Thành công trong chỉ đạo các hồ, đập điều tiết lũ

05:12, 13/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hơn một tuần qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra lũ, lụt. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đến các đơn vị quản lý hồ chứa nước phải xả lũ khi nước chưa đạt cao trình lớn nhất, để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra.

TIN LIÊN QUAN

Không để tràn hồ mới xả lũ

Theo thống kê, kể từ đợt mưa lớn năm 1999 đến nay, đợt mưa năm nay trải trên diện rộng, có lưu lượng lớn nhất và bằng chứng là mực nước các sông luôn dao động ở mức báo động 1 đến báo động 3 trong cả tuần. Thế nhưng, nhờ các hồ đập không xả lũ ồ ạt, nên mực lũ không tăng cao đột ngột ở các sông dù mưa lớn.

 Hồ thủy điện Đăkđrinh xả lũ khi mực nước trong hồ mới đạt cao trình ở ngưỡng cho phép giúp vùng hạ lưu sông Trà Khúc không bị thiệt hại nặng.
Hồ thủy điện Đăkđrinh xả lũ khi mực nước trong hồ mới đạt cao trình ở ngưỡng cho phép giúp vùng hạ lưu sông Trà Khúc không bị thiệt hại nặng.


Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, ngay sau khi nắm tình hình mưa lớn và dự báo sẽ kéo dài khoảng 10 ngày liên tục, UBND tỉnh đã cử lãnh đạo đi thị sát mực nước ở các hồ. Qua đó nắm rõ tình hình và yêu cầu các chủ hồ xả lũ khi mực nước trong hồ đạt cao trình từ 80 - 90% thiết kế.

“Không thể ở nhà đọc báo cáo từ chủ hồ, như thế sẽ bị động trong phương án phòng chống lũ, lụt. Khi chủ hồ thấy nước tích đầy mới có công văn thông báo xả lũ, thì nước đã vượt cao trình cho phép. Lúc đó, tỉnh sẽ bối rối và người dân vùng hạ lưu sẽ “lãnh đủ”. Còn không xả thì càng nguy hiểm”, ông Minh nói.

Trong số 5 hồ chứa nước lớn của tỉnh thì ba hồ Liệt Sơn, Núi Ngang và Diên Trường được yêu cầu xả lũ sớm nhất khi mực nước đã đạt 90% cao trình cho phép. Tiếp đến là hồ Nước Trong và Đăkđrinh, trong đó hồ Đăkđrinh có trữ lượng tích nước lên đến 248 triệu m3 và vận hành liên hồ chứa do Chính phủ quy định. Nhưng với chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi, hồ đã xả lũ điều tiết khi mực nước hồ chưa đầy với mức xả 140m3/giây, dù trước đó phát đi thông báo sẽ xả 280m3/giây.

Còn hồ chứa nước Nước Trong là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh và có lượng nước xả lớn nhất tỉnh với 342m3/giây. Ông Minh cho rằng, dù hồ có mực nước dâng bình thường 129,5m mới xả lũ, nhưng lượng nước về hồ là hơn 357m3/giây, nên phải xả lũ dù mực nước dâng của hồ chỉ đạt hơn 121m.

Ông Nguyễn Nhung - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, dù nước chưa đầy hồ, nhưng bắt buộc phải xả lũ theo chỉ đạo của tỉnh, bởi an toàn cho vùng hạ lưu và hồ đập là ưu tiên hàng đầu.

 Bài học lớn

Theo lẽ thường với lưu lượng mưa lớn chưa từng có vừa qua, việc các vùng trũng bị ngập là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là việc điều tiết lũ tốt từ các hồ chứa nước đã hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh, lũ chồng lũ xảy ra, nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra đã được kiểm soát tốt, là nhờ tỉnh đã chủ động nghiên cứu bài học từ việc xả lũ của các hồ chứa nước ở các tỉnh bắc miền Trung vừa qua. Khi dự báo mưa lũ có thể xảy ra và thiệt hại là điều khó tránh khỏi, trong đó lo nhất là việc xả lũ của các hồ đập ở thượng nguồn, đã giúp tỉnh rút ra được bài học kinh nghiệm để ứng phó và chỉ đạo khi mưa lũ xảy ra.

“Cùng lúc hai hồ Đăkđrinh và Nước Trong cùng xả lũ, nhưng mực nước chảy về sông Trà Khúc chưa khi nào vượt mức báo động 3. Đó là thành công lớn trong đợt phòng chống lũ năm nay của tỉnh. Không tránh được lũ là đặc thù của không chỉ Quảng Ngãi mà còn nhiều tỉnh dọc miền Trung. Nhưng điều tiết lũ thì có thể làm ngay từ đầu, phải quyết liệt ngay tại hồ đập”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh quả quyết.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.