Lối đi nào cho các điểm bưu điện văn hóa xã? - Kỳ 1: Bỏ thì... thương, vương thì... nợ!

12:08, 29/08/2011
.

(QNg)- Từ năm 1999 hàng loạt các điểm Bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) đã ra đời và được triển khai xây dựng rộng rãi ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trải qua 12 năm hoạt động, các điểm BĐVHX đã góp phần rất lớn trong việc tiếp cận thông tin, phục vụ các dịch vụ bưu chính - viễn thông… cho người dân. Tuy nhiên hiện nay, các điểm BĐVHX đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy cơ đóng cửa… 
 
Nếu như lúc mới ra đời các điểm BĐVHX thường rất nhộn nhịp, bởi lượng người đến gọi điện thoại, đọc sách báo, gửi thư hay bưu kiện, bưu phẩm… khá đông, thì giờ đây các điểm BĐVHX này lại đìu hiu, người dân cũng chẳng buồn quan tâm nó còn hay đã… đóng cửa!. 

Một thuở… hoàng kim!

Sau khi Tổng Công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam) ra Quyết định 267 về việc xây dựng các điểm BĐVHX trên địa bàn toàn quốc (cuối năm 1998), ngay đầu năm 1999 Bưu điện tỉnh đã tiến hành khảo sát, xây dựng các điểm BĐVHX, và đầu tư cơ sở vật chất, trang bị các dịch vụ viễn thông như: Internet, điện thoại công cộng, sách báo… với mức kinh phí từ 50 - 100 triệu đồng/điểm. Đến cuối năm 2008 BĐVHX đã có mặt ở hầu hết xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.
 
Sân của BĐVH xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đã được tận dụng để mở dịch vụ giải khát.
Sân của BĐVH xã Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) đã được tận dụng để mở dịch vụ giải khát.

Trong giai đoạn 1999 - 2005, các điểm BĐVHX hoạt động khá nhộn nhịp và hiệu quả, trở thành "địa chỉ đỏ" của người dân, giúp họ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin, các kiến thức KHKT, cũng như được sử dụng các loại hình dịch vụ bưu chính - viễn thông một cách thuận lợi, nhanh chóng. Đặc biệt ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, BĐVHX thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Như ở Long Sơn - một xã vùng xa của huyện miền núi Minh Long sau khi điểm BĐVHX ra đời, đã rút ngắn quãng đường mà người dân phải đi gửi, nhận tiền, chuyển nhận bưu phẩm, bưu kiện… từ 10 km xuống còn vài trăm mét. Không những thế, khi các điểm BĐVHX ra đời, đồng bào H’rê nơi đây có điều kiện tiếp cận với những mô hình sản xuất mới, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thông qua sách báo, tạp chí, tài liệu…, góp phần rất lớn vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thay đổi tập quán và thói quen canh tác của người dân.

Với mô hình hoạt động phù hợp, hiệu quả, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân, nên doanh thu tại các điểm BĐVHX từ việc bán tem thư, gọi điện thoại, chuyển phát nhanh, truy cập mạng đạt trên dưới 10 triệu đồng/tháng và tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 200 lao động, với mức thu nhập khá cao (từ 700.000 đến hơn 1 triệu đồng/người/tháng).
 
Ông Nguyễn Văn Chiến - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho hay: 6 năm đầu sau khi ra đời, các điểm BĐVHX đã mang lại luồng gió mới về thông tin cho người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi và ven biển. Lúc đó những dịch vụ viễn thông chưa phát triển, điện thoại di động vẫn còn là thứ “xa xỉ”, nên các dịch vụ về bưu chính và điện thoại cố định dường như độc quyền và chiếm trọn thị phần. Hơn nữa lúc này, các kênh thông tin chưa phát triển rộng rãi, nên nhu cầu đọc sách, báo, tạp chí của người dân là rất cao. Có thể nói giai đoạn 1999 - 2005 là thời "hoàng kim" của các điểm BĐVHX.

Đến thời… tắt lịm!

Từ năm 2006 đến nay, khi các dịch vụ viễn thông, nhất là điện thoại di động (ĐTDĐ) bùng nổ thì hoạt động của các điểm BĐVHX bắt đầu trầm lắng và ngày càng xuống dốc thảm hại. Người dân không còn mặn mà đến BĐVHX để sử dụng các dịch vụ bưu chính hay đọc sách báo, nên các điểm này đã rơi vào tình trạng  vắng khách.

Chị Bùi Thị Hoàng Trinh - nhân viên BĐVHX Nghĩa Mỹ (Tư Nghĩa) cho hay: Nếu như trước đây doanh thu của điểm đạt 4 - 6 triệu/đồng/tháng, thì hiện giờ con số này đã sụt giảm hơn 10 lần (nghĩa là mỗi tháng chưa tới 400.000 đồng). Khi buồng đàm thoại vắng người sử dụng, tem thư cũng chẳng ai mua, nên doanh thu chỉ lẹt đẹt từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/tháng cũng là điều dễ hiểu. Hay như tại điểm BĐVHX Hành Thịnh (Nghĩa Hành) tuy nằm ở vị trí trung tâm "đắc địa", ngay cạnh trường học và KDC mới, nhưng vẫn đìu hiu, vắng vẻ. "Không mở cửa thì vi phạm quy định, mà mở cửa thì chỉ biết ngồi nhìn… ra đường cho hết thời gian" - chị Trương Thị Yến Ly - nhân viên phụ trách điểm BĐVHX thở dài ngao ngán.

"BĐVHX đã từng là một thiết chế văn hóa rất đặc biệt, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhu cầu hưởng thụ thông tin cho người dân. Do đó đóng cửa thì tiếc, nhưng nếu tiếp tục hoạt động thì Bưu điện tỉnh biết lấy đâu kinh phí để… nuôi sống 157 "đứa con" này?" - ông Nguyễn Văn Chiến trăn trở.
Không riêng gì hai điểm BĐVHX trên, mà hiện 157 điểm BĐVHX trên toàn tỉnh đều chung cảnh ngộ. Do vắng khách, doanh thu sụt giảm, nên đời sống của nhân viên phụ trách cũng lâm vào cảnh khó khăn. "Không có bảo hiểm, không được hưởng các chế độ phúc lợi nào khác, chỉ với mức lương 650.000 đồng/tháng, kèm theo hoa hồng từ doanh thu thì thu nhập của chúng tôi cũng chưa chạm đến mức lương tối thiểu" - chị Ly cho biết. Do đó nhiều người đã nghỉ việc, dẫn đến tình trạng các điểm BĐVHX phải đóng cửa, vì… không có người phụ trách!

Bên cạnh cơ sở vật chất đã bị xuống cấp, trang thiết bị hư hỏng, thiếu thốn, không đáp ứng nhu cầu đọc và học của người dân, thì một trong những nguyên nhân khiến các điểm BĐVHX lao đao chính là mô hình hoạt động không còn phù hợp, trong điều kiện bùng nổ thông tin như hiện nay. Bởi lẽ hiện giá thành ĐTDĐ đã được bình dân hóa, thì mọi người đều dễ dàng sắm cho mình chiếc "a lô" nhỏ gọn, tiện lợi, nên việc đến BĐVHX để đàm thoại cũng đã lỗi thời. Mặt khác khi internet ra đời, cộng với sự cạnh tranh của nhiều đơn vị tư nhân trong các dịch vụ bưu chính, thì các điểm BĐVHX lại đuối sức, không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng, vì nguồn lực vừa thiếu lại vừa yếu!.   

(còn nữa)
Bài, ảnh: Mỹ Hoa

.