Cần tăng cường giáo dục, ngăn ngừa trẻ em vi phạm pháp luật

08:09, 19/09/2011
.

(QNg)- Thời gian gần đây ở nhiều địa phương từ thành thị đến nông thôn đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ lớp trẻ sống buông thả, đua đòi, háo hức với các loại phim ảnh đồi trụy, bạo lực, mại dâm, chạy xe lạng lách, nói năng thô lỗ, gây gổ, đánh nhau, trộm cắp…
 
Việc chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy thế hệ trẻ thành công dân có ích cho xã hội, gia đình là công việc  vừa khó khăn, nặng nề, lại vừa lâu dài và khoa học. Do đó việc đào tạo, giáo dục cho đội ngũ này là một yêu cầu bức bách và cực kỳ quan trọng, mà nếu nơi nào xem nhẹ thì nơi đó sẽ có mầm mống của những tệ nạn xảy ra thật khó lường !.

Ông bà ta có câu "Nhân chi sơ tính bổn thiện". Thế hệ trẻ ngày nay nói chung là tốt., nhưng đây đó vẫn còn một bộ phận lớp trẻ sống buông thả, hư hỏng, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật. Gần đây chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những trẻ em chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu trên đường phố, bất chấp sinh mạng của mình và của người khác. Rất nhiều em tập tành uống rượu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, nói năng thô tục, đánh nhau… Ngay ở một số trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, hiện tượng học sinh bỏ học giữa giờ để đi đánh bida, chơi games, ngồi quán cà phê phì phèo thuốc lá, uống rượu, bia.. thậm chí hành hung cả thầy cô giáo cũng không phải là hiếm thấy.

Nhiều phụ huynh học sinh cho biết: Hiện tượng học sinh gây gổ, đánh nhau đã và đang diễn ra, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Có những trường hợp các em sử dụng hung khí để thanh toán lẫn nhau...

Xét về mặt tâm lý thì trẻ em có hướng hay bắt chứơc, ngỗ nghịch, dễ xúc cảm, bồng bột và thường bị kích thích bạo động, bởi các loại văn hoá phẩm đồi trụy, bạo lực đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các em. Những vụ đánh nhau, hành hung giáo viên, chạy xe lạng lách, nói năng thô lỗ… thường được các em bắt chước giống theo những băng nhóm xã hội đen qua phim ảnh. Bên cạnh đó, tình trạng lục đục, bất hoà trong cuộc sống gia đình cũng thường xô đẩy các em sa vào con đường phạm pháp.

Do vậy vấn đề ngăn ngừa trẻ em phạm pháp đã trở nên vô cùng cấp bách. Việc tăng cường chăm sóc, giáo dục và bồi dưỡng cho thế hệ trẻ những nhân cách, phẩm chất đạo đức là trách nhiệm quan trọng của ba tổng thể: Gia đình- nhà trường và xã hội. Mọi người đều có trách nhiệm với trẻ, song gia đình đóng vai trò then chốt. Thế nhưng ở góc độ nào đó, yếu tố nhà trưưòng và xã hội có vị trí hàng đầu, tạo nên nhân cách, phẩm chất đạo đức cho trẻ. Các bậc cha mẹ phải biết trẻ em hư hỏng, phạm pháp không chỉ là nỗi đau, mất mát riêng mình, mà đó còn là mầm mống xấu gieo rắc nhiều tệ nạn cho xã hội…

Thiết nghĩ hơn ai hết, các bậc cha mẹ là người thực hiện tốt nhất bằng những biện pháp như kết hợp với nhà trường, thường xuyên quan tâm, theo dõi những hành động và cử chỉ của con em mình, không nên nuông chiều con quá đáng và khoán trắng cho nhà trường giáo dục. Cha mẹ, thầy cô giáo phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Ngoài ra, toàn xã hội cần đẩy mạnh việc ngăn ngừa, bài trừ triệt để những văn hoá phẩm độc hại và các loại tệ nạn xã hội khác, như : Mại dâm, nghiện hút, hít ma tuý, rưọu chè, cờ bạc…. Bên cạnh đó nên có thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí đa dạng và phong phú, bổ ích. Đồng thời, tổ chức nhiều chuyến du khảo về nguồn, tìm địa chỉ "đỏ"… nhằm giáo dục và định hướng cho các em. Có như thế mới ngăn ngừa và làm giảm thiểu được tội phạm trong thế hệ trẻ- những người chủ tương lai của đất nước.

 Thiệu Khang

.