Tiếng thở dài bên lòng hồ Nước Trong (kỳ 2)

09:08, 30/08/2018
.

Kỳ 2: Chưa an cư, sao lạc nghiệp


(Báo Quảng Ngãi)- Đã hơn chục năm rồi nhưng người dân trong khu tái định cư thuộc dự án Hồ chứa nước Nước Trong vẫn chưa thể lạc nghiệp. Bởi lẽ, đất sản xuất có nhưng sản xuất không hiệu quả, thiếu nước sạch, đường sá đi lại thì khó khăn...


Làng quê đìu hiu

Một cán bộ ở huyện Tây Trà khi nghe chúng tôi đề cập đến chuyện hậu tái định cư của dự án Hồ chứa nước Nước Trong, đã chia sẻ những câu chuyện cười ra nước mắt của người dân nơi đây. Vị cán bộ này kể: Nhận tiền quá nhiều, người dân ở đây tỏ ra choáng ngợp, không biết phải sử dụng như thế nào. Có người mang tiền về nhà bỏ vào bao nilon treo trên trần nhà. Khi cần tiền thì họ lấy xuống dùng, chi tiêu rất phung phí. Vì thế mà cái nghèo vẫn đeo bám lấy họ. Cũng theo vị cán bộ này, ngày trước còn có đất trồng lúa, trồng cây, còn nay không có nên cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn.

 Rừng phòng hộ cạnh các khu TĐC và hồ Nước Trong đang bị xâm phạm.
Rừng phòng hộ cạnh các khu TĐC và hồ Nước Trong đang bị xâm phạm.


Năm 2008, dự án Hồ chứa nước Nước Trong được triển khai. Nhiều người kinh doanh, buôn bán ở dưới xuôi mang khá nhiều hàng hóa, đồ dùng sinh hoạt gia đình để lên phục vụ người dân khi họ được nhận tiền đền bù. Dọc trục đường chính dẫn về hai xã Trà Xinh và Trà Thọ ngày đó, quán xá mọc lên như nấm, luôn tấp nập người mua bán. Còn nay túi tiền của người dân không còn, các  hàng quán phần lớn đều đóng cửa, người dân ở các khu tái định cư không còn tổ chức tiệc tùng liên miên, thay vào đó là lên rẫy, đi làm thuê để lo miếng ăn cho gia đình.
 

"Những tồn tại, hạn chế tại các khu tái định cư thuộc dự án hồ Nước Trong xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng chưa có giải pháp khắc phục có hiệu quả. Đối với việc cấp sổ đỏ đất ở cho người dân tái định cư kéo dài từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa làm xong. Trách nhiệm đó là của Ban Quản lý dự án Hợp phần di dân hồ chứa nước Nước Trong. Nên chăng ngành chức năng hướng dẫn người dân, đất không sản xuất được lúa thì chuyển sang trồng chuối, hay một số cây ăn quả khác, đằng này để bỏ hoang, lãng phí quá. Một số hộ tái định cư cho rằng không có đất sản xuất, nhưng thực chất thì họ đã bán để lấy tiền tiêu xài..."


Quyền Chủ tịch UBND xã Trà Xinh
ĐINH VĂN NAY

Trưởng thôn Trà Veo Hồ Văn Hoa cho biết: Năm 2007, cả xã chỉ có 4 quán tạp hóa nhỏ, nhưng năm 2008 có thêm gần 10 quán, hàng hóa thì phong phú, không khác gì ở dưới xuôi. “Cả thôn Trà Veo có 70% hộ dân được nhận tiền đền bù với số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, nhưng giờ đây tỷ lệ hộ tái nghèo chiếm khoảng 65%”, ông Hoa xót xa.

Dọc tuyến đường độc đạo dẫn về cuối lòng hồ chứa nước Nước Trong, những ngôi nhà tạm bợ ven đường từng là cửa hàng tạp hóa sầm uất ngày nào, giờ cửa đóng then cài. Số ít hàng quán mở cửa là mới thành lập sau này, nhưng chỉ bán buôn nhỏ và thu mua hàng nông sản của người dân là chính.

Chị H, chủ một cửa hiệu tạp hóa cho biết, trước đây người dân mua hàng hóa nợ của những người buôn bán ở dưới xuôi lên khá nhiều, đến khi nhận tiền đền bù, những người này luôn tìm cách xiết nợ, với số tiền từ vài triệu đến cả chục triệu đồng, chủ yếu là mua sắm xe mô tô, tivi, hoặc các vật dụng đắt tiền dùng trong sinh hoạt gia đình. "Với những chủ quán tạp hóa, người dân cũng nợ nhưng rất khó thu. Giờ đây, tôi cố bám trụ để thu lại số tiền người dân còn thiếu, chứ thật ra bán buôn ở đây chẳng lời mấy đồng”, chị H tâm sự.

Nỗi niềm khó bày tỏ

Quyền Chủ tịch UBND xã Trà Xinh Đinh Văn Nay chia sẻ, đa phần những hộ dân nhận tiền đền bù từ dự án được xem là thoát nghèo. Một xã mà tỷ lệ hộ dân thoát nghèo nhiều đến vậy là rất mừng. Nhưng chỉ sau một thời gian thì họ tái nghèo trở lại. “Năm trước báo cáo lên huyện tỷ lệ hộ nghèo giảm, năm sau những hộ ấy nằm trong danh sách hộ nghèo cần trợ cấp. Huyện truy xét, xã chẳng biết ăn nói thế nào”, ông Nay nói.

Nhiều ngôi nhà ở Khu tái định cư thôn Tây, xã Trà Thọ không có người ở.
Nhiều ngôi nhà ở Khu tái định cư thôn Tây, xã Trà Thọ không có người ở.


Câu chuyện giàu nghèo hậu tái định cư thuộc dự án hồ Nước Trong không chỉ có thế, mà ở đó người dân phải sống trong cảnh thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ dân ở đây được cấp đất sản xuất, nhưng suốt 7 năm qua không một thửa ruộng nào gieo sạ được, do thiếu nước. Điều khiến người dân trăn trở là, đất ở đây cằn cỗi đến mức cây dại còn không sống nổi, nói gì đến cây lúa.

Trung bình mỗi hộ dân thuộc diện di dời tái định cư được cấp 2.000m2 đất sản xuất. Chủ đầu tư đã khai hoang một ngọn núi để cải tạo thành ruộng sản xuất, với tổng chi phí đầu tư hàng tỷ đồng. Ấy vậy mà đến nay, khu vực này cũng chỉ là bãi đất hoang. Sau khi có ý kiến của người dân, chủ đầu tư đã cấp phân bón để người dân cải tạo đồng ruộng. Nhưng tiếc thay, hàng chục tấn phân được đưa về sau nhiều năm vẫn nằm trong vườn, nhà.

Không có đất trồng lúa, mỗi hộ dân được cấp ít đất rừng, nhưng chừng ấy cũng không đủ để người dân đủ kế sinh nhai. Các khu TĐC nằm cách rừng phòng hộ vài bước chân, nên đang là "tầm ngắm" của không ít người dân thiếu đất sản xuất và thực tế những cánh rừng này đang dần teo tóp. Trưởng thôn Trà Veo Hồ Văn Hoa cho biết, trước đây người dân có ruộng, có rẫy làm ăn, nên dù có thu nhập thấp, nhưng không đến nỗi khổ như bây giờ.

Một bi kịch khác đối với người dân ở đây nữa là, người dân "bị" chuyển từ sinh hoạt trong nhà sàn sang nhà xây bê tông, nên phần nào phá vỡ cấu trúc văn hóa trong đời sống của đồng bào vùng cao. Vì thế mà một số hộ dân đã bỏ nhà xây, làm nhà sàn để ở, dẫn đến lãng phí rất lớn.

 

Không còn là khu dân cư kiểu mẫu


Những khu tái định cư của dự án hồ Nước Trong từng được xem là các khu dân cư kiểu mẫu ở miền núi Quảng Ngãi. Nhưng chỉ sau vài năm thì xảy ra sự cố khi hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt bị hư. Vì thế nên người dân phải xách từng can nhựa vào rừng lấy nước về dùng. Nhiều nhà tái định cư bị nứt, mưa dột, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Chúng tôi theo chân ông Hồ Văn Liên, ở thôn Trà Veo, vượt quãng đường 2km để lên suối lấy nước về dùng. Ông Liên cho biết, gia đình ông đã chuyển về đây được 6 năm, nhưng có đến 4 năm không có nước để dùng. Khi vận động người dân di dời để nhường đất cho dự án, cán bộ bảo vào khu tái định cư có đầy đủ từ điện, nước sạch, đường giao thông... nhưng bây giờ ba thứ đó đều không được đáp ứng.

Tại khu TĐC thôn Tây, xã Trà Thọ có rất nhiều ngôi nhà đã khóa cửa từ nhiều năm trước, khiến nhà xuống cấp. Lý giải điều này, cán bộ hai xã Trà Thọ và Trà Xinh cho biết, một số hộ vẫn nhận nhà nhưng không ở, mà chuyển đến khu vực khác sinh sống để tiện việc làm ăn. Số khác thì ở nhà xây không quen và đất sản xuất ở khu vực lòng hồ còn thiếu, nên họ quay lại nơi ở cũ để sinh sống.

 


Bài, ảnh: N.QUANG-N.VIÊN


----------
Kỳ 3: Tìm sinh kế cho người dân





 

.