Nạn nhân chất độc da cam rất cần sự chia sẻ của cả cộng đồng

03:07, 30/07/2011
.

(QNg)- Cách đây 50 năm, Mỹ đã rải chất độc hóa học xuống miền Nam Việt Nam, để lại hậu quả nặng nề sau cuộc chiến tranh. Những kẻ đã gây ra tội ác vẫn chưa bị phán xét đích đáng bất chấp sự phản đối của nhân dân trong nước cũng như bạn bè khắp năm châu trên thế giới.
 

Theo số liệu mà Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin Việt Nam (VAVA) thì, trong 10 năm (1961 - 1971) Mỹ đã rãi chất độc hóa học ở ba triệu héc ta rừng núi, đồng ruộng, gần 26 nghìn thôn bản, gần năm triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin. Trong đó có ba triệu  nạn nhân; nhiều nạn nhân là trẻ em ở thế hệ thứ hai, thứ ba; hàng trăm nghìn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh sống  thực vật, nhiều bệnh tật phát sinh trong đó có nhiều căn bệnh quái ác có liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Ở Quảng Ngãi cuối năm 1962, một số làng ở xã Sơn Lập (Sơn Tây) là nơi Mỹ rải chất độc đầu tiên (có lẽ vì đó là nơi đóng quân của Trung đoàn 2 Quân giải phóng nhưng với mức độ còn hạn chế). Mãi đến khi quân Mỹ trực tiếp vào miền Nam và bị đánh đau ở trận Vạn Tường trong chiến dịch mùa khô lần thứ nhất (1965-1966), thì Mỹ đã dùng chất độc rải liên tiếp hầu hết các huyện miền núi (nặng nhất là Ba Tơ) và các vùng giáp ranh đồng bằng, mà hậu quả của nó là hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng căn cứ bị ảnh hưởng trực tiếp.
 
Nhiều nơi chúng tưới chất độc hóa học nhiều lần, nên không sản xuất được, không còn rau, củ để ăn, gây ra nạn đói triền miên. Việc chịu đói, chịu bom pháo, chất độc là việc đối mặt thường xuyên hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lúc đó. Biết là nguy hiểm, nhưng phải ăn gạo, củ, rau, uống nước bị nhiễm độc vì không còn cách nào khác, nên chuyện nhiễm chất độc đối với họ là đương nhiên, tuy mức độ không giống nhau.

Mấy chục năm qua, nhất là sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng - Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương góp phần làm dịu nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, các nhà khoa học, các tôn giáo một mặt lên án tội ác của giặc Mỹ, đồng thời kêu gọi các chính phủ và bạn bè năm châu lên tiếng đòi Mỹ  phải bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam, tạo điều kiện giúp đỡ cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc. Những việc làm nhân ái đó đã động viên cuộc đấu tranh đòi công lý không mệt mỏi của nhân dân ta, tăng cường sự đoàn kết của các nước đối với Việt Nam đang đòi lại sự công bằng cho các nạn nhân da cam.
 
 
Nhiều bệnh tật phát sinh trong đó có nhiều căn bệnh quái ác có liên quan đến chất độc da cam/dioxin.
Nhiều bệnh tật phát sinh trong đó có nhiều căn bệnh quái ác có liên quan đến chất độc da cam/dioxin. (Trong ảnh: Ông Trần Kiệm nằm liệt giường và đứa con trai bị nhiễm chất độc da cam. Ảnh QNĐT)

Cùng với sự ủng hộ khắp nơi trên thế giới, Đảng - Nhà nước, các địa phương đã có những chính sách tạo điều kiện giúp đỡ cho những nạn nhân và gia đình của họ. Ngoài phần hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương, Đảng - Chính phủ còn kêu gọi các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào trong nước, kiều bào nước ngoài đóng góp, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhằm tạo sự chia sẻ của cả cộng đồng, góp phần động viên, an ủi đối với gia đình và các nạn nhân da cam.
 
Sự quan tâm đó được thể hiện nhiều hơn khi mà Chính phủ đã ban hành những quy định, những chính sách đối với những người bị nhiễm chất độc, với một khoản kinh phí bỏ ra hàng năm không nhỏ thể hiện tính nhân văn của Đảng - Nhà nước ta, cũng chính từ đó đã khơi dậy tấm lòng và trách nhiệm cùng sự sẻ chia của toàn xã hội.

Tuy nhiên, trong cái được lớn đó còn có sự thiếu công bằng, mà không ít người tự thấy tủi thân khi đi làm chính sách.

Thực ra không phải ai ở trong vùng bị địch rải chất độc cũng đều được hưởng chính sách. Song do khâu quản lý chưa chặt chẽ, nên có người không ở trong vùng chất độc, không trực tiếp gánh chịu hậu quả, nhưng lại được hưởng chế độ. Ngược lại người bị  chất độc tưới lên người, có nhiều bệnh tật, thường xuyên ốm đau, có người bị ung thư cùng một số bệnh hiểm nghèo khác, lại không nằm trong quy định.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, cả ngàn người đã được hưởng chế độ của Nhà nước. Trong số những người được hưởng đa phần là chính xác, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp do chứng nhận, kê khai không đúng, nên đã lọt vào danh sách, tạo sự bất bình cho nhiều người. Đồng chí Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin của tỉnh cho biết, rất nhiều đơn thư phản ảnh, khiếu nại, nhưng Hội không phải là nơi thực hiện chính sách, nên chờ các cơ quan chức năng xử lí…

Việc đấu tranh để đòi chính phủ Mỹ và các nhà sản xuất chất độc hại này phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại do họ gây ra chưa có kết quả cuối cùng. Riêng việc thực hiện chính sách cho người bị nhiễm chất độc cũng không thể làm xong một sớm một chiều; nhưng phải công bằng, đừng để cho một số ít phần tử xấu lợi dụng làm ảnh hưởng đến chính sách của Đảng - Nhà nước. Những bất hợp lí trong quá trình thực hiện vừa qua nên chăng các cơ quan chức năng cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương nghiên cứu, bổ sung thêm; đồng thời cũng cần kiểm tra xử lí những trường hợp chưa chính xác, nhằm tạo niềm tin trong quần chúng và người bị nhiễm chất độc.       
           
                 Vũ Tùng Vi

.