Tìm giải pháp cho Trường Sa- Kỳ 1: Năng lượng và nước

03:06, 04/06/2013
.

*TRẦN ĐĂNG


(QNĐT)- Sau gần một tháng khảo sát tại hầu hết các đảo trên quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp về năng lượng, nước sinh hoạt và các loại cây trồng, vật nuôi cho các đảo. Đây được xem như một cuộc “tiếp sức” cho quân và dân trên quần đảo này.
 

Kỳ 1:  Năng lượng và nước


 Tìm nguồn năng lượng và nước ngọt tại chỗ cho các đảo ở Trường Sa không phải là chuyện mới mẻ gì, song việc kết hợp cùng lúc để tìm ra giải pháp tối ưu, có sự hỗ trợ cho nhau về hai nhu cầu thiết yếu nói trên thì đây là lần đầu tiên các nhà khoa học cùng song hành trong một chuyến khảo sát. Có đến 10 vị là phó giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học, viện nghiên cứu khắp cả nước đã cùng đồng hành trong chuyến khảo sát đã nói lên tính quy mô và sự quyết tâm tìm bằng được các giải pháp tốt nhất cho Trường Sa, mà năng lượng và nước ngọt luôn được ưu tiên hàng đầu.


 Thừa nắng gió nhưng thiếu điện
 
Tìm nguồn năng lượng cho các đảo ở Trường Sa, các nhà khoa học đã “nhìn thấy” từ hàng chục năm trước. Hệ thống máy phát điện chạy bằng máy nổ đã dần được thay thế bằng nguồn năng lượng sạch là điện gió và pin mặt trời. Hầu hết các đảo hiện nay đều dùng năng lượng từ hệ thống quạt gió và pin mặt trời được tích qua các bình chứa. Tuy nhiên, sự khắc nghiệt về thời tiết ở Trường Sa đã ảnh hưởng rất nhiều đến “sản lượng” điện mà các quạt gió và hệ thống điện từ nguồn năng lượng mặt trời mang lại.

Hệ thống đèn chiếu sáng được dùng từ nguồn năng lượng mặt trời tại các đảo ở Trường Sa. Ảnh: T.ĐĂNG
Hệ thống đèn chiếu sáng được dùng từ nguồn năng lượng mặt trời tại các đảo ở Trường Sa. Ảnh: T.ĐĂNG


Hệ thống quạt gió chỉ có thể chịu đời được vài ba năm đầu, sau đó là “yếu” dần và … đứng bánh nếu không thường xuyên gia cố và sửa chữa. Mùa hè nắng nóng rất cần điện thì… gió yếu, cánh quạt chạy rất “buồn ngủ”; trái lại, mùa mưa bão, thời tiết không nóng bức thì quạt gió lại chạy chóng mặt. Điện lúc ấy quá dư thừa nhưng không thể “để dành” được.

Vấn đề đặt ra cho các nhà khoa học là làm sao có thể “điều tiết hợp lý” bằng một rờ-le tự động để khi gió mạnh thì chong chóng của quạt gió vẫn chạy ở một mức độ vừa phải, không ảnh hưởng nhiều đến độ bền của quạt. “Bài toán” này có thể được khắc phục sớm, tuy nhiên, nguồn điện thứ 2 là năng lượng mặt trời cũng cần được duy trì thường xuyên bằng việc thay thế dụng cụ tích điện.

Sau khi đi thực tế vài đảo, PGS.TS Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ Đồng Nai đánh giá: “Các bình ắc quy tích điện ở Trường Sa cũng giống như pin sạc điện thoại, vài năm đầu thì lượng điện được tích trong bình còn khá, sau đó là pin bị “chai” nên số điện được tích từ nguồn năng lượng mặt trời này rất hạn chế, gây thiếu điện ở các đảo”.

Gia cố, tu sửa các cánh quạt gió cũng như thay bình tích điện để tăng nguồn năng lượng tại chỗ cho các đảo là điều không khó, thế nhưng, điện vẫn thiếu cục bộ, hoặc phải dùng rất tiết kiệm là vì, phần lớn các công trình điện gió hoặc điện bằng năng lượng mặt trời ở các đảo đều được một số cơ quan hoặc các tổ chức “biếu không”, kèm với suy nghĩ là “tặng một lần là xong”. Qua khảo sát, các nhà khoa học kiến nghị: Giúp cho Trường Sa một công trình nào đó thì cũng có nghĩa là phải “nuôi” dài lâu chứ không giống như xây cái nhà là xong. Vì vậy, để cho nguồn năng lượng sạch ở Trường Sa được dồi dào hơn, việc trước tiên không phải là tặng thêm quạt gió hay pin mặt trời mà là duy trì tốt các thiết bị hiện có trên đảo.
 
 Giải pháp “nước tại chỗ”
 
Nguồn nước ngọt chủ yếu cho các đảo hiện nay đều được tích từ nước mưa qua các bể chứa hoặc phải tiếp từ đất liền. Các đảo nổi đều không có giếng nước ngọt, nếu có nước thì cũng chỉ dừng lại ở mức “lợ” nên nước ngọt vẫn là câu chuyện dài kỳ cho các đảo, nhất là các đảo chìm. Thiếu nước, sinh hoạt của con người gặp khó đã đành, hàng loạt các hoạt động khác như chăn nuôi, trồng rau đều bị ảnh hưởng theo, tăng thêm cái “khó” cho cả bộ đội lẫn dân.

   Cung cấp nước ngọt cho các đảo. Ảnh: TR.ĐĂNG
Cung cấp nước ngọt cho các đảo. Ảnh: TR.ĐĂNG


Ra đảo lần này có PGS.TS Nguyễn Tấn Phong- Trường đại học Bách khoa TP HCM, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu biến nước lợ thành nước sinh hoạt, từng được áp dụng thành công ở một số nơi. Sau khi xem xét một số giếng nước tại các đảo và trực tiếp chứng kiến người dân trên đảo dùng nước giếng để tưới rau, TS Phong khẳng định: “Biến nước lợ ở các giếng này thành nước sinh hoạt, thậm chí thành nước uống là điều hoàn toàn có thể”.

Theo ông Phong, thiết bị cho quy trình này rất đơn giản, gồm một máy phát điện được sử dụng từ nguồn năng lượng mặt trời, có thể hoạt động 10 giờ/ngày. Nước lợ được đưa vào bể chứa, áp dụng quy trình thẩm thấu ngược (RO). Bình quân mỗi giờ, “nhà máy” này có thể cung cấp được 500 lít nước ngọt (khoảng 5 khối/ngày). Thiết bị vận hành không quá phức tạp, lại không phải tốn nhiên liệu đầu vào nên chi phí để có nước ngọt là rất thấp. Giá thành cho hệ thống xử lý nước lợ thành nước ngọt có công suất 5 khối/ngày này khoảng 500 triệu (giá ở đất liền) nhưng rất bền nên có thể chấp nhận được. Nếu đồng loạt áp dụng mô hình này ở các đảo nổi có nước lợ thì đây là một giải pháp căn cơ nhất, không chỉ giải quyết nước tại chỗ cho các đảo nổi mà còn có thể hỗ trợ cho các đảo chìm lân cận, đỡ tốn kém khi phải vận chuyển nước ngọt từ đất liền ra đảo.

Đối với các đảo chìm, do diện tích có hạn nên việc tích nước ngọt qua các bể chứa cũng hạn chế. PGS Phong đưa giải pháp: “Dùng núi ni lông loại dẻo, có thể chịu được nắng gió 5 năm, từng được áp dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đem áp dụng tại các đảo chìm là hợp lý”. Theo ông Phong, ưu điểm của các túi chứa nước này (2-3 khối/túi) là rất cơ động, có thể đặt bất cứ chỗ nào trống trên đảo, chỉ cần nối máng dẫn nước mưa từ các mái nhà xuống miệng túi là xong. Khi xài hết nước trong túi, có thể gấp lại và cất đi, đợi mùa mưa mang ra dùng tiếp./.

 
* Kỳ 2: Tìm nguồn thực phẩm tại chỗ
 


.