Niềm vui của mẹ

09:01, 18/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sắc mai vàng nở rộ chào đón một mùa xuân độc lập nữa đang đến, bên nén nhang thơm trên bàn thờ những người chiến sĩ hy sinh đời mình cho Tổ quốc, người mẹ già lặng lẽ lau giọt nước mắt trên khuôn mặt hằn nếp gấp thời gian của mình thủ thỉ: “Mẹ của con đã được tri ân rồi…".

Cuối năm, trong cái se lạnh của mùa đông xứ Quảng, chúng tôi đến thăm mẹ Huỳnh Thị Giàu ở xã Phổ An (Đức Phổ). Căn nhà nhỏ của mẹ nằm nép bên cạnh căn nhà của cô con gái, trước sân bụi bông trang đang nở đỏ rực, mẹ lụi hụi cắt vài cành bông cắm vào chiếc bình sứ cũ kỹ đặt trên bàn thờ, những tấm bằng Tổ quốc ghi công của 2 người con trai và chồng mẹ treo kín trên tường. Trong đó có một khung còn mới là giấy công nhận của Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” cho mẹ Giàu vào tháng 8 vừa qua. Mẹ bảo: “Chồng con mẹ ra đi cũng gần 50 năm rồi, góp phần cùng quân dân cả nước làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975 cũng làm mẹ tự hào rồi. Giờ còn được công nhận là Mẹ VNAH khiến mẹ càng thêm tự hào hơn!”.

 

Mẹ Huỳnh Thị Giàu và tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con trai cả.
Mẹ Huỳnh Thị Giàu và tấm bằng Tổ quốc ghi công của người con trai cả.


Sáu lần sinh nhưng giờ bên cạnh mẹ chỉ còn lại 1 người con gái duy nhất là cô Nguyễn Thị Sang cũng đã gần kề tuổi “thất thập”. Khi còn trẻ cô Sang cũng tham gia chiến đấu xa nhà, hòa bình lập lại cô lấy chồng sinh con, công việc gia đình vất vả nên cô cũng không có nhiều thời gian gần gũi với mẹ. Lúc còn khỏe mạnh, mẹ Giàu sống một mình, làm lúa để có cái ăn quanh năm. Nuôi được con gà nào lớn là mẹ lại lặn lội tay xách nách mang cho đám cháu ngoại. Cô Sang bảo: “Mẹ tôi siêng năng lắm. Đến giờ chân tay đã yếu, trí óc cũng chẳng minh mẫn nữa, nhưng mẹ vẫn hay đi chặt cây về làm củi, tự mình đi chợ bán chứ chẳng phiền đến con cháu bao giờ”.

Năm 2008, thấy tuổi mẹ đã cao, cô Sang đón mẹ về sống với mình nhưng mẹ nhất quyết không chịu”, cô Sang thở dài. Chính quyền thấy mẹ thuộc diện người già, hộ gia đình chính sách neo đơn nên làm tặng mẹ căn nhà nhỏ bên cạnh căn nhà của vợ chồng con gái, lúc đó mẹ mới chịu dọn về ở. Trong căn nhà nhỏ của mẹ, giờ rộn tiếng cười nói của những “đứa con” mới nhận chăm sóc, phụng dưỡng mẹ. Đưa bàn tay nhăn nheo  lên tấm bằng Tổ quốc ghi công mẹ Giàu rơm rớm nước mắt: “Năm mới tôi có tới mấy chục người con mới đây này, cha con ông có thấy không?”
 

Ông Đinh Văn Hải – Trưởng Phòng người có công thuộc Sở LĐ – TB&XH cho biết: Theo pháp lệnh sửa đổi bổ sung, trong năm 2014 tỉnh Quảng Ngãi sẽ tiếp tục được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này cho trên 3.000 mẹ. Tuy nhiên, số mẹ còn sống để nhận được sự tri ân này chỉ còn vài trăm...

Với mẹ Trần Thị A- một trong hai mẹ được công nhận là Mẹ VNAH vừa qua còn sống. Căn nhà của mẹ A nằm sâu trong thôn Châu Me, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành). Con đường dẫn vào nhà quanh co, khúc khuỷu như cuộc đời thăng trầm của mẹ. Mẹ A năm nay đã 87 tuổi, mắt mờ, tai điếc, tâm trí đã lãng đãng ít nhiều. Người con trai đang sống cùng với mẹ bảo: “Mẹ tôi độ này đãng trí rồi. Những lúc tỉnh táo thì bà lại nhớ đến chồng và hai anh chị đã mất. Năm qua, mẹ được công nhận là Mẹ VNAH khiến gia đình tôi rất vui mừng. Đó là sự tri ân của Đảng và Nhà nước cho công lao của mẹ tôi cũng như những người mẹ khác”.

 Mẹ A lấy chồng sớm. Vợ chồng có với nhau đến 9 mặt con, nhưng 4 người con đầu của mẹ lần lượt mất sớm do thời buổi chiến tranh, đói kém.  Vợ chồng mẹ vất vả làm lụng nuôi những người con còn lại khôn lớn, đồng thời tham gia hoạt động kháng chiến chống Mỹ ngay tại địa phương. Rồi chồng và 2 con mẹ lần lượt hy sinh. Mẹ gắng gượng sống và nuôi ba người con còn lại, “Mẹ tôi chẳng màng gì đến tiền bạc, danh hiệu gì cả. Suốt những năm tháng sau này mẹ làm việc quần quật nuôi chị em tôi khôn lớn. Đến giờ nếu mẹ nhúc nhắc đi lại được, thể nào bà cũng lọ mọ ra vườn làm. Mẹ bảo, ngồi không lại nhớ chồng con nên lúc nào bà cũng luôn tay luôn chân”, con gái lớn của mẹ A kể.

Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng may mắn như mẹ A, mẹ Giàu, nhiều mẹ đã mất, có mẹ đã ra đi gần 30 năm giờ mới được truy tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Như trường hợp mẹ Phạm Thị Trị ở xã Bình Châu (Bình Sơn) có chồng và 2 con hy sinh; mẹ Huỳnh Thị Quế ở xã Bình Phú (Bình Sơn), có chồng và ba người con hy sinh… Với đôi mắt đỏ hoe, ông Bùi Thanh Hải – con trai mẹ Quế xúc động: “Mặc dù trong những năm còn sống bà luôn tươi cười, vui vẻ nhưng tôi biết mẹ lặng lẽ trong nỗi buồn  vì nỗi đau mất chồng mất con. Giờ mẹ đã về nơi chín suối, đoàn tụ với chồng con chắc mẹ hạnh phúc rồi. Tuy muộn màng nhưng nếu mẹ biết mình được nhận danh hiệu này chắc mẹ sẽ vui”.
    

Bài, ảnh: Xuân Hiếu
 


.