Chấm dứt việc "sinh không khai, tử chẳng báo"

10:04, 16/04/2012
.

(QNg)- Nhiều năm qua, công tác đăng ký hộ tịch đã dần đi vào nền nếp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, tình trạng "sinh không khai, tử chẳng báo" vẫn còn khá phổ biến, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý hộ tịch…

Pháp luật đã quy định cụ thể về thời gian đăng ký khai sinh, khai tử, nhưng hiện nay nhiều người dân chỉ thực hiện mỗi khi cần. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền nhân thân của công dân, mà còn gây nhiều phiền phức cho xã hội.


Quan trọng nhưng không được coi trọng.
 
Đăng ký khai sinh, khai tử có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nó là khởi điểm phát sinh hoặc chấm dứt nhiều quyền lợi thiết thân của công dân. Thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử hiện rất đơn giản, chủ yếu được giải quyết trả kết quả ngay trong ngày. Thế nhưng, nhiều năm qua, Quảng Ngãi vẫn là địa phương có nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác này.

 

Nguyên nhân được UBND tỉnh kết luận là do lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức về quyền được đăng ký khai sinh, trách nhiệm phải khai tử. Nhận thức của người dân đối với công tác này còn hạn chế, đặc biệt là ở các huyện miền núi. Tình trạng trẻ em sinh ra không đăng ký khai sinh còn khá phổ biến; gia đình có người thân qua đời không đi đăng ký khai tử, thậm chí có trường hợp chết đã trên 20 năm, mới khai tử. Việc khai tử ở những vùng cao dường như chỉ được thực hiện khi có liên quan đến các giao dịch dân sự, giải quyết chính sách…

Hệ lụy của việc sinh không khai, tử chẳng báo đã rất rõ. Hàng ngàn trẻ em trong tỉnh, khi đi học không có giấy khai sinh. Thầy, cô giáo phải đứng ra làm giấy khai sinh thay cho gia đình, để các em có đủ thủ tục học tập. Không có giấy khai sinh, trẻ không được cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí, không được hưởng một số chế độ chính sách khác. Còn việc không đăng ký khai tử cũng đã gây bao phiền toái cho công tác quản lý hộ tịch, điều hành kinh tế - xã hội, chi trả chế độ chính sách ở địa phương.

Do hiện nay hầu hết người dân 6 huyện miền núi của tỉnh đều thuộc diện được hưởng chính sách hộ nghèo, nên nếu không khai tử, thì người chết vẫn cứ được hưởng chính sách bình thường! Đơn cử như vụ việc mới đây xảy ra tại xã Trà Thọ (Tây Trà), ông Hồ Văn Dớt đối tượng được hưởng chính sách đã chết từ 13/5/2009, mãi đến 20/8/2011 mới đăng ký khai tử. Do đó, ông Dớt dù đã qua đời, nhưng từ ngày ông mất cho đến 7/2011 vẫn được cấp tiền chính sách, với số tiền lên đến hơn 43 triệu đồng. Nếu việc đăng ký khai tử được thân nhân của người chết và chính quyền địa phương thực hiện đúng quy định, chắc chắn sẽ không có chuyện phải tốn nhiều thời gian, công sức thu hồi số tiền chi sai nói trên!

Vướng từ luật

Mặc dù quy định pháp luật về đăng ký khai sinh, khai tử ngày càng được hoàn thiện, nhưng theo đánh giá của các cán bộ thực thi quy định này thì vẫn còn chồng chéo, bất cập, gây khó khăn cho người dân và chính quyền địa phương. Đơn cử như quy định về người đi đăng ký khai sinh cho trẻ phải xuất trình giấy chứng sinh do cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp hoặc giấy xác nhận, giấy cam đoan.

 

Quy định này đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho người dân đồng thời không còn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước là tạo điều kiện thuận lợi, loại bỏ thủ tục rườm rà cho người dân khi đăng ký khai sinh. Ngoài ra, việc quy định khai sinh, khai tử quá hạn không thống nhất thời gian là bao lâu, nên nhiều trường hợp không khai sinh, khai tử kéo dài hàng chục năm trời, gây phức tạp cho công tác quản lý hộ tịch tại địa phương. Nhiều quy định về khai sinh, khai tử bộc lộ nhiều bất cập, nhưng việc sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác giải quyết cấp giấy tờ khai sinh, khai tử tại địa phương.

Việc quy định cấp lại bản chính giấy khai sinh; cải chính hộ tịch nhiều quy định không phù hợp thực tiễn, khiến công dân phải đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan khác nhau mới được giải quyết. Hiện nay, việc cải chính hộ tịch đang là vấn đề gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Nhiều trường hợp giấy tờ văn bằng, chứng chỉ không trùng khớp với hộ khẩu, khai sinh, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể để giải quyết. Hướng dẫn này đã được Sở Tư pháp xin ý kiến Bộ Tư pháp chỉ đạo, tháo gỡ bằng văn bản nhưng do giữa Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục & Đào tạo chưa thống nhất nên không hướng dẫn giải quyết. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có không ít học sinh không được thi tốt nghiệp THPT chỉ vì các giấy tờ hộ tịch và văn bằng, học bạ không trùng khớp.


THANH NHỊ
 


.