Nhà máy xử lý rác của... lão nông chân đất

01:04, 24/04/2012
.

(QNg)- "Động rác" Củ Chi, ranh giới giữa thôn Thạch Thang và Văn Hà ở xã Đức Phong (Mộ Đức) từng là điểm nóng về nạn rác thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Vậy mà bẵng đi một thời gian, "động rác" này bỗng dưng… biến mất, sau khi mô hình xử lý rác thải của lão nông Trương Minh ra đời.

Để mô hình xử lý rác thải này đi vào hoạt động, ông Trương Minh ở thôn Châu Me mất hơn 1 năm mày mò nghiên cứu, học hỏi cùng chi phí 400 triệu đồng để đầu tư xây dựng. Tuy chưa to, chưa hoành tráng nhưng nhà máy này đã giải quyết gần như triệt để lượng rác thải sinh hoạt của xã Đức Phong hiện nay.  

Nhà máy "nhí" nhưng hiệu quả to

Phải mất hơn 2 giờ ngồi đợi, tôi mới gặp được ông Trương Minh sau khi việc thu gom rác hoàn thành. Mồ hôi nhễ nhại, áo quần dính đầy bụi bẩn nhưng ông vẫn hồ hởi giới thiệu với tôi về Nhà máy xử lý rác thải của mình. "Gọi là Nhà máy cho oai chứ thật ra nó là khu phân loại, tái chế và tiêu hủy rác thải gồm: Sân phơi, lò đốt có hệ thống sấy, kho chứa phế liệu, hầm ủ và hệ thống dẫn nước thải" - ông Minh vui vẻ giải thích.

Ông Minh đưa rác vào lò để tiêu hủy.
Ông Minh đưa rác vào lò để tiêu hủy.


Biết thế, nhưng thoạt đầu nhìn vào, tôi có chút nghi ngờ vì "nhà máy" này bé quá, làm sao có thể đảm nhận nhiệm vụ xử lý hơn 20 khối rác/lần? Lý giải điều này, ông Minh cho rằng: Thực tế, lượng rác thải bị cho vào lò đốt là không nhiều, vì phần lớn chúng được dùng để xay nhỏ đúc gạch, bán phế liệu hay ủ phân. Vừa nói, ông Minh vừa cho tôi xem loại phân được tái chế từ rác thải và phấn khởi bảo: Sau khi phân loại, chất thải hữu cơ được đưa vào hầm ủ kỹ đến khi phân hủy hoàn toàn. Trước khi sử dụng thì trộn với tro được lấy từ lò đốt để bón cho mía hay các loại cây hoa màu, đỡ tốn chi phí. Đối với nước thải, ông cho dẫn vào hầm chứa để phục vụ việc sản xuất phân. Nhờ cách xử lý theo kiểu khép kín mà toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt của xã Đức Phong được giải phóng, mùi hôi thối cũng không còn. "Mừng nhất là động rác Củ Chi bị xóa sổ, trả lại bầu không khí trong lành cho người dân" - bà Thạch Thị Định ở thôn Thạch Thang chen vào câu chuyện.

Khi được hỏi động lực nào khiến ông dám bỏ một số vốn lớn như thế để xây dựng khu xử lý rác, lão nông Trương Minh bảo rằng vì sống gần rác nên ông cảm nhận được sự khó chịu của những bữa cơm, giấc ngủ sặc mùi hôi của rác. Cũng vì rác, mà bãi biển Đức Phong dù đẹp cũng chẳng níu chân được du khách sau một lần ghé thăm vì muốn ra biển, họ phải đi trên con đường… rác và ngang qua "động rác" lớn với mùi hôi đến ngộp thở. "Hơn nữa tôi nghĩ, dù rác là thứ vứt đi nhưng nếu mình chỉ biết chôn lấp chúng thì cũng... tiếc! Vì rác thải sinh hoạt hầu hết là chất thải rắn và hữu cơ, nên có thể tận dụng để tái chế thành những sản phẩm có ích" - ông Minh cho hay. Vậy nên sau hơn 1 năm mày mò, nghiên cứu, lão nông Trương Minh cho ra đời Nhà máy xử lý rác "nhí" với hy vọng cải thiện tình trạng ô nhiễm, mất mỹ quan do rác thải gây ra. "Tuy cách phân loại và xử lý rác còn thủ công, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn. Đặc biệt, điều này đã giúp chúng tôi giải quyết được tiêu chí đảm bảo môi trường trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương", ông Ngô Đình Long - Chủ tịch UBND xã Đức Phong khẳng định.

Mô hình hay, cần nhân rộng

Tuy là "con đẻ" của một nông dân chân đất, nhưng khu xử lý rác Đức Phong lại thừa khả năng để giải quyết rác ngay cả trong mùa mưa, vì "nắng có sân phơi, mưa có lò sấy". Đây là điểm cộng cho khu xử lý rác này vì hiện nay, hầu hết các bãi chôn lấp rác thải chỉ xử lý theo kiểu "nắng đốt, mưa ủ". Vì vậy mà vào mùa mưa, rác bị "ngâm" trong nước lâu ngày nên bốc mùi hôi thối, nước bẩn lại chảy tràn lan, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân. Mặt khác, trong khi Dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải của huyện Mộ Đức đang "án binh bất động" vì mãi loay hoay với công tác quy hoạch quỹ đất, vốn, thì khu xử lý rác cấp xã như thế này sẽ góp phần chia sẻ gánh nặng về vấn nạn rác thải cho huyện hiện nay.

Tuy hiệu quả ban đầu của khu xử lý rác đã được khẳng định nhưng điều khiến ông Trương Minh băn khoăn là: Dù nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân, nhưng chỉ những hộ sống gần "động rác" Củ Chi hay cạnh những tuyến đường lâu nay bị rác chiếm dụng mới tham gia đóng phí bảo vệ môi trường, còn phần lớn thì vẫn thờ ơ.

Nguyên nhân vì họ cho rằng: Việc xây dựng khu xử lý rác Đức Phong là do ông tự nguyện nên việc thu gom, xử lý cũng phải trên tinh thần... tự nguyện, còn đóng phí hay không là tùy lòng hảo tâm của mọi người! Tuy nhiên, dù hoạt động với mục đích bảo vệ môi trường, phi lợi nhuận thì khu xử lý rác vẫn cần phải có nguồn thu để hoạt động. Nhưng với mức phí 10.000 đồng/tháng/hộ mà chỉ có lèo tèo vài người hưởng ứng, thì biết đến bao giờ ông Minh mới thu hồi lại hơn 400 triệu tiền vốn đã bỏ ra? "Tôi chỉ mong chính quyền địa phương có biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Vì nếu họ vẫn giữ suy nghĩ cứ vứt rác ra đường, thế nào cũng có người thu gom thì khu xử lý rác sẽ sớm chết yểu, bởi lấy đâu kinh phí để hoạt động" - ông Minh lo lắng.


    Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.