"Tòa án lưu động" của nông dân

07:12, 16/12/2011
.

(QNg)- Nhờ làm tốt công tác hoà giải ở cơ sở và giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn mới phát sinh, những tổ hòa giải nông dân ở huyện miền núi Trà Bồng đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết mâu thuẫn, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Nhiều người ví von, đây là những "tòa án lưu động" của nông dân.

Không để "bé xé ra to"

Đã 10 năm qua, bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng mỗi khi trong thôn xóm có mâu thuẫn xảy ra, từ những việc phát sinh trong nội bộ gia đình, như vợ chồng bất hòa, anh em cãi cọ đến chuyện hàng xóm xô xát, tranh chấp đất đai, vướng mắc trong làm ăn kinh tế...  là các thành viên trong tổ hòa giải thôn Phú Hòa, xã Trà Phú đều có mặt kịp thời ở "điểm nóng" để hòa giải. Chính vì vậy, tổ hòa giải thôn Phú Hòa, đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người dân nơi đây.

Nhờ làm tốt công tác hòa giải nên tình làng, nghĩa xóm ở các địa phương của huyện Trà Bồng ngày càng bền chặt.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải nên tình làng, nghĩa xóm ở các địa phương của huyện Trà Bồng ngày càng bền chặt.


Ông Võ Văn Nhụ- Tổ trưởng tổ hòa giải cho biết: Phú Hòa là một thôn ở xã miền núi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, dân số đông, một bộ phận nông dân trình độ nhận thức còn hạn chế nên những va chạm, xích mích, vi phạm nhỏ xảy ra là điều khó tránh khỏi. Những điều đó nếu không được kịp thời ngăn chặn, xử lý một cách mềm dẻo thì rất có thể dẫn đến "chuyện bé sẽ xé ra to" sẽ nảy sinh mâu thuẫn lớn hơn.

Nhiều trường hợp các thành viên của tổ chỉ đến một lần đã hóa giải mâu thuẫn. Như vụ mâu thuẫn giữa vợ chồng anh Nguyễn Văn H và chị Trần Thị G. Nguyên nhân là người chồng thường hay say xỉn, mà mỗi lần say về là đánh vợ, chửi bới, gây mất trật tự trong xóm. Thế là chị G làm đơn ly hôn, bỏ về cha mẹ ruột mình ở, tình hình ngày càng căng thẳng. Do vậy, tổ hòa giải gặp gỡ với cả hai bên để làm dịu tình hình; giảng giải, thuyết phục rồi dần tiến đến tìm được tiếng nói chung. Thế nhưng cũng có không ít trường hợp mọi người phải đi “năm lần bảy lượt", có khi phân giải, thuyết phục đến 11, 12 giờ đêm mới thành công.

Trường hợp gia đình ông Trần B và bà Trần Thị T, là điển hình của sự mâu thuẫn hàng xóm, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc tranh chấp đất đai. Sự việc chẳng có gì lớn, chỉ vì ông B xây tường rào trên phần đất mà 2 gia đình đang tranh chấp. Gia đình bà T phá không cho ông B xây. Thế là hai bên làm đơn khiếu kiện lẫn nhau. Nhưng rồi tổ hòa giải xuất hiện, với kinh nghiệm hiểu biết pháp luật và thái độ mềm mỏng, khôn khéo, họ tìm cách thuyết phục, động viên các bên kiềm chế sự nóng giận, bình tĩnh ngồi lại với nhau giải quyết vướng mắc. Nhờ vậy mà hai người đã bắt tay làm lành với nhau, tình làng nghĩa xóm được giữ vững.

Với kinh nghiệm làm công tác hòa giải, ông Võ Văn Nhụ chia sẻ: Đúng sai đâu chỉ nói bằng lời, mà phải chỉ tường tận từng điều luật quy định dân mới tin. Khi dân đã hiểu luật thì làm chuyện gì cũng dễ. Mỗi vụ việc giải quyết thành công được xem là trách nhiệm và niềm vui của những thành viên trong tổ hòa giải. Thời gian  qua, tổ hòa giải thôn Phú Hòa  đã tham gia hòa giải thành công 25 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm.  

Đáp ứng lợi ích thiết thực của nông dân

Tổ hòa giải thôn Phú Hòa chỉ là một trong số hàng chục tổ hòa giải của nông dân trên địa bàn huyện Trà Bồng. Nhờ vậy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đảm bảo đúng luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Nguyễn Thế Kiều- Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg, về tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của nông dân giảm hẳn. Đáng nói là hầu hết mâu thuẫn được hòa giải ngay từ cơ sở. Theo thống kê, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 26, ngoài những vụ việc phản ánh trực tiếp, Hội Nông dân huyện đã nhận được gần 1.200 đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhiều nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai, với trên 570 vụ (gần 48%); hôn nhân và gia đình gần 165 vụ (khoảng 13,65%); về tài sản là 128 vụ (gần 11%)...

 Theo đó, cấp huyện đã giải quyết 546/546 vụ; cấp cơ sở đã xử lý 631/648 vụ. Qua thực tế triển khai Chỉ thị 26, việc cán bộ Hội các cấp tham gia tiếp dân cũng như giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tại cơ sở đã giúp cho cán bộ hội nhận thức rõ hơn vai trò của mình trong việc phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết đơn thư. Từ đó làm tốt chức năng phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nông dân.

Với những kết quả đạt được, Hội Nông dân huyện Trà Bồng được Hội Nông dân tỉnh đánh giá là một điểm sáng ở miền núi của tỉnh.      

Bài, ảnh:  Ngọc Đức


.