Ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển vùng chuyên canh cây rau màu ở Bình Dương

06:07, 08/07/2011
.

(QNg)- Tận dụng lợi thế đất đai bằng phẳng, có phù sa sông Trà Bồng bồi đắp, người dân xã Bình Dương (Bình Sơn) đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình trồng trọt cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó những năm qua, sản xuất nông nghiệp của xã đạt được nhiều kết quả...

Từ lâu Bình Dương được biết đến là vùng đất chuyên canh nhiều giống rau màu mang lại năng suất cao. Hiện toàn xã có 94 ha đất trồng rau màu; trong đó có khoảng 23 ha đất chuyển đổi từ trồng lúa đạt năng suất thấp sang trồng  rau màu. Cùng với kinh nghiệm và sự nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp, người dân ở đây đã có thu nhập bình quân hàng năm từ sản xuất rau màu khoảng 54 triệu/ha. Thu nhập bình quân tăng từ 5,4 triệu đồng/người/năm (2005) lên hơn 11,1 triệu đồng/người/năm (2010).
 
Mô hình trồng xen canh bí xanh với rau ăn lá của hộ bà Phạm Thị Ân (ở thôn Mỹ Huệ, Bình Dương).
Mô hình trồng xen canh bí xanh với rau ăn lá của hộ bà Phạm Thị Ân (ở thôn Mỹ Huệ, Bình Dương).

Để có được kết quả đó người dân Bình Dương đã không ngừng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng rau quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh việc du nhập và trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao như giống cà chua mới 386, An Na, Kim cương đỏ; khổ qua TN166; ớt Mũi Tên Đỏ  thì các hộ trồng rau còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới như, trồng phủ bạt, sản xuất rau theo hướng an toàn… Nhờ đó năng suất rau ở Bình Dương tăng đáng kể: Cây ớt đạt năng suất bình quân 20 tấn/ha, cây khổ qua 60 tấn/ha, cây cà chua ghép đạt 28 tấn/ha…

Ông Nguyễn Hồng Tự (ở thôn Mỹ Huệ II) cho biết: Với giống khổ qua mới TN166, sau 2 tháng trồng gia đình ông thu được khoảng 1,5 tấn quả trên 600m2, ông thu về trên 6 triệu đồng. Còn ông Lâm Minh Hoàng - nông dân trồng ớt ở thôn Mỹ Huệ chia sẻ: Những năm gần đây ớt được giá khoảng 30.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg, nên phần lớn người trồng ớt đều có thu nhập khá. Bình quân 1 sào ớt thu khoảng 20 triệu đồng và 1ha đạt giá trị khoảng 400 triệu đồng. Mỗi ha ớt lãi hơn 250 triệu đồng.

Bên cạnh đó người dân Bình Dương còn liên kết với nhau trồng cùng một giống rau màu, nên đã hình thành nên những vùng chuyên canh các loại cây như ớt, khổ qua, bí đao… Đồng thời thực hiện nhiều mô hình luân canh, xen canh hiệu quả như, mô hình trồng bí, khổ qua xen rau ăn lá xà lách, diếp cá, tần ơ; trồng xen cây ớt với cây đậu phụng… Bà Phạm Thị Ân (xã viên đội 8, thôn Mỹ Huệ) cho biết: Nhờ thực hiện trồng xen bí xanh với rau ăn lá, nên đã tăng thu nhập của gia đình. Với diện tích 1/2 sào,  sau 4 tháng tôi đã thu về 13 triệu đồng từ tiền bán bí và rau xanh.

Không chỉ quan tâm đến năng suất, hiệu quả kinh tế, người trồng rau nơi đây còn chú trọng đến chất lượng rau quả, đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Hàn Thị Hồng - cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Bình Sơn cho biết: Thông qua các lớp tập huấn về sản xuất rau theo hướng an toàn, nông dân đã nâng cao nhận thức trong sản xuất rau, từ việc sử dụng nước sạch để tưới, đến việc sử dụng phân bón hợp lý, hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích và điều hoà sinh trưởng, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch…

Nhờ đó đã giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và đảm bảo  yêu cầu về chất lượng rau quả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Chính vì thế sản phẩm rau của HTXNN Bình Dương đã được thị trường tin dùng. Thị trường tiêu thụ rau của Bình Dương không chỉ có Khu Kinh tế Dung Quất, mà còn xuất bán ra các tỉnh bạn như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Định…

Từ hiệu quả kinh tế đạt được, thời gian tới HTX sẽ có kế hoạch quy hoạch và xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn, tiến tới xây dựng thương hiệu rau an toàn cho Bình Dương. Đây là yêu cầu cấp thiết để giúp người dân trồng rau có được nguồn thu nhập ổn định và yên tâm sản xuất, ông Nguyễn Tấn Đại - Chủ nhiệm HTXNN Bình Dương cho biết.

Bài, ảnh: Phương Dung

.