Vùng đất Anh hùng

09:05, 01/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đức Phổ- vùng đất cực nam của Quảng Ngãi, nơi có truyền thống yêu nước từ lâu đời. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân Đức Phổ dù chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng vẫn kiên trì bám trụ, chống giặc giữ làng, tạo nên nhiều sự kiện lịch sử, chiến công vẻ vang trên vùng đất anh hùng.

TIN LIÊN QUAN

Mảnh đất Đức Phổ tuy khô cằn nhưng đã sinh ra và nuôi dưỡng nhiều người con ưu tú, như Trần Quang Diệu, Phan Long Bằng, Võ Tùng, Nguyễn Nghiêm, Phạm Quy, Phạm Xuân Hòa... Chính những con người này, cùng với quân và dân Đức Phổ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, tô thắm thêm trang sử hào hùng của quê hương…

Từ bề dày văn hóa và lịch sử…

Chị Trương Thị Hương - Phó Phòng VHTT huyện Đức Phổ, chia sẻ: Đức Phổ là một trong những vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử của Quảng Ngãi. Tiêu biểu là Văn hóa Sa Huỳnh. Khoảng đầu thế kỷ XX, tại Phú Khương (Phổ Khánh) các nhà khảo cổ học người Pháp như Vinet, Labare, Colani đã phát hiện ở Sa Huỳnh hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa cổ xưa. Còn tại di chỉ Gò Ma Vương, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh được coi là di tích có nhiều đặc trưng văn hóa phong phú, có thể đại diện cho nhóm di tích sơ kỳ đồng thau của Văn hóa Sa Huỳnh. Cũng tại xã Phổ Thạnh còn có Bia ký Chăm, nằm tại Vũng Bàng, thôn Thạnh Đức 1. Theo các chuyên gia khảo cổ học, Bia này được khắc trên đá tự nhiên theo chữ SanGrit nhưng chưa được dịch, tạc trên bề mặt tảng đá Granit, có hình trụ tròn, trên bề mặt được vát phẳng hình chữ nhật có chiều dài 1,7m, chiều rộng 1,1m. Trên khuôn có 10 dòng văn tự cổ được khắc chìm. Đây cũng là địa phương nhiều cảnh đẹp nổi tiếng của vùng đất Quảng Ngãi.

Nhà lưu niệm Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Hòa.
Nhà lưu niệm Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Hòa.



Vùng đất này còn sản sinh, nuôi dưỡng cho quê hương, đất nước nhiều chí sĩ yêu nước, được nhân dân tôn thờ. Mộ và nhà thờ cụ Phan Long Bằng ở xã Phổ Cường đã minh chứng cho điều đó. Cụ sinh năm 1885, người làng Thanh Sơn, nay thuộc xã Phổ Cường. Cụ là chí sĩ yêu nước chống Pháp trong phong trào Duy Tân. Ngày 18.4.1908, cụ cùng Hồ Sĩ Tạo (sĩ phu Bình Định) lãnh đạo khoảng 4.000 người vây thành Bình Định đòi giảm sưu thuế nên bị bắt, kết tội tử hình và đem xử chém tại cửa Đông thành Bình Định. Không chỉ vậy, nơi đây còn vinh dự có nhà lưu niệm 2 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Nguyễn Nghiêm và Phạm Xuân Hòa; nhà thờ và mộ Huỳnh Công Thiệu; nhà thờ và mộ Trần Ngọc Trác (Phổ Văn)... “Những di tích lịch sử, văn hóa này là vô giá, có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nên cần duy tu, tôn tạo để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ”, chị Hương bộc bạch.

…Đến những chiến công vang dội

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù bị quân thù đàn áp, đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng quân và dân Đức Phổ vẫn kiên cường đứng lên đấu tranh, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Trên vùng đất lửa Phổ Cường, ngày 28.2.1964, tại cánh đồng Quai Mỏ, thôn Nga Mân, lực lượng chủ lực của ta đã phục kích tiêu diệt một đại đội Bảo an, trong đó tiêu diệt 2 tên ác ôn, bắt sống 60 tên và thu được nhiều súng, đạn pháo. Đến năm 1969, cũng tại Phổ Cường đã lập nên chiến thắng đèo Mỹ Trang. Ông Trần Nguyên Giang- Bí thư Đảng ủy xã Phổ Cường, cho biết: Tháng 7.1969, khi có tin quân Mỹ sẽ chuyển quân bằng xe cơ giới từ hậu cứ Sa Huỳnh ra căn cứ Gò Hội để chuẩn bị cho cuộc càn quét lớn ở các xã phía nam huyện Đức Phổ.

Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.



Trước tình hình đó, Đảng ủy xã Phổ Cường đã họp bàn phương án đánh địch và thống nhất giao cho lực lượng du kích xã phối hợp với tiểu đội chủ lực thuộc đơn vị Sao Vàng do Anh hùng Lê Văn Cao trực tiếp chỉ huy. Đêm 20.7.1969, lực lượng bí mật đào hầm, ngụy trang ém quân tại trận địa. Đến 14 giờ ngày 21.7.1969, đoàn xe của địch xuất hiện. Bất ngờ, thần tốc các mũi phục kích của ta dùng tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo B40- B41 đánh tới tấp vào đội hình địch bằng hỏa lực áp đảo, đánh cháy tại chỗ 5 xe chở vũ khí, quân trang, quân dụng và 2 xe tăng. Quân Mỹ gọi không quân từ Gò Hội ra yểm trợ cũng bị bắn cháy một trực thăng, số còn lại hốt hoảng rút lui.

Chiến thắng Phổ An cũng là một trận đánh gây được tiếng vang lớn của quân và dân địa phương. Ngày 2.2.1966, lính Mỹ tiến hành đánh từ hướng Rẫy Đá (Phổ Quang) ập vào làng An Thổ (Phổ An) nhằm tiêu diệt lực lượng bộ đội địa phương. Tuy nhiên, dựa vào địa hình quen thuộc, với lối đánh phản kích bất ngờ, bám vào đội hình địch để đánh nên trong vòng một ngày ta tiêu diệt nhiều lính Mỹ, bắn rơi 5 máy bay, thu nhiều lựu đạn và 2 súng Garent. Lực lượng của ta tham gia trận đánh này gồm 31 chiến sĩ đều được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ. Chiến thắng Cầu Giác cũng vậy. Vào ngày 9.3.1967, lính Mỹ hành quân càn quét vào xã Phổ Thuận, nhưng bị quân ta phát hiện và tiến hành cài mìn định hướng ở Cầu Giác, tiêu diệt 31 lính Mỹ…

…Và nỗi đau không bao giờ phai

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhưng những gì mà kẻ thù gây ra chắc chắn sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm thức mỗi người dân Đức Phổ. Ông Huỳnh Quý- Bí thư Huyện ủy Đức Phổ, chia sẻ: Bên cạnh những chiến công trước một quân thù hùng mạnh, thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Đức Phổ cũng chịu nhiều tổn thất lớn. Đó là vụ thảm sát Bàn Thạch (Phổ Cường). Khoảng 8 giờ tối ngày 20 tháng giêng năm 1972, tại nhà bà Thạch, một trung đội lính ngụy đã ném lựu đạn và nổ súng vào nhóm trẻ em đang vui chơi làm 8 em chết và 3 em bị thương. Đây là tội ác dã man của địch đối với trẻ em vô tội. Trước đó, vào 27.3.1969, một đại đội lính Mỹ thuộc Sư đoàn 198 Amerrican đóng quân ở Gò Hội đi càn quét vùng giải phóng phía tây Đức Phổ, nhưng bị ta phục kích nên chúng đã giết hại 10 người và đốt cháy nhiều nhà cửa của dân ở Thanh Sơn (Phổ Cường).

 Một góc Sa Huỳnh.
Một góc Sa Huỳnh.


Còn tại xã Phổ An, sáng sớm ngày 17 tháng Chạp năm 1966, khi người dân đang họp chợ thì một chiếc máy bay L19 từ hướng sân bay Quảng Ngãi bay vào vô cớ bắn rốc két và thả một chùm lựu đạn từ máy bay xuống làm 10 người dân thiệt mạng. Vào ngày 3.7.1966, Mỹ dùng máy bay ném bom hạng nặng oanh tạc vùng dân cư Phổ Thuận. Một quả bom nổ ngay căn hầm nhà ông Trần Nhường (Tập An Nam) làm 31 người trú trong hầm chết.

Sự tàn khốc của chiến tranh là thế, nên không một ai mong muốn điều đó xảy ra. Giờ đây, được sống và hưởng trọn niềm vui của một đất nước hòa bình, độc lập, nhân dân Đức Phổ sẽ không quên một thời mưa bom, lửa đạn mà cả dân tộc ta phải hứng chịu trước kẻ thù xâm lược.
 

PHÚ ĐỨC
 


.