Xóa đói, giảm nghèo ở Trà Tân: Còn nhiều nan giải!

11:12, 09/12/2010
.

(QNg)- Trà Tân là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng, với hầu hết dân trong xã là đồng bào Cor. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thế nhưng diện tích sản xuất lúa nước không đến 80 ha. Do vậy, con đường xóa đói, giảm nghèo cho bà con rất nan giải, hiện toàn xã còn tới 78% hộ nghèo.

Trao đổi với lãnh đạo xã Trà Tân, chúng tôi được biết: Vì cách xa trung tâm huyện, địa hình đồi núi hiểm trở, mưa lũ thường làm sạt lở đường sá nên việc giao lưu, buôn bán và phát triển kinh tế của địa phương gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là trình độ dân trí thấp nên tình trạng đói nghèo luôn đeo bám bà con. Từ thực tế đó, trong 5 năm (2006-2010), thông qua các Chương trình 134, 135, 167, WB..., các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện đã đầu tư cho Trà Tân 7 tỷ đồng xây dựng giao thông, thủy lợi, trường học, nước sinh hoạt, trạm y tế, điện chiếu sáng...
 
 Khi đập dâng Đồng Giang đưa vào sử dụng sẽ góp phần làm tăng năng suất cây trồng vật nuôi của xã Trà Tân.
Khi đập dâng Đồng Giang đưa vào sử dụng sẽ góp phần làm tăng năng suất cây trồng vật nuôi của xã Trà Tân.

Các công trình này đã phần nào giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Tận dụng các chương trình, chính sách trên, xã Trà Tân đã có nhiều phương thức giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế như: Các hội đoàn thể, chính quyền hướng dẫn 7 hộ gia đình làm thủ tục vay vốn ngân hàng 255 triệu đồng đi xuất khẩu lao động; hàng trăm hộ gia đình vay vốn các ngân hàng để sản xuất kinh doanh, với số tiền 2,54 tỷ đồng, vay vốn từ dự án WB3 2,58 tỷ đồng...

Để bà con sử dụng vốn vay có hiệu quả, lãnh đạo xã Trà Tân phối hợp với cán bộ trạm khuyến nông huyện tổ chức mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật làm lúa nước, đào ao nuôi cá, trồng rừng và chăn nuôi... Mặt khác các cấp uỷ, chính quyền còn tăng cường vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, đưa các giống lúa mới vào sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Xã vận động nhân dân gieo sạ các giống lúa mới, lúa lai nên năng suất ngày một tăng. Nếu như trước năm 2000, năng suất bình quân không đến 20 tạ/ha, thì nay đã đạt trên 30tạ/ha, năng suất cây ngô cũng tăng lên 20 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người đạt 168 kg/người/năm. Những chuyển biến trên là điều đáng được ghi nhận, nhưng tỷ lệ hộ trên địa bàn xã còn khá cao với 78% hộ nghèo đang là điều trăn trở của lãnh đạo xã Trà Tân, cũng như lãnh đạo huyện Trà Bồng.

Trong xã, tuy nhiều hộ dân đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất như bón phân, phun thuốc trừ sâu phòng trừ sâu bệnh trong sản xuất nông nghiệp, nhưng hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại vẫn còn thấp. Trước đây, một số người dân đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa như nuôi heo hướng nạc, chăn nuôi bò lai sind... Nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chăn nuôi, dẫn đến đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh.

Tính đến cuối năm 2010, toàn xã có 48 con trâu, 630 con bò, 450 con heo và đàn gia cầm không đến 1.000 con. Các mô hình kinh tế vườn, rừng tuy được nhân rộng, nhưng việc đầu tư, thâm canh chưa tốt. Đặc biệt là mùa mưa bão năm 2009 đã làm trên 700 ha rừng nguyên liệu của bà con sắp đến kỳ thu hoạch bị gãy ngã, dẫn đến hiệu quả và thu nhập chưa cao. Công tác xã hội hóa giáo dục tuy được chính quyền và nhân dân quan tâm, nhưng do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, điều kiện đi lại không thuận tiện nên tình trạng học sinh đi học "giã gạo" vẫn còn xảy ra.

Để giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, nhân dân Trà Tân mong huyện Trà Bồng đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường từ xã về các thôn để việc đi lại được thuận tiện. Các chương trình y tế, dân số, gia đình ở các thôn vùng sâu, vùng xa cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Đặc biệt là huyện cần có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ hơn nữa để bà con Trà Tân vươn lên phát triển kinh tế - xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Bá Sơn

.