Người Quảng Ngãi ở chợ đêm Sài Gòn

08:01, 06/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rời những làng quê ở Quảng Ngãi, nhiều người đã chọn mưu sinh nơi chợ đêm Sài Gòn. Họ cố gắng vượt qua bao nỗi nhọc nhằn để hòa nhập với cuộc sống hối hả nơi phố thị.

Mưu sinh trong đêm

Đêm Sài Gòn se lạnh. Nhưng việc mua – bán tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra hối hả. Nhiều người chen lấn chuyển hàng bằng xe đẩy trên những lối đi hẹp. Hàng hóa tấp nập vào chợ và tỏa đi khắp nơi qua hàng trăm chiếc xe tải, xe công-ten-nơ đậu kín bãi. Những dãy hàng hoa tươi mang “hơi thở mùa xuân” từ mọi miền đất nước đến với Sài Gòn rực rỡ sắc màu. Hàng rau, củ, quả mang hương vị nồng nàn của đất thấm đẫm bao giọt mồ hôi của người nông dân rơi xuống cánh đồng.

Anh Nguyễn Thành Văn (quê ở huyện Đức Phổ) với hơn 10 năm mưu sinh ở chợ cho biết: Hầu hết những người quê ở Quảng Ngãi đều thuê ki ốt kinh doanh trong chợ. Riêng anh thuê với giá mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, để mua bán mía và dưa hấu. “Những ngày nắng, mua bán khá thuận lợi. Nhưng chỉ mưa vài ngày là hàng hóa ế ẩm, lỗ nặng” – anh nói.

Dãy hàng hoa trong chợ đêm.                                                                                                            Ảnh: T.THY
Dãy hàng hoa trong chợ đêm. Ảnh: T.THY


Ông Phạm Thanh Tùng (quê ở huyện Tư Nghĩa) nhâm nhi ly cà phê đen cùng với người cháu để xua đi cơn buồn ngủ vội rời ghế đón tiếp chúng tôi. Ông đã có 25 năm mưu sinh trên đất Sài Gòn với nhiều công việc vất vả, nhưng cuộc sống khá chật vật. Nhờ sự giới thiệu của người cùng quê, ông thuê gian hàng rộng 12m2 để buôn bán trái cây với mức giá 10 triệu đồng/tháng, khá thấp so với những gian bên ngoài với mức gần 60 triệu đồng/tháng. Nếu mua hẳn thì mỗi gian có giá 1,5 – 7 tỷ đồng. Đó là ước mơ khó thành hiện thực đối với nhiều tiểu thương nơi đây.

Hằng ngày, khi đường phố sắp lên đèn, ông Tùng đến chợ nhận hàng và bán lại cho tiểu thương chuyển đến tiêu thụ tại các quận huyện trên địa bàn thành phố và khắp các tỉnh phía Nam. Ông chỉ nhận hàng rồi bán với mức hưởng hoa hồng 10% tổng số tiền. Vì vậy mà nhiều năm ở chợ ông vẫn không biết mặt chủ vườn, chỉ giao dịch qua những tài xế xe tải. “Hàng đến chợ là tôi phải lo bảo quản và tìm mối bán liền. Gặp khi hàng xấu, khách mua chậm thì coi như bán giùm cho chủ vườn chứ không nỡ lấy tiền công. Nghề này lắm nhọc nhằn vì phải thức suốt đêm nên rất mệt. Nhưng không vì thế mà o ép chủ vườn vì họ cũng khá vất vả để có được rau, trái mang đến chợ. Phải chia sẻ lợi nhuận thỏa đáng với chủ vườn thì làm ăn mới lâu bền” – ông Tùng tâm sự.

Bà Huỳnh Thị An, chủ vựa trái cây bên cạnh, góp chuyện: “Hầu hết người Quảng Ngãi quê chú buôn bán trong chợ rất thật thà nên được nhiều người thương mến. Vì thế mà họ được bạn hàng chọn làm ăn lâu dài…”.

Ấm tình đồng hương

Nghe giọng nói Quảng Ngãi, ông Tùng vội bóc những trái quýt tươi ngon, ngọt lịm mời chúng tôi. Nhận được tin có người đồng hương, hai người cháu của ông là anh Hai Thuật và Tư Vững vội đến để nghe “tiếng quê”. Anh Hai Thuật bộc bạch: “Ở xa quê mà gặp đồng hương là mừng lắm. Giờ thì tụi mình phải “vui vẻ” cho vơi nỗi buồn xa xứ”.

Anh Tư Vững, nguyên là chiến sĩ Đại đoàn Đồng Bằng, đóng quân ở Gia Lai. Sau khi xuất ngũ, anh vào Sài Gòn tìm kế mưu sinh. Cứ đến đêm, anh lại đến chợ phụ giúp cô ruột mua– bán trái cây với những cơn buồn ngủ díp mắt. Những lúc rỗi việc, anh lại chuyển hàng thuê cho tiểu thương trong chợ để kiếm thêm thu nhập. “Mình đã từng là người lính nên phải gắng sức kiếm tiền để lo cho cuộc sống gia đình”– anh tâm sự.

Lang thang chợ đêm Sài Gòn giữa tiết trời se lạnh. Tôi cùng với anh Văn, Hai Thuật và Tư Vững ghé vào xe hủ tiếu tỏa hương thơm phức thoảng bay theo gió. Chủ xe hủ tiếu là người đàn ông gần 50 tuổi, “chào đón” chúng tôi bằng bốn tô hủ tiếu đầy ắp, nóng hổi. “Chú mới từ ngoài quê vào hả? Nghe tiếng là tôi biết đồng hương Quảng Ngãi liền. Ăn đi rồi mình trò chuyện. Nếu trả tiền là tôi giận đấy!” – anh nói. Anh tên là Võ Ngọc Trai, rời quê tìm kế mưu sinh hơn 20 năm trước. Gia đình anh đã mua được căn nhà ở Đồng Nai, nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh nên anh phải thuê phòng trọ để bán hủ tiếu cạnh chợ.

Khoảng 10 giờ sáng, anh đến chợ mua thực phẩm về chế biến, ăn uống qua loa rồi vội đẩy xe đến chợ bán cho đến tận sáng mới trở về phòng trọ. “Thỉnh thoảng, chúng tôi tổ chức gặp mặt, liên hoan để động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, những người ở lại góp tiền tổ chức ăn uống vui vẻ, đón năm mới cho vơi nỗi nhớ quê” – anh Trai cho biết.

Chợ dần vắng người khi những chiếc xe nối đuôi nhau tỏa đi các ngã đường. Ngày mới sắp bắt đầu giữa Sài Gòn hoa lệ. Cuộc sống sôi động cứ tiếp nối ngày và đêm, hết đông rồi đến mùa xuân, như vòng quay bất tận.

Trang Thy
 


.