Người dân dọc sông Phước Giang: Thấp thỏm mỗi mùa mưa lũ về

09:10, 17/10/2011
.
 

(QNĐT)- Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống dọc hai bên bờ sông Phước Giang thuộc huyện Minh Long luôn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa về.
 
Nỗi lo sạt lở
 
Anh Võ Văn Chính (thôn 1, xã Long Hiệp) than thở: “Cứ đến mùa mưa lũ, thì vườn nhà tôi bị nước lũ lấy mất 5-7m đất. Hiện tại bờ sông chỉ còn cách nhà chừng 5m. Chỉ cần thêm một trận mưa lớn, nước lũ tràn về sẽ cuốn trôi nhà mất thôi…”
 
Dấu vết sạt lở đất ngay sau vườn nhà anh Chính trong mùa mưa lũ năm trước vẫn còn rất rõ
Dấu vết sạt lở đất bên bờ sông đoạn chảy qua thôn 1, xã Long Hiệp trong mùa mưa lũ năm trước vẫn còn rất rõ
 
Không chỉ anh Chính mà còn có hàng chục hộ dân khác ở thôn 1, xã Long Hiệp sống ngay trên bờ sông Phước Giang phải chịu chung cảnh sông “ngoạm” mất đất, mất nhà như vậy từ nhiều năm nay.
 
Theo chân anh Chính, chúng tôi đi dọc bờ sông Phước Giang, nước vẫn chảy hiền hòa. Nhưng hễ có mưa lớn thì dòng sông tưởng chừng yên ả này lại trở nên hung dữ và cuốn phăng nhiều nhà cửa, ruộng vườn của người dân nơi đây.
 
Ông Võ Văn Tui (81 tuổi) có nhà nằm ngay vùng xói lở nặng nề nhất, cho biết: Trước kia, ngay sau vườn nhà có 3 sào đất, nhưng giờ bị sông “gặm” sạch rồi. Chỉ mới năm ngoái thôi, con sông này đã xói sâu và cuốn phăng luôn cái chuồng heo. “Không biết bao giờ nó sẽ tấn công đến nhà mình đây?”- ông Tui lo lắng.
 
Ông Nguyễn Bình- Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban thường trực Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Long cho biết: Cách đây 2 năm, huyện đã xây dựng 3 mỏ hàn chỉnh dòng ngay trong lòng sông đoạn chảy qua thôn 1, xã Long Hiệp, nhằm giảm nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế phần nào tình trạng sạt lở.
 
Thực tế cho thấy, dù 3 mỏ hàn chỉnh dòng đã phần nào phát huy tác dụng nhưng sức mạnh của dòng sông Phước Giang vẫn gây ra nhiều thiệt hại về tài sản, đất đai cho bà con trong thôn 1.
 
3 mỏ hàn bằng đá được xây dựng ngay trong lòng sông chỉ là giải pháp tạm thời hạn chế tình trạng xói mòn
3 mỏ hàn chỉnh dòng được xây dựng bằng đá ngay trong lòng sông chỉ là giải pháp tạm thời hạn chế tình trạng xói lở
 
Và ngập lụt…
 
Theo dòng chảy của sông Phước Giang, chúng tôi dừng chân tại vùng trũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ quét và ngập lụt ở thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn. Nơi đây, cứ mỗi khi mưa lũ kéo về thì có đến hơn 50 hộ dân trong thôn phải chịu cảnh sống chung với lũ trong thời gian dài.
 
Bà Nguyễn Thị Niên, ở thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn cho biết: Mùa lũ năm 2009, nhà cửa trong thôn đều bị ngập chìm trong nước đến 1 tuần liền. Nước lụt dâng cao đến hơn 1m khiến cho bà con không có nước sạch sinh hoạt. Từ đó, dịch bệnh sốt xuất huyết cũng lây lan nhanh chóng trong thôn.
 
Ông Huỳnh Quang Khâm- Trưởng thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn than thở: Những năm qua, tình trạng ngập lụt kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt cũng như kinh tế của hơn 200 nhân khẩu nơi đây. Trong mùa lũ năm ngoái, trong thôn có rất nhiều trâu, bò chết đói vì nước lụt ngập dài ngày, không còn rơm rạ dự trữ.
 
Mỗi năm, thôn đều thành lập đội cứu hộ khoảng 10 người, thay phiên nhau túc trực cả đêm lẫn ngày, xem chừng con nước để kịp thời thông báo cho bà con ứng phó. Nhưng năm nào, mưa lũ cũng khiến bà con trong thôn bị thiệt hại nặng nề về tài sản.
 
Không chỉ những người dân ở thôn 1, xã Long Hiệp hay thôn Lạc Sơn, xã Long Sơn mới phải chịu cảnh sống trong thấp thỏm với mối lo sạt lở, ngập lụt mà còn hàng trăm hộ dân thuộc 5 xã của huyện Minh Long cũng đang đối mặt với nỗi lo mỗi khi mùa mưa về.
 
 
Theo ông Nguyễn Bình, toàn huyện Minh Long có đến 11 điểm với 230 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sạt lở núi, sông, ngập lụt, và lũ quét trong mùa mưa lũ.
 
Minh Long là huyện miền núi có độ dốc lớn, nên mỗi khi mưa lớn thì nước trên nguồn đổ về mạnh, gây ra lũ quét cuốn trôi nhà cửa. Tại những nơi vùng trũng thì nước đọng nhiều ngày gây thiệt hại lớn cho nhân dân.
 
Hàng năm, UBND huyện Minh Long đều có công văn gửi các xã, thôn, đặc biệt là những nơi có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao, đề nghị có phương án chủ động đối phó với mưa lũ, đặc biệt triển khai phương án “4 tại chỗ” nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Tuy nhiên, mùa lũ năm nào, người dân nơi đây cũng bị thiệt hại về người và tài sản do sự hung dữ của dòng sông Phước Giang.
 
Thanh Phương

.