Cảnh báo sự mất an toàn của các nhà hàng bè nổi

02:08, 01/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà bè làm từ tre, sàn bằng ván gỗ ghép lại, phía dưới là thùng phuy làm phao, lan can sơ sài, không có phao cứu sinh, không có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy... Đó là thực trạng của các nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống, tiềm ẩn nhiều hiểm họa.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Sự việc nhà hàng nổi ở huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận bất ngờ bị sập, khiến 300 người rơi xuống biển, trong đó 2 người tử vong gióng lên hồi chuông báo động về dịch vụ kinh doanh ăn uống trên các nhà bè. Tại Quảng Ngãi, thời gian qua, số lượng các nhà bè kinh doanh ăn uống dọc bờ sông ngày càng tăng, thu hút nhiều khách đến tham quan, ăn uống.

Tại khu vực sông Vực Hồng, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa), hiện có hơn 10 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống trên bè nổi. Theo ông Nguyễn Chí Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cách đây chục năm từ việc người dân làm bè câu cá, sau đó vài hộ chuyển sang bán hàng ăn uống. Từ vài ba hộ ban đầu, đến nay đã có hơn chục hộ làm các nhà bè để kinh doanh quy mô hơn. Mỗi hộ có từ 2, 3 nhà bè kết nối lại với nhau. Nhà bè neo vào các cột bê tông bằng dây thừng.

 

Nhà bè kinh doanh ăn uống chủ yếu làm bằng tre, sàn bằng gỗ ghép lại, thùng phuy làm phao... tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Nhà bè kinh doanh ăn uống chủ yếu làm bằng tre, sàn bằng gỗ ghép lại, thùng phuy làm phao... tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.


Hiện đang là mùa cao điểm du khách đến các nhà bè ở xã Nghĩa Hòa, nhất là vào dịp cuối tuần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhà bè không trang bị áo phao. Nhà bè làm từ các nguyên liệu dễ bắt lửa, nhưng không có trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Theo lý giải của ông Mai Văn Minh, chủ quán Lâm Minh thì, trước kia các nhà bè đặt tại khu vực cuối sông Vực Hồng, nước chảy, còn nay di chuyển lên đoạn trên, nước cạn hơn nên áo phao... cất trong nhà, còn việc nấu nướng thực hiện trên nhà thuộc phần đất trên bờ, nên ngoài nhà bè không cần bình chữa cháy.

Ông Minh còn cho rằng, khi có khách đông, để bảo đảm an toàn thì phân bố khách ngồi đều ba nhà bè. Sau sự việc ở Ninh Thuận, quán không cho các ghe đò đón chở khách trong phạm vi gần nhà bè, để đề phòng sự cố!

Kinh doanh tự phát

Ngoài dịch vụ kinh doanh ăn uống trên nhà bè, một số hộ dân còn kinh doanh thêm dịch vụ đưa đón chở khách tham quan. Người dân tận dụng phao cứu sinh được phát cho dịch vụ vận chuyển khách đò ngang từ xã Đức Lợi (Mộ Đức) sang Nghĩa Hòa trang bị cho khách.


Ông Nguyễn Chí Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa cho biết, kể cả các nhà bè và dịch vụ chở khách trên ghe đều là tự phát, không đúng quy định của pháp luật. Địa phương không cấp phép để người dân kinh doanh các dịch vụ này. May mắn là các nhà bè chưa để xảy ra sự cố nào.

Không thể phủ nhận việc kinh doanh ở nhà bè đã giúp người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, vì trước đây khu vực này đời sống người dân rất khó khăn. Vì thế, “để tạo điều kiện cho họ, chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền các hộ kinh doanh tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là các nhà bè phải bảo đảm tài sản và tính mạng cho khách.
 
Tuy nhiên, đến giai đoạn II của Dự án đê kè Hà- Hòa (liên xã Nghĩa Hòa và Nghĩa Hà), các hộ kinh doanh nhà bè phải tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu và không có chế độ bồi thường”, ông Thanh cho hay.

Bài, ảnh: BẢO HÒA



 


.