Mập mờ trong việc thu hồi, đền bù đất ở Đức Phổ

08:06, 30/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xin địa phương cải tạo đất bỏ hoang đào ao nuôi tôm từ năm 1987 đến nay và không có ai tranh chấp, thế nhưng, khi dự án xây dựng khu tái định cư (TĐC) Quốc lộ 1 đi qua phải thực hiện kiểm kê, đền bù bỗng dưng xã thông báo mảnh đất trên là đất công ích và chỉ hỗ trợ 30%.

Chính quyền địa phương luôn khẳng định, mảnh đất gần 5.000m2 trên cho cá nhân thuê.  Tuy nhiên, suốt gần 30 năm qua giữa chủ hộ và xã không có bất kỳ một hợp đồng thuê đất nào. Chỉ đến khi có chỉ đạo của cấp trên xã mới làm hợp đồng trong năm 2014, nhưng lại đề ngày trong hợp đồng lùi lại một năm (tức năm 2013). Sự việc trên xảy ra trên địa bàn xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Người bị thiệt thòi là ông Võ Chỉnh…

Đất sản xuất 28 năm bị đưa vào đất công ích?

Ngay sau khi Dự án mở rộng Quốc lộ 1 khởi công, đi kèm với đó là công tác thu hồi đất xây dựng các khu TĐC. Trong đó, tại địa bàn thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, khu đất đào ao nuôi tôm của hộ gia đình ông Chỉnh bị thu hồi với tổng diện tích gần 5.000m2 để xây dựng khu TĐC Đồng Sát. Trong đó, huyện Đức Phổ chỉ áp giá kiểm kê và đền bù về đất đối với 2.327m2 có sổ đỏ (5 thửa đất số 825, 826, 827, 828 và 829 thuộc tờ bản đồ số 1, xã Phổ Thạnh). Còn lại diện tích 2.645m2 của các thửa 220, 221, 238, 239 và 240 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chỉ bồi thường chi phí đầu tư vào đất (30%), chứ không bồi thường về đất.

Ông Võ Ba, người ủy quyền cho con là Võ Chỉnh khiếu nại đang đứng trên mảnh đất của mình sử dụng từ năm 1987, nhưng nay bị thu hồi và chỉ được áp giá đền bù 30%.
Ông Võ Ba, người ủy quyền cho con là Võ Chỉnh khiếu nại đang đứng trên mảnh đất của mình sử dụng từ năm 1987, nhưng nay bị thu hồi và chỉ được áp giá đền bù 30%.


Điều này khiến ông Chỉnh không đồng tình. Ông Chỉnh cho rằng, diện tích đất gia đình ông đã sử dụng lâu dài từ năm 1987 và là đất khai hoang có xin chính quyền địa phương. Đồng thời không có tranh chấp với ai, nhưng do điều kiện lịch sử nên chưa thể đăng ký làm GCNQSDĐ được.

“Đối với 5 thửa đất có GCNQSDĐ, huyện Đức Phổ chỉ thực hiện bồi thường 100% giá trị đất bị ảnh hưởng mà không bồi thường chi phí đầu tư vào đất. Trong khi đó, 5 thửa đất chưa được cấp GCNQSDĐ, trước đây cũng là đất khai hoang và đã được đại diện UBND huyện Đức Phổ là ông Phạm Ngọc Anh-nguyên Chủ tịch UBND huyện đồng ý, xác nhận thống nhất để gia đình tôi thực hiện việc đào ao nuôi tôm, cá. Gia đình tôi sử dụng ổn định trong suốt 28 năm qua, thế mà bỗng chốc huyện Đức Phổ lại thông báo đất trên là đất công ích do xã quản lý và chỉ hỗ trợ 30% là quá vô lý. Một điều nghịch lý nữa là tại sao đất không có sổ thì bồi thường chi phí đầu tư vào đất, trong khi đất có sổ lại không được”-ông Chỉnh bức xúc.

Ngoài ra, ông Chỉnh cho rằng, việc xã Phổ Thạnh khẳng định các thửa đất trên là đất công ích (đất 5%) là không có cơ sở vì chính UBND xã Phổ Thạnh, UBND huyện Đức Phổ không chứng minh được các thửa trên là đất công ích khi đối chất với gia đình ông Nguyên các thửa đất trên là của các hộ Ngô Gương, Trần Quang Nhị và Ngô Tuấn (những hộ cùng ông Võ Ba viết đơn xin UBND huyện Đức Phổ khai hoang đào hồ nuôi tôm, cá-PV) đã sang nhượng cho gia đình tôi từ năm 1992. Trong khi gia đình tôi chưa làm được GCNQSDĐ vậy mà huyện Đức Phổ lại đưa các thửa đất trên vào đất công ích là gây thiệt thòi, thiếu công bằng trong quá trình đền bù, hỗ trợ cho gia đình ông.

Hợp đồng thuê đất… bằng miệng

Lý giải chuyện áp giá đền bù thiếu thuyết phục dẫn đến công dân khiếu nại, bà Huỳnh Thị Cẩm Liêm - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đức Phổ (Trung tâm) cho rằng, 5 thửa đất chỉ đền bù 30% là đất công ích do UBND xã Phổ Thạnh quản lý và ông Võ Ba đã thuê lại của xã để đào ao nuôi tôm, cá chứ không phải đất khai hoang. Vì giữa hai bên có hợp đồng thuê đất rõ ràng. Do đó, Trung tâm căn cứ theo điều 16, Nghị định 69/2009 của Chính phủ và Khoản 2, điều 5 Thông tư 14 của Bộ TN&MT nên chỉ hỗ trợ cho ông Võ Ba 30% theo quy định. Đồng thời không hỗ trợ chi phí về khối lượng đào ao vì ông Võ Ba không có chứng từ chứng minh được chi phí đầu tư vào đất.

“Còn việc ông Chỉnh khiếu nại các quyết định của huyện sai là việc của ông Chỉnh. Trung tâm chỉ làm đúng theo quy trình, thủ tục và các văn bản tham mưu của UBND xã Phổ Thạnh xác định đây là đất công ích và có hợp đồng thuê đất kèm theo nên Trung tâm hỗ trợ, đền bù căn cứ theo hợp đồng trên”-bà Liêm nói.

Tuy nhiên, trái ngược lại với hồ sơ của huyện, ông Chỉnh trưng ra đầy đủ các chứng từ ghi rõ chi tiết đầu tư của mình. Và chính bà Liêm cũng khẳng định ngày đó công dân rất khó có chứng từ vì chỉ thuê xe, công lao động chủ yếu theo ngày công.

Cũng theo bà Liêm, việc ông Chỉnh đề nghị hỗ trợ khối lượng đào ao, Trung tâm đã có Tờ trình số 97 gửi UBND huyện xin các cấp có thẩm quyền để hỗ trợ kinh phí đào ao. Và nếu các cơ quan có thẩm quyền đồng ý thì Trung tâm sẽ tiến hành chi trả thêm tiền bồi thường, hỗ trợ phần đào ao nuôi tôm, cá của ông Võ Ba.

Còn ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, luôn khẳng định các mảnh đất có số thửa gồm: 220, 221, 238, 239 và 240 có diện tích bị thu hồi 2.645m2, theo sổ mục kê mới đây là đất công ích 5% và do xã quản lý. “Đất này trước đây là của ông Trần Nga và bà Trần Thị Xong sử dụng, sau đó do nhiễm mặn không sản xuất được, nên giao lại cho nông hội quản lý và được hợp tác xã quy hoạch đất nuôi tôm. Sau này ông Võ Ba và một số hộ khác có làm đơn xin nuôi tôm và được các ngành chức năng thôn, xã, huyện thông qua. Đến năm 1992, các hộ trên nhượng lại cho ông Võ Ba làm. Năm 1993, ông Võ Ba tiếp tục làm hợp đồng thuê đất của hợp tác xã mãi về sau này. Như vậy đất này có nguồn gốc cá nhân sử dụng và HTX cho thuê và xác lập bằng văn bản cụ thể và ông Ba có thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Tuy nhiên khi được hỏi, các hợp đồng mà xã và ông Võ Ba ký kết đâu thì ông Nguyễn Duy Trinh tỏ ra lúng túng. “Từ năm 1987 đến nay là mình cho ông Võ Ba thuê. Nhưng hồi đó chỉ giao kèo bằng… miệng chứ không có giấy tờ hợp đồng gì hết” – ông Trinh thừa nhận.

Bên cạnh đó, ông Trinh cũng cho biết, việc “chạy” hợp đồng thuê đất giữa UBND xã và cá nhân ông Võ Ba trong năm 2014, nhưng đề ngày ký hợp đồng  2013 là… để kịp thực hiện các văn bản theo đúng trình tự để có cơ sở được hỗ trợ 30% giá trị bồi thường, còn xã hưởng 60%. “Cái này ông Võ Ba tự nguyện ký và nếu không ký thì ông Võ Ba không được hưởng đồng nào vì đất này là của xã quản lý” – ông Trinh lý giải.
 

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.