Ba Xa: Mong lắm những chiếc cầu

10:02, 11/02/2011
.

(QNg)- Một mùa xuân mới nữa lại về, nhưng ở xã Ba Xa (Ba Tơ) có một điều dường như đã rất cũ: Nhiều giáo viên và học sinh nơi đây hàng ngày phải lội sông đến trường. Và bao năm qua, giấc mơ về những cây cầu cứ đau đáu trong lòng người dân Ba Xa.

GIAN NAN ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG
Chẳng đâu như ở Ba Xa, các dòng sông cứ "phân công" nhau ngăn cách các thôn. Sông Re, sông Nước Lăng hay suối Nước Chạch cứ chằn chặn chia nhỏ Ba Xa thành "từng mảnh". Hầu như điểm trường nào ở đây cũng có học sinh băng sông “tầm” chữ.
 
Nào, mình cùng lội sông tìm chữ!
Nào, mình cùng lội sông tìm chữ!

Trường tiểu học Ba Xa gồm 5 điểm trường, với số học sinh chưa đến 400 em, thì đã có gần một nửa phải lội sông đi học. Thầy giáo Phạm Văn Nía- Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Xa, cho biết: Hầu hết các em học sinh nhà đều xa trường học. Mùa nắng các em đến trường còn có phần dễ dàng, nhưng thời gian ấy các em được... nghỉ hè. Còn khi mùa mưa lũ đến, các dòng sông, con suối nơi đây đang "ra sức" thể hiện sự hung hãn của mình, thì việc dạy và học của thầy và trò ở Ba Xa thật sự gian nan.

Nước sông, suối dâng cao, học sinh bên kia sông phải nghỉ học nhiều ngày, kế hoạch giảng dạy của nhà trường lại phải thay đổi cho phù hợp và bố trí dạy bù ngay khi có thể, để các em có thể theo được chương trình. Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa lũ, nhà trường liên tục phải nhắc nhở phụ huynh phải đưa con em mình qua sông, không được để chúng đi một mình. Và cũng thật may mắn, nhiều năm qua chưa có một tai nạn đáng tiếc nào xảy ra.

Nhìn cậu học sinh Phạm Văn Kin đã học đến lớp 3, nhưng người nhỏ thó, vậy mà hàng ngày cậu phải lội sông đến trường, chúng tôi không khỏi xót xa. Nhà Kin ở thôn Vã Ha, cách trường gần 3 cây số, nhưng đi bộ đường xa cũng không làm Kin ngại bằng lội sông, suối. Kin kể tôi nghe từng tiếng rành rọt, bằng chất giọng thật thà của người Hrê: Từ nhà đến trường, Kin đi qua con suối Nước Chạch, con sông Nước Lăng và ngược vài con dốc. Nhưng có lẽ leo dốc Kin chẳng sợ bằng việc Kin phải lội sông.

Ở Ba Xa, không chỉ riêng Kin mà hàng ngày, rất nhiều các cô bé, cậu bé phải dò dẫm từng bước băng sông, lội suối. Em nào cũng vậy, qua được bên kia sông thì dù quần đã được xắn cao, nhưng cũng đã ướt mất một nửa. Khi đi học, các em luôn mang theo một bộ đồ cũ, để đến các con sông, con suối lại mặc vào lội qua. Sau đó các em lại phải thay đồng phục học sinh vào và vội vã đến lớp học. Mỗi mùa mưa về, trong cái lạnh như cắt da, cắt thịt của vùng núi cao, khó mà đòi hỏi ở các em sự tập trung học tập khi thân thể sũng nước. Và có lẽ, những học sinh chăm chỉ đến trường tất cả đều xứng đáng đạt... điểm 10. 

Trò cực khổ như thế, thầy cũng vất vả chẳng kém. Quả là gieo chữ trên cao có lắm gian nan. Cô giáo Huỳnh Thị Thúy mới bước vào nghề đã phải thấm thía cái sự thật "hiển nhiên" ấy. Học trò lội sông thì Thúy cũng phải lội sông. Từ điểm trường chính ở thôn Nước Như, mỗi ngày Thúy phải vượt hơn 5 cây số đường để đến điểm trường nơi Thúy dạy. "Nhiều buổi lội sông, đến được trường nhưng lạnh quá, chẳng dạy nổi"- Thúy chia sẻ.

GIẤC MƠ VỀ NHỮNG CÂY CẦU
Buổi học vừa tan, từng nhóm học sinh hối hả trở về nhà. Nhìn các em học sinh dắt tay nhau lần lượt qua sông, chúng tôi thấy nhói lòng. Anh Đinh Nam Oang- Chủ tịch UBND xã Ba Xa, cho biết: Tình trạng các em học sinh phải vượt sông, suối đến trường, nhất là vào mùa mưa lũ rất nguy hiểm. Nhiều lần xã đã kiến nghị với UBND huyện xin kinh phí xây cầu, nhưng vì thiếu vốn, nên công việc xây cầu vẫn chưa thể tiến hành.

Những năm gần đây nhờ các chương trình hỗ trợ phát triển của chính phủ, Ba Xa đã thật sự thay da đổi thịt. Có lẽ ước vọng thoát nghèo của người dân nơi đây sẽ sớm trở thành sự thật, nhưng giấc mơ về những chiếc cầu nối đôi bờ tri thức vẫn mòn mỏi trong tâm trí mỗi người. Năm tháng cứ trôi, hàng trăm đứa trẻ hằng ngày vẫn đến trường bằng bước chân trần băng sông. Nhìn cảnh ấy ai cũng ước mơ làm sao có những cây cầu bắc qua các con sông, con suối cho các em đến trường được an toàn, người dân được đi lại thuận tiện hơn. Khát vọng cây cầu ở vùng cao Ba Xa vẫn đang canh cánh từng ngày...

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

.