Thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015: Góc nhìn từ phía tòa án

08:10, 09/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 có hiệu lực (1.7.2016), đến nay TAND tỉnh đã thụ lý hơn 200 vụ án hành chính các loại. Công tác xét xử các vụ án hành chính của TAND tỉnh đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về tiến độ và chất lượng giải quyết án, góp phần tích cực vào việc giải quyết kịp thời các khiếu kiện hành chính của tổ chức và công dân.

 Trước khi Bộ Luật TTHC năm 2015 có hiệu lực thi hành, bản án, quyết định hành chính của TAND cấp huyện bị hủy, sửa, chiếm tỷ lệ cao. Việc giao cho TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện và UBND cấp huyện là một trong những nguyên nhân có thể dẫn tới việc giải quyết vụ án của tòa án không bảo đảm khách quan, vì có sự ảnh hưởng, tác động của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương.

 

Luật TTHC năm 2015 quy định, công dân khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đối với UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện thì thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh. Khi công dân khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện, thì công dân có quyền lựa chọn một trong hai hình thức là khởi kiện ra Tòa hành chính hoặc là chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần thứ hai. Trong trường hợp chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần thứ hai, nếu đã hết thời gian quy định giải quyết mà không được giải quyết, hoặc đã giải quyết mà đương sự không đồng ý việc giải quyết lần 2, thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa và thẩm quyền giải quyết thuộc TAND tỉnh.
 Chánh tòa Hành chính TAND tỉnh NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA

Để khắc phục tình trạng này, Luật TTHC năm 2015 đã giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm những khiếu kiện liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND huyện cho TAND cấp tỉnh thực hiện. Quy định này có ý nghĩa trong việc thúc đẩy dân chủ, công khai, minh bạch nền hành chính, tạo điều kiện để thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc độc lập, tuân theo pháp luật.

Luật TTHC năm 2015 quy định các đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho tòa án hoặc do tòa án thu thập được. Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho tòa thì họ phải thông báo cho đương sự khác biết về việc này, để đương sự khác liên hệ với tòa án thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ. Kể từ ngày tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì tòa án phải thông báo cho đương sự biết, để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ theo quy định.

Theo bà Nga, quyền của đương sự là được biết, được ghi chép, được sao chụp các tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình đã nộp cho tòa án và nghĩa vụ của các đương sự là phải cung cấp đầy đủ toàn bộ tài liệu, chứng cứ, nhằm để chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Ngược lại, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng phải có nghĩa vụ như người khởi kiện. Một nghĩa vụ nữa là, các đương sự phải giao nộp bản sao cho tòa án về đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ đã cung cấp cho tòa, để tòa án gửi cho các đương sự khác.

 Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, tòa án phải tiến hành đối thoại để các đương sự thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án. Theo bà Nga, trong thời gian chuẩn bị để xét xử vụ án hành chính sơ thẩm thì tòa tiến hành tổ chức những phiên họp giữa các đương sự có liên quan trong vụ án hành chính, để kiểm tra việc giao nộp chứng cứ, tiếp nhận và công khai chứng cứ. Đây là quyền của các đương sự được Luật TTHC năm 2015 quy định rất chặt chẽ. Hơn nữa, việc đối thoại giữa các đương sự còn nhằm mục đích tạo điệu kiện cho công dân và cơ quan nhà nước ngồi lại với nhau, để có thể tự thỏa thuận mà không cần đưa vụ án ra xét xử.

 Theo Phó Chánh án TAND tỉnh Phan Ngọc Minh, việc Quốc hội thông qua đạo luật TTHC năm 2015 có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là, thực hiện theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng công tác giải quyết các khiếu kiện hành chính, cũng như trong công tác xét xử các khiếu nại có liên quan đến lĩnh vực hành chính của các cơ quan nhà nước trong hoạt động hành chính; tạo được niềm tin trong nhân dân. Khi Bộ luật TTHC năm 2015 có hiệu lực, tòa án đã tổ chức quán triệt cho cán bộ tòa án để thực hiện đúng.

Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng đã có Nghị quyết hướng dẫn những điểm mới của Bộ luật TTHC năm 2015, nhằm áp dụng pháp luật thống nhất trong quá trình xét xử các vụ án hành chính; tạo điều kiện cho người dân tham gia vào tố tụng một cách rõ ràng, tốt hơn và tránh được việc hiểu không đúng về các vấn đề mà pháp luật trước đây quy định còn bất cập.


NG.TRIỀU

 


.