Nan giải tình trạng "xen canh xen cư"- Kỳ 2

09:08, 20/08/2014
.

Rừng phòng hộ kêu cứu

(Baoquangngai.vn)- Việc tranh chấp ranh giới chưa “ngã ngũ” không những gây thiệt thòi cho người dân trong các suất đầu tư, khiếu kiện do tình trạng xâm canh, xâm cư kéo dài… mà dấy lên vấn nạn khai thác trái phép tài nguyên rừng, phá rừng phòng hộ đầu nguồn. Bởi vùng giáp ranh là nơi có diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ đầu nguồn rất lớn.

TIN LIÊN QUAN


Do bản đồ 364

Sự việc 82 hộ dân ở thôn Đông, xã Trà Trung (Tây Trà) bị “bỏ rơi” khiến người dân chịu thiệt thòi nhưng cũng không bằng hệ hụy của việc tranh chấp ranh giới giữa các hộ dân ở xã Trà Thanh, Trà Khê với các xã của huyện Bắc Trà My.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự ra đời của bản đồ 364 năm 1993 về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính và lập bộ bản đồ hiện trạng về địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Căn cứ theo bản đồ này, một số vùng đất xưa kia của địa phương này chuyển sang địa phương kia và ngược lại.

 

Cột mốc ranh giới giữa xã Trà Thanh (Tây Trà) với tỉnh Quảng Nam.
Cột mốc ranh giới giữa xã Trà Thanh (Tây Trà) với tỉnh Quảng Nam.

 

Xã Trà Thanh cho hay, xã đã nhiều lần họp bàn với bên xã Trà Giáp (Bắc Trà My), nhưng vẫn không thống nhất được hướng giải quyết “hợp lòng dân”. Hướng của địa phương là mong muốn một số hộ dân tranh chấp sẽ chuyển về xã Trà Thanh để dễ quản lý, nhưng họ bảo họ ở đâu quen đó, mồ mả cha ông họ ở đó.

Ông Hoàng Như Lâm- Phó Chủ tịch huyện Tây Trà thừa nhận tình trạng này đã xảy ra từ lâu vì căn cứ theo bản đồ 364 lẫn lộn. Vấn đề này đã đưa ra nhiều lần trong các hội nghị của xã, huyện, giáp ranh giữa hai huyện Tây Trà và Bắc Trà My, nhưng bất thành bởi bên nào cũng cho rằng mình ở lâu đời còn bản đồ 364 mới có vào năm 1993.

Ông Hồ Thanh Tùng- Chủ tịch UBND xã Trà Thanh cho hay, rất may là chưa xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự. Lâu nay giữa các vùng này vẫn có sự giao thoa, dân vùng này kết hôn với dân vùng kia, sinh con đẻ cháu, sống hạnh phúc.

Rừng phòng hộ kêu cứu

Chính do chưa thống nhất được phương án giải quyết địa giới hành chính nên việc quản lý đất đai, nhất là quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên ở khu vực này hết sức khó khăn. Chính quyền 2 địa phương tranh chấp này thường ỷ lại cho nhau.

Mặc dù ngành kiểm lâm đã thực hiện quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ rừng và lâm sản vùng giáp ranh giữa các tỉnh. Việc truy đuổi vi phạm sẽ không cần giới hạn ranh giới hành chính và còn được phép yêu cầu bên kia phối hợp hỗ trợ để bắt giữ kịp thời, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.

Cũng theo ông Hùng, rừng tự nhiên là rừng rậm, nhiều cây, dây leo nên khi chặt phá cây cối, đốt dọn làm nương rẫy rất tốt nên bà con rất “thích”.

 

Những ruộng keo xanh mướt lọt thỏm giữa rừng phòng hộ.
Những ruộng keo xanh mướt lọt thỏm giữa rừng phòng hộ.



Nhiều lần địa phương đã vận động, buộc ký cam kết không lấn chiếm, phá rừng, nhưng khu vực giáp ranh thường cách xa trung tâm, đi lại khó khăn nên chính quyền cơ sở không thể kiểm tra liên tục, đặc biệt là việc phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ làm nương rẫy diễn ra khá phổ biến.

Hiện tại xã Trà Thanh có 3 vùng tranh chấp với dân ở huyện Bắc Trà My. Diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ đầu nguồn tại vùng tranh chấp có tới cả 100 héc ta. Theo lãnh đạo xã, dân đã phá rừng làm nương rẫy, trồng keo đã vài chục hécta. Bởi thế, khi đi dọc tuyến Quốc lộ 24C, không khó để thấy những ruộng lúa, ruộng keo manh mướt lọt giữa những cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Men theo con đường rừng, nhiều diện tích rừng tự nhiên bị chặt đốn nham nhở, chuẩn bị cho việc trồng tỉa khi có mưa. Nhìn một phần ngọn núi có độ dốc lớn bị cạo trọc, chúng tôi không khỏi xót xa và hình dung ra phần nào tác hại và cái giá phải trả của chính con người khi ra tay triệt hạ rừng.

“Chúng tôi đã kiến nghị lên Sở Nội vụ, HĐND tỉnh, đề nghị Bộ Nội vụ chỉnh sửa bản đồ 364. Trước hết cần nhanh chóng phân định rõ địa giới hành chính giữa các  địa phương”- ông Lâm nói.

Bản đồ 364 được chỉnh sửa sẽ khắc phục được khoảng trống về địa giới, đảm bảo sự công bằng cho người dân, giải quyết dứt điểm nạn “xâm canh xâm cư”, đặc biệt là ngăn chặn được nạn phá rừng tự nhiên, rừng phòng hộ lấy đất sản xuất.



Bài, ảnh: Ái Kiều

 


.