Teo tóp đảo Bé

08:07, 06/07/2013
.

QNg)- Đảo Bé (xã An Bình, Lý Sơn) chỉ chừng 1km2, với diện tích chưa đầy 70ha. Thế nhưng, diện tích ít ỏi của một xã đảo nằm giữa biển này nay không còn nguyên trạng như trước mà mỗi ngày một teo tóp dần bởi những đợt triều cường liên tục xâm lấn gây sạt lở, mất đất. Kế hoạch xây kè giữ đất cho đảo Bé dù đã được chính quyền địa phương đặt ra từ lâu, nhưng vẫn bế tắc vì không có kinh phí thực hiện.

 Sống trong thấp thỏm

Ông Bùi Mã – cư dân sống ở đảo Bé không khỏi xót xa trước cảnh sóng biển, triều cường cứ liên tục bổ vào làng cướp đi từng mét đất ít ỏi trên đảo. Gia đình ông Mã ở xóm Mom Tàu, nơi nạn sạt lở hoành hành nặng nhất ở đảo Bé. Ông Mã kể lại: “Cơn bão số 9 năm 2009 là cơn bão lớn nhất, tàn phá nặng nhất. Lúc bão đổ vào đây, con đường bê tông trước nhà tôi bị sóng đánh sập hoàn toàn. Lúc đi lánh nạn trở về nhà thì thấy tan hoang. Nhà cửa cũng bị sóng phủ vào làm hư hại. Sống ở đây không an cư chút nào vì lo sóng dữ. Thử hỏi sao thoát được cái nghèo khi ở chẳng yên thân”.

 

Một ngôi nhà ở Mom Tàu, đảo Bé đóng cửa từ lâu vì sóng biển uy hiếp.
Một ngôi nhà ở Mom Tàu, đảo Bé đóng cửa từ lâu vì sóng biển uy hiếp.


Dọc theo phía nam của đảo Bé, hàng chục ngôi nhà sát biển đều còn để lại những dấu tích của triều cường xâm thực. Nhà dân giờ chỉ còn cách biển vài bước chân. Bờ dừa cản sóng sát biển cũng đang thưa dần và có nguy cơ bị xóa sổ khi liên tục bị sóng biển bổ vào cuốn trôi. Vùng biển phía nam xã đảo An Bình – nơi trên 500 cư dân sinh sống đã có đến vài trăm mét bị sạt lở nặng, dân luôn sống trong cảnh bất an. Để chống chọi với biển, cư dân đảo Bé dồn bao cát chất thành kè ở những điểm bị sạt lở nặng nhưng cũng như “dã tràng xe cát” mỗi khi sóng biển “ngoạm” vào làng.

“Cứ vào mùa đông, hễ nghe trời động là lo rời khỏi nhà lên khu vực gần UBND xã để xin nhà dân trên đó ở tạm. Không năm nào là sóng biển không uy hiếp. Người dân ở vùng Mom Tàu này đã làm đơn kêu cứu, mong sớm được chuyển đi nơi khác sinh sống cho an cư. Nhưng nghĩ lại giờ cũng chả biết đi đâu khi hòn đảo này nằm giữa biển. Cứ cái đà biển lấn như thế này, vài năm nữa sẽ càng teo tóp, dân sẽ không sống được ở đảo đâu” - bà Nguyễn Thị Tế lo lắng.

Chờ kè

Đất ở xã đảo An Bình không còn nguyên trạng. Ông Đặng Yên - một cư dân đảo Bé  chỉ tay dọc dài ở bờ nam của đảo nói: “Đảo Bé ít đất nay lại bị triều cường xâm lấn. Ngày trước đất dân ở nằm xa ngoài biển cả chục mét, nhưng bị sóng biển ăn mòn vô trong làng hơn cả chục mét rồi. Bây giờ phải làm sao xây cho được bờ kè ở đảo thì mới mong giữ được đất cho dân ở. Ông Trần Minh Hoằng - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết: Chuyện sạt lở, triều cường xâm lấn đang tác động rất xấu đến địa phương, quỹ đất hiện hữu đang ngày càng bị thu hẹp, người dân không yên tâm sinh sống.

“Chính quyền địa phương và bà con nhân dân ở đây mong muốn sớm có một một kè xung quanh đảo, đặc biệt là kè phía nam đảo dài khoảng 650m. Bởi dân cư đang sinh sống tập trung ở đây nên mỗi khi biển động, có bão đến thì nó đe dọa tính mạng cũng như tài sản của bà con. Làm được kè chống sạt lở mới mong chấm dứt được chuyện sạt lở, cứu được đảo khỏi nạn xâm thực của triều cường” – ông Hoằng cho biết.

Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trước tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn đã tiến hành khảo sát, tìm cách khắc phục nhưng cũng không ăn thua. Theo ông Nguyên, qua khảo sát thì có đến 650m chiều dài phía nam đảo bị sạt lở, trong đó có 250m bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. “Nguồn lực của huyện không có để đầu tư.  UBND huyện đã có báo cáo kiến nghị với tỉnh cho xây dựng bờ kè khẩn cấp, ưu tiên trước mắt cho 250m sạt lở nặng giữ đất cho đảo Bé” – ông Nguyên nói.

Giữ đất cho đảo Bé trước nạn triều cường xâm thực phải được coi là công việc cấp bách. Càng cấp bách hơn khi đây lại là đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

 

Bài, ảnh: VÕ MINH HUY  

 


.