Đi tàu liên vận Hà Nội-Nam Ninh

08:09, 03/09/2013
.

Với gần 10 tiếng đồng hồ di chuyển hết quãng đường 396 km, chuyến tàu Hà Nội-Nam Ninh mang lại cho hành khách những trải nghiệm thú vị về tuyến tàu liên vận duy nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay.
 

Đoàn tàu liên vận Hà Nội-Nam Ninh (Trung Quốc) mang ký hiệu MR1-T8702 đỗ tại ga Nam Ninh (Trung Quốc). Ảnh: VGP/Linh Đan Đúng 21 giờ 40 phút giờ Hà Nội, đoàn tàu liên vận Hà Nội-Nam Ninh mang ký hiệu MR1-T8702 rời ga Gia Lâm mang theo 5 toa xe và khoảng 200 hành khách.
Đoàn tàu liên vận Hà Nội-Nam Ninh (Trung Quốc) mang ký hiệu MR1-T8702 đỗ tại ga Nam Ninh (Trung Quốc). Ảnh: VGP/Linh Đan Đúng 21 giờ 40 phút giờ Hà Nội, đoàn tàu liên vận Hà Nội-Nam Ninh mang ký hiệu MR1-T8702 rời ga Gia Lâm mang theo 5 toa xe và khoảng 200 hành khách.


Không rõ đây là chuyến tàu thứ bao nhiêu nhưng nếu tính về thời gian cũng đủ gần 5 năm kể từ ngày 1/1/2009, thời điểm tuyến tàu liên vận Hà Nội-Nam Ninh hoạt động trở lại.

Giấc ngủ chia đôi, chia ba

Cảm giác đầu tiên của hành khách là một không gian khá dễ chịu, sạch sẽ với hầu hết các gam mầu sáng trong khoang tàu, nệm trắng muốt và êm, rèm cửa và tấm thảm lót dọc lối đi trên các toa cũng như trong từng khoang tàu, điều hoà mát lạnh.

Hành khách được nhân viên nhà tàu thu lại vé và phát cho một tấm thẻ ghi số giường nằm. Người bạn cùng toa lý giải nếu bạn đi cùng đoàn thì nhà tàu sẽ bố trí cho cùng toa, còn không để an toàn cho khách nhà tàu sẽ bố trí nam, nữ nằm riêng toa.

23 kém 15 phút tàu tạm dừng khoảng 3 phút để đón khách tại Bắc Giang.

Tại hầu hết các toa, tất cả đều yên tĩnh, chìm vào giấc ngủ.

2 giờ sáng, tàu đỗ tại Ga Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, điểm cuối cùng trước khi rời Việt Nam.

Tại đây hành khách được yêu cầu xuống ga đem theo hành lý để làm thủ tục xuất cảnh cũng như kiểm tra an ninh. 5 cán bộ biên phòng đã nghiêm trang trong các vị trí đợi làm nhiệm vụ một cách nhanh gọn nhất cho đoàn tàu.

Không có cảm giác chen lấn, nhiều người vẫn còn ngái ngủ nhưng rất nhanh nhẹn, lặng lẽ chuyển những va ly đồ sộ vào máy kiểm tra an ninh, làm thủ tục.

Sau khi kiểm tra an ninh và nộp hộ chiếu, bạn cứ bình tĩnh ngồi đợi. Bộ đội biên phòng sẽ trả tới tận tay từng người sau khi kiểm tra, đối chiếu và đóng dấu xuất cảnh. Tuy nhiên, thủ tục này cũng cần khoảng 60 phút để hoàn tất.

Bỏ lại thị trấn Đồng Đăng yên tĩnh, con tàu hú còi lao vút xé toạc màn đêm. Một vài hành khách thở dài bởi mọi thứ đều tốt trừ giấc ngủ bị cắt làm đôi, làm ba.

Cô bạn hành khách nằm cùng toa với tôi tên Đình Đình, người Trung Quốc, năm nay 25 tuổi, từng theo học tại khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Chuyến tàu ngày hôm nay làm thủ tục lâu, do nghỉ “Tết Độc lập” của Việt Nam nên nhiều người về, bình thường những ngày thứ Bảy và Chủ nhật cũng không đông như thế.

Làm việc cho một công ty chuyên sửa chữa điện thoại của Trung Quốc đặt tại thành phố Bắc Ninh (Việt Nam), một năm Đình Đình thường đi tàu về Nam Ninh 5-7 lần.

Đình Đình cho biết, nếu đi đường bộ chỉ mất khoảng 9 tiếng đồng hồ, nhưng lại mất gần một ngày làm việc, trong khi đi tàu chỉ cần tối ra ga, sau giấc ngủ dài là buổi sáng về đến quê.

Dăm ba câu chuyện, thoáng chốc đoàn tàu đã đưa chúng tôi sang đất Trung Quốc và dừng bánh tại ga Bằng Tường, lúc này là 4 giờ sáng (giờ Việt Nam) tức 5 giờ sáng (giờ Trung Quốc).

Khác với phía Việt Nam, hành khách được cán bộ làm thủ tục nhập cảnh lên từng toa tàu thu hộ chiếu của từng người để làm thủ tục. Hành khách chỉ việc mang đồ xuống kiểm tra an ninh sau đó trở lại tàu và ngồi đợi trả hộ chiếu.

Thời gian làm thủ tục lần này cũng mất hơn 1 giờ đồng hồ. Không rõ có phải tình yêu với quê hương nhiều không mà cô bạn người Trung Quốc tranh luận với tôi rằng quy trình làm thủ tục theo cách thức tại Bằng Tường dễ chịu hơn, bởi mặc dù thời gian lâu hơn nhưng hành khách không phải ngồi đợi lâu dưới ga, mà chỉ cần kiểm tra an ninh hàng hoá và trở về tàu đợi cán bộ quay lại các toa trả hộ chiếu.

Tiếp tục cuộc hành trình, chuyến tàu liên vận lại lao vào màn đêm, không ồn ào, không rập rình nhiều, thi thoảng tàu lại dừng ở đâu đó trên hành trình một vài phút.

Theo lộ trình, 9 giờ 12 phút (giờ Việt Nam) tức 10 giờ 12 phút (giờ Trung Quốc) đoàn tàu sẽ đến ga Nam Ninh. Đình Đình an ủi: "Chị không phải lo lắng gì, cứ yên tâm ngủ, khi nào có người gọi thì dậy. Vì dù có chạy nhanh, về sớm cũng không được vào ga, nên thi thoảng tàu phải dừng lại”.

Chưa hấp dẫn hành khách

Hiện có hai chuyến tàu liên vận quốc tế có tên là M1, 2 của Việt Nam do Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội quản lý, xuất phát từ ga Hà Nội với tần suất hai chuyến/tuần vào thứ Ba và thứ Sáu, dừng tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) và hành khách được chuyển sang tàu Trung Quốc.

Tàu MR1, 2 do phía Trung Quốc quản lý xuất phát từ ga Gia Lâm (Hà Nội) vào các ngày trong tuần.

Mở ra rầm rộ từ đầu mùa xuân năm 2009, chuyến tàu liên vận được kỳ vọng sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến từ Trung Quốc và Việt Nam cũng như giúp cho thông thương hoạt động kinh tế, thương mại .

Mặc dù đã có những bước tăng trưởng đáng kể về số lượng hành khách nhưng theo đánh giá, con số này vẫn không phải là nhiều khi mà phần lớn hành khách đều lựa chọn đường bộ do giá rẻ, đặc biệt là hành khách Việt Nam.

Theo con số mới nhất được Trưởng ga Gia Lâm chia sẻ, riêng đoàn tàu MR1 và MR2, nếu như năm 2009, năm đầu tiên, số lượng hành khách đi là 9.432 hành khách, thì năm 2010 con số này là 23.868, năm 2011 là 30.060, năm 2012 là 38.110, và 7 tháng năm 2012 là 26.031.

Mặc dù tàu chạy tốt, nhưng vẫn không thu hút được hành khách vì theo nhiều người, thủ tục còn phức tạp cũng như giá vé tương đối cao.

Hiện giá vé từ Gia Lâm đi Nam Ninh đối với giường nằm cứng là 20,29 SFr Thuỵ Sỹ tương đương 464.000 đồng , giường nằm mềm là 31,52 SFr  tương đương 720.000 đồng, trong khi đi ô tô thời gian ngắn hơn và chi phí mất khoảng 450.000 đồng/người và đi ban ngày.

Đối với tàu, cho dù thuận lợi đi ban đêm nhưng thủ tục lên xuống liên tục tại ga Biên giới khiến hành khách gián đoạn giấc ngủ cũng như bất tiện trong việc đi lại.

Được biết, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có những đề xuất nhằm tạo thuận lợi nhất cho hành khách, ví dụ như kiến nghị lập trạm hải quan anh ninh để kiểm tra và làm thủ tục xuất cảnh cho hành khách ngay từ ga Gia Lâm. Hệ thống thiết bị, văn phòng đã được chuẩn bị xong nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào khai thác.

Trong khi đề xuất làm thủ tục xuất cảnh tại ga Gia Lâm chưa được chấp thuận, để tạo sự thuận lợi cho hành khách, nhiều ý kiến cho rằng nên chăng lực lượng Hải quan, Biên phòng có thể làm thủ tục cho hành khách ngay trên tàu, tạo điều kiện cho hành khách không mất nhiều thời gian xuống kiểm tra.



Theo Linh Đan/Chinhphu.vn


.