Báo động: mỗi ngày 40 tấn rác thải “đầu độc” biển đảo Lý Sơn

07:12, 06/12/2011
.

Không có nơi xử lý rác thải sinh hoạt nên người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) “xử lý” bằng cách đổ thẳng ra biển, trung bình mỗi ngày từ 30 - 40 tấn, khiến môi trường nơi đây đang bị “đầu độc” ngày càng nặng nề…

TIN LIÊN QUAN


1.jpg
Người dân Lý Sơn vô tư đổ rác thác ra biển - Ảnh: NP

Tại cầu cảng Lý Sơn, nơi cửa ngõ lên đảo tràn ngập rác thải. Những đống rác chất cao lên đến cả mét nằm chình ình dưới chân cầu cảng. Phía xa những con sóng dập dìu lâu lâu lại mang vào bờ những đợt rác thải mới từ đêm qua thủy triều kéo ra xa giờ tấp lại vào bờ.

Ông Nguyễn Phan, một lão ngư ngao ngán: “20 năm trước, đi quanh đảo ít khi nào tìm ra được bao nilong hay rác thải. Vậy mà chỉ vài năm nay rác đã tràn ngập quanh đảo”. Dọc quanh bờ biển Lý Sơn đâu đâu cũng thấy rác thải từ lưới ngư cụ, chai lọ thuốc trừ sâu, bao nilong… cho đến dầu nhớt lênh loáng trôi dập dờn quanh bờ.

Nhiều nơi trước kia từng là địa điểm du lịch hoặc nơi tâm linh thờ tự cũng tràn ngập rác. Trước đình làng An Vĩnh (xã An Vĩnh, Lý Sơn) nơi thờ tự và tổ chức các buổi lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tràn ngập trong rác thải. Không chỉ rác thải sinh hoạt mà ngay cả xác động vật chết, chất thải từ các chợ, gia đình, các nhà nghỉ… điều được người dân mang ra biển đổ.

Tại khu vực hang Cau, một điểm du lịch nổi tiếng trên đảo Lý Sơn nay dần trở thành “túi rác” thải khi mà mọi thứ rác thải sinh hoạt được trút thẳng ra biển được thủy triều kéo vào tấp dày trên những bãi đá san hô.

Để giải quyết môi trường trên đảo Lý Sơn, trước đây UBND huyện Lý Sơn đầu tư hai xe chuyên thu gom rác và hàng chục thùng rác công cộng đặt quanh đảo. Thế nhưng công trình được đầu tư hàng trăm triệu đồng chỉ đi vào hoạt động được một thời gian thì đành “xếp xó” vì hai chiếc xe bị hỏng. Và quan trọng hơn là bãi chứa rác thải tại thôn Đồng Hộ (xã An Hải), từ sau bão số 9 gây ô nhiễm nặng nên người dân trong thôn đã chặn đường và yêu cầu dừng đổ rác vì cả một khu dân cư quanh bãi rác ruồi, nhặng vi vo suốt ngày.

Theo ông Trần Bút, chủ tịch UBND xã An Vĩnh, Lý Sơn có diện tích nhỏ nhưng dân số đông (gần 21.000 người) nên vấn đề rác thải gây ô nhiễm là không tránh khỏi. Tuy nhiên một phần chính là do ý thức của người dân còn quá thấp. “Thật khó để xử lý người gây ô nhiễm bởi nếu không đổ ra biển thì người dân biết đổ đi đâu. Xe thu gom rác đã “nằm im”, còn bãi chứa rác thì không có, chúng tôi chỉ còn biết tuyên truyền và khuyến cáo người dân không nên đổ rác ra biển mà có thể xử lý tạm thời bằng cách đốt hoặc chôn lấp” – ông Bút nói.

Trước tình hình rác thải đang đe dọa môi trường biển Lý Sơn, UBND huyện Lý Sơn đã mời Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi thẩm định và nghiên cứu địa điểm xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Tuy nhiên, địa điểm mới được chọn xây dựng tại thôn Tò Vò, xã An Vĩnh đang vướng phải dự án đầu tư du lịch nên dự án đang gặp “khó”. “Huyện đang xúc tiến lập dự án thẩm định đầu tư 93 tỷ đồng xây dựng một nhà máy xử lý rác thải rắn với công suất 30 tấn/ngày trong thời gian đến” – bà Phạm Thị Hương, phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.
 
Theo Infonet
 
 

.