng loại cá nhỏ, nhưng ngư dân phấn khởi, vì cá cơm nồm là loại xuất khẩu, giá thành cá tươi 85.000 đồng/kg. Nếu thu mua cá khô thì giá đã lên đến mấy trăm ngàn đồng/kg.

Các ngư dân kể lại, cá cơm nồm thường xuất hiện vào dịp cuối năm. Loại cá này dù nhỏ li ti, nhưng nếu đánh bắt trúng thì thu được nguồn lợi lớn. Có năm cá cơm nồm quần tụ về khu vực cửa biển Sa Huỳnh, tàu thuyền trong bến lao ra biển dày đặc để quây cá cơm. Có chiếc tàu đánh bắt một phiên kiếm được cả trăm triệu đồng nhưng chỉ tốn vài chục lít dầu. Những năm đó, bà con ngư dân ăn một mùa tết vui vẻ vì cá đến tận cửa nhà, nhổ neo ra là hốt bộn cá.

Con tàu mở biển lênh đênh trên ngọn sóng xuân. Hơn 20 ngư dân có mặt trên tàu thì gần một nửa đại diện cho những lão ngư lớn tuổi ở làng chài, còn lại là những trai tráng kình ngư trẻ tuổi. Mắt nhìn xa xăm ra biển, ông Phạm Chơn (65 tuổi), người có thâm niên đi biển hơn 40 năm cho biết: “40 năm trước, ngày mở biển thì cả làng chài ùa ra khơi. Thúng thì cật lực chèo, còn thuyền chèo thì hò la để vượt sóng ra biển đánh lưới. Giờ thì làng chài chỉ cử đại diện 4 vạn chài tham gia mở biển”.

Khác hẳn với vẻ trầm mặc của những lão ngư lớn tuổi, đám thanh niên trai tráng ngồi sau con tàu nhìn về cửa biển Sa Huỳnh đang thùng thùng tiếng trống, đỏ sắc cờ hoa. Hòa trong âm thanh giòn tan của máy tàu là nụ cười của những ngư dân trẻ. Các ngư dân lớn tuổi phó thác tất cả chuyện rủi may, hên xui của làng chài vào các bậc thánh thần ở cửa biển Sa Huỳnh. Còn đám ngư dân trai tráng thì mạnh bạo đề xuất: “Thời buổi bây giờ, tàu càng to, máy càng lớn thì đánh bắt càng thành công. Ra khơi xa ngư dân mới có thể tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo”.


Bài, ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
 


.