Cắt điện liên miên – người nuôi tôm điêu đứng

07:06, 30/06/2010
.

(QNĐT) - Gần 2 tháng qua, mất điện liên tục diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh ta. Thiệt hại do mất điện gây ra không chỉ đối với các nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp, mà còn gây thiệt hại nặng nề đối với vùng nông thôn, nhất là những vùng nuôi tôm như xã Phổ Minh (Đức Phổ).

Những ngày qua, nắng nóng gần 40°C cùng với việc lịch cúp điện dày đặc đã làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Đặc biệt, các vùng nuôi tôm thâm canh đang lao đao vì nắng nóng và mất điện. Do mất điện liên tục nên việc chạy quạt nước tạo ôxi cho tôm bị gián đoạn, nhiều đầm nuôi, tôm bị chết hàng loạt, người nuôi phải bán tôm non trong xót xa.
 
fg
Trung bình một đầm tôm rộng 3.000m2 cần tới 4 máy nổ, tốn khoảng 5 lít dầu cho mỗi tiếng hoạt động

Mấy ngày hôm nay, đầm nuôi tôm chân trắng rộng 3.000m2 của gia đình anh Nguyễn Bảy ở vùng nuôi tôm thâm canh xã Phổ Minh (Đức Phổ) luôn trong tình trạng tôm chết ngạt hàng loạt. Mặc dù gia đình anh Bảy đã đầu tư mua máy nổ để chạy quạt khí nhưng trời nắng  gắt, không có gió cùng với mật độ nuôi tôm dày làm cho tôm thiếu ôxi dẫn đến chết với số lượng lớn.

Khắc phục không được, gia đình anh Bảy đành phải liên hệ với lái buôn bán tôm non trước thời vụ gần 1 tháng. Lẽ tất nhiên là giá thu mua tôm bị tư thương ép. Bởi vậy, vụ tôm này gia đình anh Bảy coi như trắng tay.

Mỗi ngày một đầm tôm phải chạy quạt tạo khí trên 15 giờ, thế nên trong 1 tháng qua, vùng nuôi tôm bị mất điện liên tục khiến cho nhiều hộ nuôi tôm rơi vào hoàn cảnh khó khăn. 

Người nuôi tôm phải đầu tư mua thêm máy nổ, xăng dầu để chạy quạt khí. Trung bình một đầm tôm rộng 3.000m2 cần tới 4 máy nổ, tốn khoảng 5 lít dầu cho mỗi tiếng hoạt động. Vì chi phí cao nên nhiều hộ cũng không thể mua đủ máy và cung cấp đủ nhiên liệu cho các đầm tôm. Điều lo lắng là chi phí đầu tư sẽ tăng cao gấp nhiều lần so với bình thường nhưng giá tôm trên thị trường lại ổn định.

Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Phổ Minh có 21 hộ nuôi tôm với diện tích mặt nước là 12,17 ha. Trung bình nếu vụ tôm được nuôi theo đúng quy trình, đủ điện để chạy sục khí và bơm thay nước… thì vụ vừa qua 1 ha sẽ thu được từ 75-78 tạ (400 triệu/ha), nhưng gần 2 tháng qua, mất điện liên tục khiến tôm chết, người dân phải “bán tống, bán tháo”.

Anh Mai  Văn Thành – một hộ nuôi tôm thuộc HTX bức xúc cho biết: “7.000m2 đầm nuôi của tôi trong vụ tôm vừa qua may mắn thoát khỏi dịch bệnh, tưởng cuối vụ sẽ thu lợi được để bù lỗ, cuối cùng lại gặp nắng nóng, mất điện liên tục thế này làm thiệt hại. Vừa rồi tôi phải bán tôm non, chỉ thu được 37 tạ với doanh thu 200 triệu đồng, không đủ tiền trả nhân công và chi phí tài sản cố định đã bỏ ra”.
 
as
Người nuôi tôm phải đầu tư mua thêm máy nổ, xăng dầu để chạy quạt khí

Một số hộ trong hợp tác xã (khoảng trên 1/2 diện tích toàn HTX), do vụ tôm vừa qua gặp dịch bệnh nên đầu tháng 5 đã thả lại vụ tôm mới. Hiện tại, những đầm tôm này đang trong giai đoạn 2, giai đoạn trưởng thành của tôm, cần nguồn điện cung cấp đầy đủ để bơm thay nước và sục khí thường xuyên.
 
Ông Nguyễn Muộn – Chủ tịch HTX cho biết: “Một tuần cúp điện 2 ngày từ 5 giờ đến 18 giờ (thứ 4, thứ 7), và 2 ngày cúp điện từ 12 giờ đến 18 giờ. Theo thông báo là vậy, nhưng hầu như lần nào thời lượng cúp điện cũng kéo dài hơn, có khi đến 20 giờ mới có điện, lại không có thông báo. Bà con mình không chủ động được việc chạy máy nổ, đồng thời vì là vùng triều, việc bơm thay nước phụ thuộc vào con nước, thế nên lúc có điện lại không có nước để bơm”.

Phổ Minh chỉ là một trong những vùng nuôi tôm của tỉnh ta chịu ảnh hưởng lớn của việc mất điện. Trong lúc những bức xúc vì thiếu điện sản xuất của nhân dân và chính quyền các địa phương đang được ngành điện xem xét thì ở các vùng nuôi tôm, những chiếc xe đông lạnh vẫn tiếp tục vào thu mua tôm non. Thời tiết nắng nóng quá dài cộng với mất điện đã đe doạ trực tiếp đến năng suất và sản lượng của tôm làm cho người nuôi tôm điêu đứng.

Bài, ảnh: Vũ Yến

.