Niềm đam mê vô giá

09:04, 21/04/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sách là nguồn cung cấp tri thức vô tận cho đời sống của con người. Khi đến với sách, không những các tri thức khoa học được khám phá mà những tính cách của con người cũng được hình thành một cách gián tiếp. Và ở Quảng Ngãi có những con người dành trọn niềm đam mê cho sách. Tài sản của họ là những kệ sách không ngừng “dày” lên theo năm tháng…

Khi tài sản là một kho sách

Trong không gian yên tĩnh của căn nhà đối diện Trường THPT Trần Quốc Tuấn (đường Quang Trung, TP. Quảng Ngãi) phảng phất mùi giấy cũ. Nhiều người không khỏi choáng ngợp trước 9 kệ sách xếp kín các vách tường, lối đi. Chủ nhân của những kệ sách này là anh Nguyễn Duy Long, bác sĩ Khoa vi sinh, BVĐK tỉnh Quảng Ngãi- người mà giới sưu tầm sách ở Quảng Ngãi không thể không biết đến.

 

Các em học sinh trong tỉnh tham dự Ngày sách Việt Nam.                                                                      Ảnh: Tr.Phương
Các em học sinh trong tỉnh tham dự Ngày sách Việt Nam. Ảnh: Tr.Phương


Xuất phát từ niềm đam mê đọc sách thuở nhỏ, khi cha mẹ còn kinh doanh một cửa hiệu sách, bác sĩ Nguyễn Duy Long đã tìm tòi và sưu tầm sách suốt hơn 30 năm qua. Tài sản của anh đến nay là hơn 15.000 đầu sách các loại. Trong đó, nhiều cuốn được anh chắt chiu, dành dụm mua từ thời sinh viên. Và cũng không ít cuốn sách được anh ngược xuôi khắp trong Nam, ngoài Bắc để “có” cho bằng được. Anh hay lý giải cho đam mê của mình bằng câu nói đùa: “Đua đòi là sức mạnh của kẻ chơi sách”.

Đối với anh, một cuốn sách quý trước hết phải có giá trị về mặt nội dung, được viết bởi những tác giả nổi tiếng và phải là bản in lần đầu với lượng xuất bản ít. Đặc biệt, anh rất “ghiền” những quyển sách quý có bút tích của tác giả. Tập thơ văn “Khói hồ bay” có chủ bút đề tặng của bác sĩ Nguyễn Tường Giang (con trai Thạch Lam), là cuốn sách anh đặc biệt nâng niu và quý trọng. Bên cạnh đó, những chủ đề về lịch sử, địa lý, văn hóa; nhất là địa lý, văn hóa Quảng Ngãi cũng chiếm phần lớn trong kho sách của anh.

Không dừng lại ở việc sưu tầm sách, bác sĩ Long còn dành nhiều thời gian nghiền ngẫm, so sánh giữa những bản dịch mới- cũ, giữa những nhà xuất bản khác nhau, để tìm ra cái thật sự quý nhất trong từng bản in. Những kiến thức đa chiều được anh “nhặt nhạnh” và bồi đắp mỗi ngày đã mang lại nguồn tư liệu dồi dào cho hoạt động sáng tác. Hàng trăm bài viết mang bút danh Trần Trọng Cát Tường (bút danh của anh Long), được in trên Tạp chí Cẩm Thành, nội san Sách xưa… là những chia sẻ, khám phá của anh với tư cách là một người đọc với những tác phẩm và tác giả mình yêu quý. Gần đây nhất là, năm 2013, anh đã xuất bản tác phẩm viết về thú chơi sách lấy tên “Về chốn Thư Hiên”.

Trong tác phẩm của mình, bác sĩ Long khiêm nhường bộc bạch: “Tôi là người có duyên mới viết được một cuốn sách. Và cũng nhờ chữ duyên đó mà niềm đam mê sách cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”. Nếu ai đã từng gặp bác sĩ Nguyễn Duy Long, chắc hẳn sẽ đồng ý rằng, sự khiêm nhường trong ngòi bút của anh, cũng là sự khiêm nhường và sâu lắng đặc trưng mà chỉ những con người luôn đắm chìm trong thế giới bao la và kỳ diệu của sách mới có được.

Đam mê sách qua nhiều thế hệ

Cũng như bác sĩ Nguyễn Duy Long, tuổi thơ của đại tá Nguyễn Văn Thư (Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTT- Công an tỉnh) lớn lên cùng những kệ sách quý giá mà cha ông- một thầy giáo dạy ngoại ngữ có được. Vì vậy mà niềm đam mê đọc và sưu tầm sách đã hình thành trong ông từ rất sớm. Đại tá Thư chia sẻ, trước đây khi học ở Quy Nhơn, có lần gặp được quyển sách quý, ông mê mẩn đọc rồi mượn cả chiếc nhẫn trên tay bạn mình bán đi để lấy tiền mua. Còn bây giờ, mỗi chuyến công tác Hà Nội hay TP.HCM là ông được thỏa sức “lùng” sách. Tư trang mang đi thường được ông đổi thành hành lý mang về là những kiện sách đủ loại, làm giàu thêm cho kho tàng sách nhiều thế hệ của gia đình ông.

Đại tá Nguyễn Văn Thư giới thiệu những tủ sách của gia đình.                                                      Ảnh: H.X
Đại tá Nguyễn Văn Thư giới thiệu những tủ sách của gia đình. Ảnh: H.X


Đam mê đọc, đại tá Thư thường tới lui những hàng sách cũ, những siêu thị sách để tìm sách mới hàng tuần. Ông là khách hàng quen thuộc đến độ đọc “ké” hay phải mua nợ đều được. Bất cứ chỗ nào trong phòng làm việc và phòng ngủ của đại tá Thư cũng có sách. Ông có thể nghiền ngẫm sách mọi lúc mọi nơi. Thói quen đọc sách của ông đã “truyền” cho cả 3 cậu con trai, ông chia sẻ: “Hiện nay, trong gia đình mình, ngoài 3 kệ sách của cụ thân sinh để lại còn có 6 kệ sách của vợ, chồng và 3 đứa con trai. Gần 1 ngàn đầu sách với mọi thể loại từ văn học, tiểu thuyết, sách lịch sử đến từ điển, y học, triết học… mà cả gia đình hầu như đã đọc hết”.

Có lẽ, hiếm gia đình nào có niềm đam mê đặc biệt với sách như gia đình ông. Mỗi cuốn sách mua về, cả nhà phải “xếp lịch” cho từng thành viên đọc. Ba người con trai của đại tá Thư cũng có thói quen dành dụm mua sách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Người con trai lớn của anh nay đã là kỹ sư cơ điện tử tại TP.HCM, tủ sách cá nhân tại gia đình đã được anh mang theo làm hành trang trong miền đất mới. Còn 2 con trai nhỏ là sinh đôi của đại tá Thư, đều đang học tại ĐH Y dược TP.HCM. Trong đó có 1 người là thủ khoa đầu vào ngành bác sĩ đa khoa năm 2013.  Thói quen đọc sách hằng ngày có lẽ đã góp phần không nhỏ mang lại cho họ thành quả hôm nay. Và đó cũng là niềm vui, niềm tự hào lớn lao của vị đại tá công an mê đọc sách.

Trong thế giới của những người sưu tầm sách như ông và bác sĩ Nguyễn Duy Long, văn hóa đọc vẫn bền bỉ “cháy” như chưa từng chịu ảnh hưởng của công nghệ số. Tại những cửa hàng sách cũ, họ vẫn hội ngộ nhau khi nghe một cuộc gọi “sách mới về”. Những dáng người đăm chiêu, lặng lẽ thả hồn mình vào từng trang sách là minh chứng hùng hồn cho văn hóa đọc luôn xứng đáng được tôn vinh.


H.XUYÊN- X.THIÊN

 


.