"Hài cốt" ở núi Giàng không phải là hài cốt liệt sĩ

08:03, 01/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 3.2.2011, ông Phạm Đình Nghiệp thường trú tại phường Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi đã có tờ trình gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh phản ánh: Đêm 12 rạng 13.9.1966, Đại đội 506A được tăng cường 1 trung đội của Đại đội 506B và 20 đồng chí bộ binh của D48 tấn công tiêu diệt gọn cứ điểm núi Giàng thuộc xã Phổ Minh (huyện Đức Phổ), bắt sống 36 tù binh, thu toàn bộ vũ khí.

Trong khi thu chiến lợi phẩm bị địch ở đồn núi Dâu phát hiện gọi pháo bắn hủy diệt gây cho ta tổn thất nặng. Ông Dương Bằng và một số người dân ở thôn Trường Sanh là người trực tiếp chôn cất 10 liệt sĩ trên đỉnh đồi núi Giàng.

Trước thông tin trên, ngày 3.3.2011, UBND tỉnh có Công văn số 503/UBND-VX chỉ đạo tổ chức khảo sát tìm kiếm và khai quật mộ liệt sĩ theo tờ trình của ông Phạm Đình Nghiệp,  giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và UBND các địa phương liên quan gặp mặt các nhân chứng, kiểm tra thông tin qua các tài liệu, hồ sơ, tổ chức khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH và các ngành, địa phương triển khai các bước từ ban hành văn bản đến tổ chức khai quật hài cốt. Từ ngày 10 đến 14.10.2013, việc khai quật hoàn thành. "Hài cốt" khai quật được là đất đen, không có di vật. Đất đen được đưa vào quách và an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phổ Minh, trên mộ ghi dòng chữ: "Mộ tập thể chưa biết tên".

Sau khi an táng, đại tá Võ Công Cự - nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, người trực tiếp tham gia trận đánh núi Giàng đã có đơn phản ánh gửi đến cơ quan chức năng của tỉnh khẳng định, việc ông Phạm Đình Nghiệp, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Phổ tổ chức bốc mộ ở núi Giàng đưa vào mai táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phổ Minh là không chính xác, địch ta không rõ ràng và đổi trắng thay đen, từ trận đánh thắng lợi trở thành thất bại.

Phản ánh của ông Võ Công Cự đã được lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Qua kiểm tra lại hiện trường, lấy lời khai một số nhân chứng trực tiếp hoặc phục vụ trận đánh, những người trực tiếp đào bới tìm hài cốt cũng như ý kiến của cơ quan có liên quan của huyện Đức Phổ, Viện Pháp y Quân đội… các cơ quan có thẩm quyền cho rằng: Thông tin ông Phạm Đình Nghiệp phản ánh còn 10 hài cốt liệt sĩ tại núi Giàng là chưa có cơ sở. Việc tổ chức thu thập, xác minh thông tin, khảo sát, quy tập hài cốt liệt sĩ tại núi Giàng là thiếu chặt chẽ, chưa đảm bảo quy trình, quy định, chưa có cơ sở, bằng chứng khẳng định là có "hài cốt" qua quy tập.

Cuộc quy tập mộ tại núi Giàng đã đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phổ Minh là không có hài cốt. Từ kết luận trên, ngày 17.1.2014, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 228/UBND-VX yêu cầu UBND huyện Đức Phổ chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở LĐ-TB&XH khẩn trương thực hiện việc di chuyển "phần mộ" đã quy tập tại núi Giàng ra khỏi Nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Minh.

Ngày 19.1.2014, UBND huyện Đức Phổ đã triển khai di chuyển "phần mộ" khỏi Nghĩa trang Liệt sĩ xã Phổ Minh theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.


Việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt những người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào nghĩa trang liệt sĩ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, việc tổ chức tìm kiếm, quy tập phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, có cơ sở, bằng chứng để khẳng định là liệt sĩ... Chuyện “hài cốt liệt sĩ” ở núi Giàng là một bài học đáng để các ngành, địa phương rút kinh nghiệm.                
 

Vũ Tùng Vi
 


.