"Xe khách" của Bùi Huệ

11:04, 30/04/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Khi chuyến tàu cao tốc vừa cập cầu cảng đảo Bé, một đoàn xe tuk tuk đã nối đuôi nhau đứng chờ. Cuối dòng xe ấy bất ngờ xuất hiện một gương mặt thân quen, anh Bùi Huệ.
 
Vẫn là Bùi Huệ, chàng ngư dân với ý chí và nghị lực kiên cường, chàng ngư dân bị bại liệt sau một chuyến lặn biển ở Trường Sa 15 năm về trước. 
 
Câu chuyện của anh đã được biết đến cách đây nhiều năm như một điển hình về sự bất trắc của nghề lặn biển của ngư dân Quảng Ngãi, nhưng rồi bao nhiêu người con của xứ sở này vẫn bám biển, vươn khơi ra Hoàng Sa, Trường Sa như một định mệnh.
 
Sự can trường trên những chuyến biển, chuyển hóa thành nghị lực chiến thắng bản thân khi đôi chân anh không còn đi lại được nữa. Anh đã huấn luyện những chú chó kéo xe để thay đôi chân của mình. 
 
Những chú chó, những người bạn thân thiết của Bùi Huệ, gắn chặt vào anh như một hình ảnh quen thuộc trên hòn đảo bé tẹo này, hôm nay không theo anh nữa. Anh ngồi trên chiếc xe một mình.
 
"Xe khách" của Bùi Huệ. Ảnh: Hiền Linh.
 
Đó là một chiếc xe chuyên dụng cho người tàn tật. Nhưng người lái có thể chở thêm 2 người nữa, có thể là một cặp tình nhân, khách hàng tiềm năng của anh Huệ.
 
Bao nhiêu lượt khách đến đảo Bé mỗi ngày, đôi chân anh Huệ không thể đi, không thể đon đả chào mời, không thể vồn vã bám theo, anh chỉ có thể tìm kiếm khách hàng bằng ánh mắt. 
 
Ánh mắt của anh hôm ấy tìm quanh, thoáng chút thất vọng khi không có du khách nào, nhưng lòng kiên nhẫn sau bao nhiêu năm tụ lại trong ánh mắt ấy dường như không tắt.
 
Anh Huệ bảo, đây là chiếc xe trị giá hơn 60 triệu đồng do một công ty ở TP. Hồ Chí Minh tặng anh cách đây hơn một tháng. Mùa du lịch bắt đầu là cơ hội mưu sinh của những người dân đảo Bé nơi đây, và anh, một ngư dân tật nguyền, cũng không bỏ qua cơ hội đó.
 
Tôi bỗng nhớ anh Huệ của hai năm trước. Lúc ấy, trước hiên một ngôi nhà nhỏ hướng ra mặt biển, anh ngồi đan lưới bên một chiếc radio cũ. Trước mặt anh, sóng vỗ rầm rì vào bờ biển, những chú chim hải âu líu ríu bay về. Anh ngồi đó hàng giờ để có những tấm lưới bán đi lấy tiền mưu sinh, kết nối với thế giới ngoài kia và tận hưởng sự yên bình nơi anh đang sống.
 
Anh còn nuôi cua đá, một loài cua vốn sống hoang trên đảo và lẫn màu vào trầm tích núi lửa mà chưa ai nghĩ đến việc nuôi nó, để mưu sinh. Từ đan lưới đến nuôi cua, là một bước chuyển trong việc “làm kinh tế” của một con người luôn tự lực. 
 
Nhưng đan lưới và nuôi cua cũng chưa đủ để trang trải cuộc sống, và anh đã thay đổi để bắt kịp nhịp đời với chiếc xe đón khách. Anh Huệ khoe một ngày có thể chở được hai lượt khách, kiếm được hơn trăm nghìn.
 
Bùi Huệ cùng ba chú chó kéo xe ra bãi Sau dạo chơi. Ảnh: Hiền Linh.
Bùi Huệ cùng ba chú chó kéo xe ra bãi Sau dạo chơi. Ảnh: Hiền Linh.
 
Chiều, tôi vô tình gặp anh Huệ ở bãi Sau, ba chú chó kéo anh đi ra đó chơi, rồi tấp vào một quán nước. Tôi thấy anh ngồi trên chiếc xe lăn, nhìn xa xăm về phía biển, nơi hoàng hôn đã nhuộm lên mặt biển một màu đỏ au lấp lóa. Giây phút giấy, hẳn anh nhớ thời trẻ trai tung hoành ngang dọc.
 
Giây phút ấy, trên phông nền của hòn đảo yên bình mênh mang sóng nước, thước phim về cuộc đời Bùi Huệ, về sự thay đổi của hòn đảo này chậm rãi ẩn hiện trong tôi. 
 
Sự thay đổi ấy, đủ để những ngư dân chỉ biết quanh năm sóng nước biết niềm nở cười, đon đả chào mời những du khách tới, đủ để một ngư dân tàn tật như anh  Huệ cũng có thể làm du lịch.
 
Và tôi chợt nghĩ rằng, dù bao nhiêu đổi thay đã diễn ra, bao nhiêu điều đổi thay nữa sẽ đến, nhưng ý chí và lòng quả cảm của anh Huệ, của những con người nơi đây, là điều chưa bao giờ thay đổi.
 
Hiền Linh
 

.