Trao quyền thanh tra, xử lý cho cơ quan Bảo hiểm xã hội

08:04, 19/04/2014
.

Tiếp tục phiên họp thứ 27, chiều 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về  Dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì phiên họp. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm ở dự thảo luật này là chế độ, chính sách cho người nghỉ hưu.
 

 Lâu nay cơ quan BHXH đang đóng vai "người đi đòi nợ"
Lâu nay cơ quan BHXH đang đóng vai "người đi đòi nợ"


Cho ý kiến về quy định điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, một số đại biểu cho rằng, việc thay đổi cách tính lương hưu như dự thảo Luật quy định sẽ làm giảm quyền lợi của người nghỉ hưu và tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nghỉ hưu trước và sau khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành (mức hưởng chênh lệch 10% đối với nam và 15% đối với nữ).

Bên cạnh đó, một số đại biểu kiến nghị, việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đến năm 2031, tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi và đến năm 2022 tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi, cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, không làm tăng sức ép về việc làm cũng như hạn chế cơ hội tìm việc làm của lao động trẻ.

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, cần tính tới việc sớm tăng mức đóng bảo hiểm xã hội để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng để lách luật. Ông Mai Đức Chính phân tích: “Chúng tôi cho rằng, tại sao không tăng mức đóng mà trên thế giới, tất cả các nước đều lấy tổng thu nhập để đóng bảo hiểm xã hội chứ không như ở Việt Nam. Chính vì vậy, khi làm Luật Lao động năm 2012, điều 90 đã quy định, tiền lương của người lao động là tiền lương, tiền công theo chức danh, cộng với phụ cấp và các khoản trợ cấp khác để doanh nghiệp lách luật. Điều 90 của Luật Lao động là hợp lý. Ngay bây giờ chúng ta có thể thu ngay mức đóng bảo hiểm xã hội theo điều 90, mà chúng ta lại đưa ra lộ trình đến năm 2018 theo tôi là không hợp lý”.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi lần này phải làm sao giải quyết được tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội và không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy Luật cần cân nhắc, xem xét trao thêm quyền được thanh tra và xử phạt cho Bảo hiểm xã hội. Ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: Chúng ta tranh luận Bảo hiểm xã hội là đơn vị sự nghiệp hay đơn vị hành chính hay đơn thuần chỉ là định chế tài chính, nhưng vấn đề là phải cho họ một công cụ, để họ có quyền thanh tra, hoặc kiểm tra và có quyền xử lý. Lâu nay bảo hiểm xã hội gần như là người đi đòi nợ, không có chế tài gì cả. Tôi đề nghị chúng ta cân nhắc thêm”./.



Theo Hải Yến-Lan Hương/VOV


.