Chuyện của thú y viên ở cơ sở

07:07, 09/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Họ thiếu kinh nghiệm, không có chuyên môn. Họ đảm nhận nhiều việc nhưng lương ít, thậm chí còn làm “nhân viên sai vặt” ở xã vì chưa được giao chức trách, nhiệm vụ rõ ràng… Đó là những chuyện buồn của lực lượng thú y viên ở cơ sở hiện nay.

Trăm việc đổ đầu thú y viên

“Đến đợt tiêm phòng là anh em đi mỏi chân. Dù mệt nhưng ai cũng chỉ mong bà con chấp hành việc tiêm phòng để khỏi xuất hiện dịch bệnh trên trâu, bò, heo, vịt”, anh Nguyễn Tiến, cán bộ khuyến nông – thú y xã Đức Tân (Mộ Đức) mở đầu câu chuyện. Thế nên khi đến đợt tiêm phòng (mỗi năm có 6 đợt tiêm phòng, mỗi đợt kéo dài gần 1 tháng), anh Tiến bắt đầu công việc từ lúc mờ sáng với lỉnh kỉnh đồ nghề cùng cuốn sổ ghi chi tiết thông tin các cơ sở, điểm chăn nuôi, số lượng đàn gia súc gia cầm (GSGC) cùng tình hình dịch bệnh.

 Đảm nhận nhiều việc nhưng nhiều nơi, thú y viên chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. (Ảnh minh họa).
Đảm nhận nhiều việc nhưng nhiều nơi, thú y viên chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. (Ảnh minh họa).


Lý giải sự cẩn thận này, anh Tiến bảo rằng, GSGC liên tục biến động, rồi một số hộ-chủ yếu là hộ chăn nuôi vịt không chịu khai báo số lượng trong khi các chủng bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Vì vậy, sau mỗi đợt tiêm phòng, những thú y viên như anh Tiến phải thường xuyên đến các điểm chăn nuôi để theo dõi, kiểm tra và giám sát vệ sinh, an toàn, thu thập thông tin tình hình dịch bệnh để kịp thời xoay xở… Tuy vất vả nhưng công việc thú y vốn là “nghề mình chọn” nên dù cả lương và phụ cấp hiện chưa đến 1.500.000 đồng/tháng, anh Tiến vẫn vui vẻ đảm nhận.  

Không may mắn như anh Tiến là được UBND xã bố trí chức danh, nhiệm vụ rõ ràng. Bởi hiện nay, rất nhiều xã bổ nhiệm cán bộ thú y – khuyến nông sai chuyên ngành hoặc không trực tiếp hành nghề thú y; thậm chí có nơi chính quyền địa phương chưa ban hành chức năng, công việc cụ thể nên vô tình trở thành “nhân viên sai vặt”… khiến họ làm việc theo kiểu “có cũng được, không cũng chẳng sao”. Việc này, theo Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Tư Nghĩa Lương Văn Mùi là “ảnh hưởng rất lớn đến công việc, hoạt động của ngành”. Điển hình là trong 6 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ tiêm phòng gia cầm trên toàn huyện Tư Nghĩa đạt hơn 91%. Tuy nhiên ở các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương, Nghĩa Thắng thì con số này chỉ đạt từ 22 – 69%.

Một vấn đề nữa là hiện nay, dù đảm nhận lượng công  việc khá lớn, nhưng với mức lương chưa đến 1.500.000 đồng/tháng (riêng những thú y có bằng trung cấp sẽ được hưởng thêm 10% phụ cấp) thì những cán bộ khuyến nông – thú y sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Đã thế một số nơi chậm chi trả tiền lương cho anh em thú y, khiến nhiều người nản lòng, chểnh mảng công việc”, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Nguyễn Đình Tuấn cho biết.

“Cần sớm ổn định công tác tổ chức, quản lý”      

Đó là mong muốn của Chi cục trưởng Chi cục Thú y Nguyễn Đình Tuấn. Lý do theo ông Tuấn là trước năm 2015, đội ngũ thú y viên cơ sở do Chi cục Thú y (Chi cục) trực tiếp quản lý và điều hành. Vì thế, việc thu thập thông tin hay thực hiện công tác tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, vệ sinh chăn nuôi, giám sát dịch bệnh…cũng như việc chi trả lương, phụ cấp nhanh và hiệu quả. “Đặc biệt là khi bùng phát ổ dịch, ngành chủ động huy động cán bộ thú y các địa phương hỗ trợ lẫn nhau. Chứ giờ muốn làm được điều này, chúng tôi phải làm văn bản “xin phép” qua nhiều kênh. Công việc vì thế cũng sẽ không kịp thời”, ông Nguyễn Đình Tuấn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm này, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh cũng đề xuất “nên giao việc quản lý, điều hành lực lượng thú y viên cơ sở cho chi cục thú y”. Bởi điều này sẽ giúp chi cục thú y tiện theo dõi, đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ cũng như kịp thời tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn cho thú y viên.


Cũng theo ý kiến của lãnh đạo các trạm thú y thì từ khi thay đổi bộ máy quản lý, việc triển khai thực hiện chuyên môn bị gián đoạn. Nhất là việc bố trí người không hành nghề thú y đảm nhận nhiệm vụ khuyến nông – thú y nên xảy ra tình trạng “có chức danh nhưng thiếu chuyên môn”. Nguyên nhân là vì thu nhập thấp, họ phải tập trung làm thêm việc khác nhằm trang trải cuộc sống. Để cải thiện tình trạng này, Tư Nghĩa là một trong những huyện sớm triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ khuyến nông – thú y ở các xã, thị trấn, đảm bảo đội ngũ cán bộ đảm nhận nhiệm vụ khuyến nông – thú y cơ sở lành nghề, có chuyên môn.

Quả thật với những bất cập đang bộc lộ, lực lượng thú y viên cơ sở đang rất được các ngành chức năng quan tâm tháo gỡ để họ sớm ổn định, yên tâm công tác.

Bài, ảnh: MỸ HOA


 


.