Tăng cường khả năng quản lý rủi ro thiên tai cho người khuyết tật

06:04, 24/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Quảng Ngãi có hơn 50 nghìn người khuyết tật và được xem là một trong những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất và là gánh nặng khi có thiên tai xảy ra. Do đó, việc lồng ghép hòa nhập người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là cần thiết để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương và tăng khả năng ứng phó đối với người khuyết tật.
Và đó cũng là mục tiêu chính của Dự án  "Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam" được triển khai ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Trị. Tổ chức Malteser International (MI) phối hợp cùng Trung tâm Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hội người khuyết tật tỉnh Quảng trị và Quảng Ngãi cùng thực hiện dự án.
 
Sau khi tham gia lớp tập huấn kéo dài 5 ngày về Vận động chính sách quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật, anh Đặng Văn Khéo ở thôn Xuân Vinh, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) đã thu rất nhiều kiến thức bổ ích cho mình.
 
Là người khuyết tật khó khăn trong vận động lẫn sinh hoạt hằng ngày, nhất là những khi mùa lũ đến, anh Khéo chỉ còn biết trông cậy vào người khác mà không hề có sự chủ động phòng tránh để bảo vệ bản thân và giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

 

Tại lớp tập huấn, các học viên người khuyết tật được chủ động tham gia lập phân tích, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai
Tại lớp tập huấn, các học viên người khuyết tật được chủ động tham gia lập phân tích, lập kế hoạch phòng tránh thiên tai.
 
Nhưng qua lớp tập huấn, anh Khéo như được tiếp thêm sự tự tin, mạnh dạn. “35 tuổi đời, chưa bao giờ tôi lại nghĩ mình có thể là chủ thể được đóng góp ý kiến, được xây dựng kế hoạch phòng tránh thiên tai ở địa phương. Bởi vì bản thân luôn có sự mặc cảm, nhưng khi cùng tham gia tập huấn với những người khuyết tật khác thì tôi đã thay đổi suy nghĩ. Người khuyết tật có thể không trở thành gánh nặng nếu bản thân có sự chủ động tham gia hòa nhập và mạnh dạn đóng góp ý kiến”- Anh Khéo tâm huyết nói.
 
Không chỉ anh Khéo, mà nhiều anh chị em là người khuyết tật và cán bộ thôn, xã được tham gia khóa tập huấn đều thay đổi ý nghĩ. Ông Hồ Quang Út- Trưởng thôn Phú Châu, xã Hành Đức chia sẻ: Trước đây, mỗi khi thiên tai đến với vùng rốn lũ Hành Đức thì chúng tôi luôn lo nhất đến đối tượng người khuyết tật, người già và trẻ em tại địa phương. Bởi họ là những người không chủ động và chờ lực lượng cứu hộ đến cứu. Nhưng bây giờ, thì tôi nghĩ không phải họ không giúp ích được gì mà chẳng qua hệ thống chính trị chưa tạo cho họ cơ hội để cùng tham gia lập kế hoạch phòng chống thiên tai. Từ đó, họ có sự chủ động cần thiết mỗi khi lũ về và không còn là gánh nặng tại địa phương.
 
Trong khuôn khổ Dự án, người khuyết tật không chỉ tham gia với vai trò là học viên được tập huấn, mà còn tham gia với tư cách là tập huấn viên với đầy đủ năng lực lẫn kiến thức về phòng chống thiên tai. Anh Trần Tuấn Kiệt- Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh là một trong những tập huấn viên tiêu biểu của Dự án. Mỗi ngày lên lớp, mặc dù đi đứng phải có sự trợ giúp của cặp nạn, nhưng anh Kiệt vẫn rất tự tin trình bày bài giảng của mình. Với anh, người khuyết tật “tàn nhưng không phế”, nhất là trong những lúc mưa lũ, thiên tai ập đến.

 

Anh Trần Tuấn Kiệt- một trong những tập huấn viên của Dự án tự tin truyền đạt kiến thức tại lớp tập huấn
Anh Trần Tuấn Kiệt- một trong những tập huấn viên của Dự án tự tin truyền đạt kiến thức tại lớp tập huấn
 
Không chỉ hoạt động tập huấn, Dự án còn diễn ra với các hoạt động chính là: quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật và vận động chính sách; đánh giá và lập kế hoạch phòng, chống thiên tai, lồng ghép các nội dung trong kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã; thực hiện các chiến dịch truyền thông trong tăng cường nhận thức và thực hiện các dự án nhỏ nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.
 
Ông Bùi Quang Huy- Phó Giám đốc Trung tâm PT&GNTT cho biết, hiện nay việc thực hiện các chương trình giảm nhẹ rủi ro thiên tai có hòa nhập người khuyết tật vẫn chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân chính là do các cơ quan liên quan thiếu kiến thức và kỹ năng để huy động sự tham gia của người khuyết tật.
 
Để khắc phục những hạn chế này, giải pháp cần thiết là nâng cao năng lực của các bên liên quan trong việc lập kế hoạch, thực hiện và giám sát các hoạt động trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật; xóa bỏ rào cản đối với người khuyết tật trong các khóa tập huấn, cuộc họp, đánh giá và lập kế hoạch phòng chống thiên tai; tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận được quyền của mình trong quá trình lập kế hoạch và vận động chính sách.
 
Đồng thời, xây dựng một mô hình thí điểm quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có tính đến cả hai yếu tố kỹ thuật và xã hội; hỗ trợ cộng đồng giảm  mức độ dễ bị tổn thương và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Trong đó, chú trọng đến người khuyết tật.
 
Dự án “Tăng cường sự tham gia của người khuyết tật trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại Việt Nam” được triển khai áp dụng cho gần 140 nghìn người dân hai huyện dự án là Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) và Cam Lộ (Quảng Trị). Trong đó có 6.246 người khuyết tật được nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai; 645 đại diện chính quyền các cấp được tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng có hòa nhập người khuyết tật.
 
Kéo dài trong hơn 2 năm, một khi dự án kết thúc, người khuyết tật ở các địa phương được triển khai được hy vọng sẽ có năng lực trong quản lý rủi ro thiên tai với sự hòa nhập và tự tin.
 
Bài, ảnh: Thiên Vương
 
 

.