Nhiều xã ở Tây Trà còn bị cô lập

10:12, 16/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau các đợt bão lũ vừa qua, Tây Trà có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, gây cô lập với trung tâm huyện lỵ. Thời điểm này là mùa xuống giống vụ đông xuân và trồng rừng. Vì vậy, các ngành chức năng ở Tây Trà đang tập trung nhân lực, phương tiện khẩn trương thông đường nhằm tạo sự thông thương cho các xã trong huyện.

TIN LIÊN QUAN

Lũ lớn đã qua 20 ngày, nhưng đường về trung tâm huyện Tây Trà vẫn còn nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng chưa khắc phục được. Tại Km 63 tuyến Tỉnh lộ 622B (Trà Bồng - Trà Phong) hàng ngàn mét khối đất, đá từ taluy dương đổ xuống đường gây ách tắc toàn tuyến. Các đơn vị thi công chỉ mới san ủi lòng đường thông tuyến tạm thời. Nhiều điểm sạt lở ở các tuyến đường về xã Trà Thọ, Trà Xinh, Trà Trung, Trà Nham gây cô lập, đi bộ cũng rất khó khăn.

 

 Điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km63 tuyến Tỉnh lộ 622 B chỉ mới thông đường tạm thời.
Điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km63 tuyến Tỉnh lộ 622 B chỉ mới thông đường tạm thời.


Chị Hồ Thị Giang (xã Trà Xinh), cho biết: "Mấy ngày qua, không đi làm được nên gạo hết rồi! Nghe Nhà nước hỗ trợ gạo, nhưng đường sá thế này thì không biết bao giờ mới nhận được gạo. Mong sớm thông đường để bà con đi làm công kiếm tiền mua gạo, nhận cây giống về trồng".

Trên tuyến đường về xã Trà Thọ, nhiều người gặp khó khăn khi phải gùi, gánh keo giống được hỗ trợ về nhà. Đường về xã có nhiều điểm sạt lở, lầy lội nên bà con chỉ còn cách đi bộ. Ông Phạm Vương - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Thọ, nói: "Đường về xã có nhiều điểm sạt lở nặng, nên xã bị cô lập hơn 15 ngày rồi! Đây là mùa giáp hạt, mùa xuống giống vụ đông xuân, trồng keo, mà đường sá đi lại khó khăn nên nhiều gia đình đã thiếu gạo ăn, thiếu lúa giống, cây trồng. Nghe Nhà nước hỗ trợ lúa giống, keo con, nhưng xã vẫn chưa nhận được".

Ông Phan Văn Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Trà, cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua có 3 tuyến Tỉnh lộ là 24C (Trà Bồng - Trà Thanh), 622 (Di Lăng - Trà Trung), 622B (Trà Bồng - Trà Phong) sạt lở gần 20 điểm. Trong đó có gần 10 điểm sạt lở hoàn toàn, gây ách tắc cho người và phương tiện về trung tâm huyện. Có 18 tuyến đường huyện, đường xã bị sạt lở, hư hỏng, gây ách tắc về các xã,  thôn. Tổng thiệt hại về đường giao thông gần 12 tỷ đồng.

UBND huyện Tây Trà đã chỉ đạo cho Ban Quản lý dự án huyện khẩn trương tập trung nhân lực, phương tiện thi công các tuyến đường. Ông Mai Quý Dương - Giám đốc Ban quản lý, lo ngại: "Chúng tôi đã huy động 4  đơn vị thi công trên địa bàn khẩn trương khắc phục tạm thời các điểm sạt lở. Đến thời điểm này, đường về huyện đã cơ bản thông tuyến. Có 5/9 xã ô tô đã về được trung tâm xã.

Tuy nhiên, các điểm sạt lở với khối lượng đất đá quá lớn làm hư hỏng hoàn toàn tuyến đường. Vì nguồn kinh phí có hạn nên huyện chỉ khắc phục tạm thời cho người, xe máy và ô tô qua lại. Đặc biệt là các tuyến đường Trà Thọ - Trà Lãnh, Eo Chim - Trà Nham, Trà Khê, có nhiều điểm sạt lở taluy dương, âm, phá hỏng hoàn toàn lòng đường. Đường về trung tâm xã Trà Xinh, ngoài sạt lở, còn nguyên nhân khác là lòng hồ chứa nước Nước Trong đã bít lối. Huyện đang đầu tư thi công khẩn cấp hơn 1,2 km đường cho dân đi tạm vào cuối tháng 12 năm nay".  

Hiện nay huyện Tây Trà còn 4 xã đang bị cô lập hoàn toàn. Các điểm sạt lở thuộc các tuyến đường về huyện, về xã chỉ mới thông tuyến tạm thời. Để các tuyến đường này đảm bảo chất lượng, xe vận tải chở cây giống, lúa giống và hàng về cứu trợ cho dân trong mùa giáp hạt, mùa gieo trồng đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn. Bà con ở vùng cô lập huyện Tây Trà đang mong tỉnh sớm hỗ trợ việc thông đường.     
      

Bài, ảnh: MAI HẠ  
 


.