Khai thác san hô ở vùng ven biển: Chưa có hồi kết!

07:04, 30/04/2011
.

(QNg)- Tình trạng khai thác đá vôi trái phép gây sạt lở bờ biển, ảnh hưởng môi trường các vùng ven biển vẫn tiếp diễn ở tỉnh ta, dù Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị định 31/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản.
 
Mới đây, UBND tỉnh đã ra quyết định nghiêm cấm mọi hành vi khai thác, hủy hoại, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loại rạn đá ngầm, san hô hoặc rạn san hô và các hệ sinh cảnh khác dưới mọi hình thức, song tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán đá vôi trên địa bàn tỉnh xem ra vẫn chưa có hồi kết.

SIẾT CHẶT NHƯNG SAN HÔ VẪN... “BIẾN”!

Chúng tôi trở lại xã Bình Hải (Bình Sơn), “điểm nóng” khai thác đá san hô một ngày trung tuần tháng tư. Mặc dù đang mùa nắng nóng nhưng “liên quân” công an, bộ đội và lực lượng dân quân tự vệ xã Bình Hải vẫn chia kíp (mỗi kíp 5 người) túc trực hiện trường. Thế nhưng đội quân khai thác san hô vẫn không hề ngại, thậm chí lượng san hô khai thác còn tăng nhanh hơn.
 
Đá san hô bị tạm giữ ở UBND xã Bình Hải.
Đá san hô bị tạm giữ ở UBND xã Bình Hải.
“Nếu như từ tháng 8 năm 2010 đến nay các cơ quan chức năng xã Bình Hải bắt quả tang gần 20 vụ khai thác, vận chuyển gần 50 khối san hô tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, thì chỉ trong vòng 1 tuần giữa tháng tư này, anh em đã bắt, tập kết về trụ sở xã 24 mét khối đá san hô. Dù anh em chia ca để trực nhưng họ vẫn lén lút khai thác”-anh Võ Văn Chương, dân quân xã Bình Hải, cho  tôi hay.

Tình trạng khai thác đá san hô bắt đầu “rộ” lên khi phong trào “chơi” cây cảnh tăng cao trong thời gian gần đây. Ở Quảng Ngãi, điểm nóng nằm ở vùng biển thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải. Khi nhu cầu tăng mạnh, nhiều người dân “sẵn sàng cung cấp” bởi nguồn thu từ việc khai thác san hô cao ngất ngưởng.
 
Theo người dân xã Bình Hải, mỗi khối đá san hô bán tại biển có giá gần một triệu đồng, nên nếu làm cật lực thì mỗi ngày mỗi người khai thác đá cũng kiếm được gần nửa triệu bạc. Lãnh đạo xã Bình Hải cho biết, từ khi Nghị định 31/2010/NĐ-CP có hiệu lực, ủy ban xã đã đến tận thôn phổ biến văn bản này, nhưng do mối lợi lớn, trong khi mức xử phạt của xã chưa đủ mức răn đe, nên tình trạng khai thác, mua bán đá san hô vẫn tiếp diễn.

Không chỉ người khai thác được lợi, mà những người có phương tiện vận tải cũng “được ăn theo”. Tính chi phí mỗi chuyến “tải” hàng đến nơi, chủ phương tiện thu cước cả triệu đồng/đêm. Chính sự tiếp tay của nhiều chủ phương tiện nên việc mua bán càng thuận lợi cho nhiều thương lái, làm cho tình trạng khai thác, mua bán san hô càng thêm “sôi động”.

KHÓ DO ĐÂU?

Theo Nghị định 31/2010/ NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản thì hành vi vận chuyển, khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, san hô sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng; đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Thế nhưng thực tế tại nhiều địa phương, việc xử phạt cũng không hề dễ.
 
Lý giải vấn đề này lãnh đạo xã Bình Hải cho biết: Theo quy định thì xã chỉ được xử phạt mức 2 triệu đồng. Mức vi phạm từ 5-10 triệu xã không xử được. Nghị định 31 ghi rõ, nếu vượt quá thẩm quyền phải chuyển cho cơ quan cấp trên xử lý và buộc đối tượng vi phạm phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (nghĩa là đưa tất cả san hô trả lại biển). Thế nhưng từ trước đến nay xã và huyện chưa phối hợp, nên đành chịu. Chính điều đó gây khó cho xã trong quá trình xử lý. Với những vụ vi phạm vừa qua, xã chỉ lập biên bản tạm giữ phương tiện và tang vật mà thôi.

Cũng có chức năng xử phạt hành vi vận chuyển, mua bán san hô trái phép, lực lượng quản lý thị trường đã tích cực vào cuộc bằng kế hoạch riêng nên từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã bắt 7 vụ vận chuyển san hô trái phép. Mặc dù vậy lực lượng này cũng không thể ngăn chặn hết khối lượng lớn san hô “chảy” về các vườn cây cảnh.
 
Ông Võ Minh Tâm-Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ngãi thừa nhận: Các đội của lực lượng quản lý thị trường bắt giữ nhiều vụ, nhưng tính chất ngày càng phức tạp, ngoài nguồn san hô trong tỉnh còn có nguồn ngoài tỉnh vào. Đối tượng thường vận chuyển ban đêm, trong khi công tác phối hợp giữa các ngành chức năng và các địa phương còn lỏng lẻo.

Ngoài ra cũng cần thấy thêm rằng việc xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán chỉ xảy ra ở... “phần ngọn”. Trong khi “đích đến” của san hô là các “vựa” cây cảnh thì chẳng hề bị xử lý. Một khi chưa xử lý rốt ráo sự tiếp tay này thì san hô sẽ có nhiều đường đi để đến với các vườn cây cảnh!

HỆ LỤY TRƯỚC MẮT:

Theo lời ngư dân thì các rạn san hô là nơi trú ngụ, sinh sản của hàng ngàn loài cá, vô số loài động vật thân mềm, đồng thời nó có tác dụng làm lá chắn để bảo vệ bờ biển. Tuy nhiên trong thời gian qua, người dân ở các xã ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đổ xô khai thác san hô, đã làm hủy hoại môi trường sinh thái biển và là một trong những nguyên nhân làm cho triều cường xâm thực ngày càng nghiêm trọng, gia tăng nạn sạt lở.
 
Tại vùng biển Thanh Thủy, gành san hô đang bị “đẽo” dần, khiến cho những năm gần đây, nạn triều cường xâm thực vùng ven biển xã Bình Hải ngày càng nghiêm trọng. Sau Tết Tân Mão đến nay triều cường đã lấn sâu vào thôn An Cường đã vài chục mét, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân. Đấy là chưa kể đời sống của các hộ gia đình ngư dân sống cậy vào khai thác hải sản ven bờ cũng bị ảnh hưởng, bởi môi trường sống của các loại thủy sản đã và đang bị hủy hoại.

H.T

.