Chợ bỏ không, dân chiếm đường buôn bán

09:06, 09/06/2011
.

(QNg)- Chợ đã được xây dựng hoàn thành hơn 3 năm thế nhưng các tiểu thương vẫn chưa thể vào mà phải tràn ra đường để buôn bán, gây cản trở giao thông  và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không chỉ có vậy, việc buôn bán tự phát dẫn đến nhiều hệ lụy, gây bức xúc cho người dân.

Chợ bờ đắp Bình Châu (Bình Sơn) được đầu tư xây dựng  năm 2009, với kinh phí 4 tỷ đồng trên nền chợ cũ đã xuống cấp, chật hẹp. Thế nhưng gần 3 năm nay, chợ xây xong nhưng bỏ không, người dân thì không thể nhịn ăn nên chợ vẫn giao dịch ngay trên đường. Nhiều người dân khu vực chợ tạm cho hay, không biết vì sao chính quyền vẫn chưa cho người dân vào buôn bán trong chợ.
 
Nhiều người thừa nhận, việc buôn bán ngay lòng lề đường là công việc bất đắc dĩ, không an toàn lại không ổn định. Đã có trường hợp một bà già bị thiệt mạng vì xe tải đâm phải khi mua thức ăn ngay trên đường. Những vụ tai nạn va quẹt với xe cộ tại khu vực này là thường xuyên, nên cả người bán và người mua đều không yên tâm.
 
Chợ được xây mới đã 3 năm những lại bỏ không.
Chợ được xây mới đã 3 năm những lại bỏ không.

Khu vực buôn bán hiện tại nằm ngay trên Quốc lộ 24B, gần với cảng Sa Kỳ nên hằng ngày có hàng chục chuyến xe tải, xe buýt và người dân vận chuyển hàng hóa ra vào đảo Lý Sơn. Trong khi đó chợ lại đông vào buổi sáng nên tình trạng kẹt xe xảy ra hằng ngày vào buổi sáng, gây ách tắc giao thông nghiệm trọng. Không những thế, vì chợ  tự phát nên rác không có chỗ thu gom. Hàng chục kg rác thải mỗi ngày được  bà con vứt thẳng ra ven đường hoặc thả xuống khu vực neo đậu tàu thuyền cạnh đó. Mùi hôi thối nồng nặc của rác thải bốc lên vào buổi trưa vô cùng khó chịu. 

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết: Để có chỗ buôn bán, xã đã bố trí một khu vực chợ tạm cách đó khoảng 200 mét. Tuy nhiên, người dân vẫn đổ xô xuống khu vực vốn là chợ cá cũ để buôn bán. Địa phương nhiều lần vận động, thậm chí là giải tỏa không cho người dân tràn ra đường buôn bán. Nhưng vì nhu cầu cuộc sống nên chỉ vài ba hôm thì đâu lại vào đấy.
 
Không có nơi buôn bán nên lòng đường trở thành chợ, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Không có nơi buôn bán nên lòng đường trở thành chợ, gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nói về nguyên nhân chợ chưa đi vào hoạt động được, ông Hùng cho hay: Do việc giải quyết tranh chấp đất chưa dứt điểm. Đó là trường hợp của ông Trần Văn Cất, có nhà và đất nằm trong khu vực giải tỏa trong khuôn viên chợ. Địa phương đã tiến hành thương lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình ông Cất di dời ra khu tái định cư, nhưng ông cho rằng việc đền bù chưa thỏa đáng nên không chịu di dời. Về trường hợp này, xã đang đề nghị cơ quan chức năng của huyện chỉ đạo để sớm giải quyết.

Tuy nhiên đến thời điểm nào giải quyết xong, để nghiệm thu đưa chợ vào hoạt động thì ông Hùng cho rằng chưa biết đến khi nào? Thiết nghĩ cần có biện pháp kiên quyết để không thể một người làm liên lụy đến lợi ích chung của người dân cả khu vực.

Bài, ảnh: X.Thiên

.