Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

03:12, 30/12/2010
.

(QNg)- Hiện có quá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy tại Quảng Ngãi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khoẻ nhân dân địa phương, buộc ngành chức năng phải tiến hành kiểm tra, xử phạt, thì Công ty Doosan Việt Nam và Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi đã tìm mọi cách để giảm thiểu sự ô nhiễm. Đây là điểm sáng đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ môi trường của tỉnh ta năm qua...

Những ngày cuối năm 2010, chúng tôi đã đi thực tế và trao đổi với giám đốc các công ty, nhà máy này. Họ đã chia sẻ với tôi suy nghĩ: Muốn phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường...

Bảo vệ môi trường - chuyện sống còn của Nhà máy
Cuối năm 2010, Nhà máy mì Tịnh Phong đang trong giai đoạn chạy hết công suất chế biến 650 tấn củ mì tươi/ngày. Trước sân Nhà máy những đống mì (sắn) chất cao như núi. Dạo một vòng quanh khu vực Nhà máy, chúng tôi thấy không khí đã trong lành hơn trước rất nhiều.
 
Công ty Doosan Vina đầu tư hệ thống thu khí thải đảm bảo quá trình hoạt động.
Công ty Doosan Vina đầu tư hệ thống thu khí thải đảm bảo quá trình hoạt động.

Anh Trần Ngọc Hải - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, Giám đốc Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi đưa chúng tôi ra khu vực xử lý nước thải, với nhiều bể có phủ bạt phía trên.

Anh giải thích: "Tất cả nguồn nước thải của Nhà máy đều được xử lý qua hệ thống UASB, Cigar và 6 hồ sinh học này. Đầu tiên là nguồn nước thải từ Nhà máy được thu gom tại bể điều hòa và bơm vào bể axít, rồi tiếp tục bơm sang các bể chính là UASB và Cigar.

Từ các bể kín này được xử lý kỵ khí có thu khí Biogas, hiệu suất xử lý khoảng 90-95%; nước được thải ra từ các bể này tiếp tục được xử lý bằng hệ thống hồ sinh học qua 4 hồ tùy nghi và 2 hồ hiếu khí, mới thải ra ngoài, đạt cột B theo QCVN 24: 2009/BTNMT. Bây giờ nhà máy chúng tôi xử lý nước thải theo hệ thống UASB và Cigar nên yên tâm lắm, vừa giữ được môi trường trong lành, vừa thu được lợi nhuận từ khí Biogas của hệ thống tạo nên".

Khi mới thành lập và đi vào hoạt động chừng vài năm, cán bộ, nhân viên của Nhà máy tưởng chừng phải chuyển đi nơi khác, hay phải dừng sản xuất hẳn. Bởi nguồn nước thải lúc đó chỉ xử lý theo công nghệ vi sinh (xử lý bằng hệ thống hồ sinh học hở, nên bay mùi hôi ra môi trường -PV), nên gây mùi hôi thối. Nước thải từ Nhà máy chảy ra đã làm cho nước các con suối quanh khu vực đen xì. Người dân xã Tịnh Phong sau khi phản đối Nhà máy đã liên tục gửi đơn phản ánh với huyện Sơn Tịnh và cơ quan chức năng trong tỉnh.

Trước thực tế này, Công ty đã tự nghiên cứu và sang nhiều nước: Trung Quốc, Thái Lan (nơi sản xuất tinh bột mì) để tìm giải pháp xử lý. Năm 2006 Công ty quyết định đầu tư hệ thống UASB - Biogas để xử lý nguồn nước thải theo công nghệ USAB (Thái Lan). Hệ thống đã xử lý được nguồn nước thải, giảm được mùi hôi, lấy được khí gas để đốt sấy mì, nhưng tốn quá nhiều kinh phí (29 tỷ đồng).

Trong khi đó Nhà máy luôn mở rộng vùng nguyên liệu và nâng dần công suất chế biến lên cao, nên hệ thống Biogas cũng không thể xử lý hết được. Tổng công ty, Ban giám đốc và cán bộ kỹ thuật về môi trường đã có nhiều cuộc họp bàn bạc và nhận ra đây là vấn đề sống còn của Nhà máy, nếu không xử lý được thì coi như thất bại. Và từ trong khó khăn đó, họ đã tìm ra cách chọn lựa, cải tiến là dựa trên công nghệ hầm Biogas nghiên cứu cải tạo thành các hồ Cigar phủ bạt để lấy khí gas làm chất đốt, nhưng không tốn nhiều chi phí như hầm Biogas.

Qua thời gian dài nghiên cứu, cuối cùng Nhà máy đã tìm ra cách xử lý môi trường theo hướng mới. Từ thành công đó bây giờ Nhà máy đã có hệ thống Cigar 1 và Cigar 2 xử lý với công suất 3.500m3 nước thải/ngày; hệ thống hầm Biogas vẫn còn xử lý được 3.450m3/ngày.

Có các hệ thống xử lý này nên vào chính vụ, Nhà máy đã sản xuất hết công suất (650 tấn nguyên liệu/ngày), đã xử lý đạt từ 86 - 97% lượng nước thải 3.000 - 3.600m3/ngày, thu khí đốt sấy mì làm lợi cho Công ty từ 3-4 tỷ đồng (thay dầu, than đá hằng năm). Bây giờ Nhà máy không chỉ xử lý được mùi hôi, mà dòng nước ở suối Kinh chảy quanh nhà máy cũng không còn đen ngòm. Theo nhiều người dân phản ánh: Môi trường nơi đây đã đỡ hơn trước nhiều.

Nếu như sản xuất chế biến tinh bột mì luôn lo ngại nguồn nước thải, thì Nhà máy công nghiệp nặng Công ty Doosan Vina lại lo ngại nhiều về các chất thải rắn, khí và nước; nếu không xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Ngay từ đầu song hành xây dựng trụ sở, Công ty Doosan Vina đã tính toán đến công tác bảo vệ môi trường. Khi 5 nhà máy đi vào hoạt động thì cũng là lúc Công ty đã hợp đồng với Công ty CP cơ điện môi trường Lilama thu gom nguồn rác thải sinh hoạt (với lượng 21 tấn/tháng); còn nguồn rác thải nguy hại thì Công ty Doosan hợp đồng với Công ty môi trường xanh xử lý khoảng 42 tấn/tháng. Trước khi thu gom, Công ty đã bố trí 228 thùng đựng rác quanh các khu vực công ty, để bộ phận hợp đồng dễ thu gom nguồn rác.

 Đi đôi với việc xử lý nguồn rác thải, Công ty đã đầu tư 15 hệ thống xử lý khí thải theo công nghệ lọc túi. Công ty thực hiện phân tích 4 lần/năm, đều đạt theo yêu cầu quy chuẩn hiện hành. Trong đó khí thải xung quanh đã đạt theo quy chuẩn QCVN05: 2009/BTNMT; khí tại nguồn đạt QCVN19: 2009/BTNMT; Công ty còn đầu tư 4 hệ thống xử lý nước sản xuất và sinh hoạt đều đạt hiệu quả.

 Ông Nguyễn Quốc Tân - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Quảng Ngãi cho rằng: Qua kết quả quan trắc môi trường định kỳ hằng năm cho thấy, Công ty Doosan và Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi có các thông số đều đạt chuẩn.

 Không chấp nhận kiểu "ăn xổi, ở thì"
Ông Moon Jong Gi - Trưởng Phòng Môi trường - sức khỏe - an toàn thuộc Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho biết: Bất cứ một doanh nghiệp nào khi xây dựng nhà máy đều phải có bản cam kết bảo vệ môi trường và đánh giá tác động môi trường. Tuy vậy vấn đề là họ có thực hiện đúng cam kết đã nêu hay không. Với quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện tốt thì mới có thể làm ăn lâu dài được. Vả lại còn là uy tín nữa...".

Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam là công ty con  của Tập đoàn Doosan, đã thực hiện nghiêm ngặt những quy định  mà Tập đoàn đề ra là phải có môi trường làm việc trong lành, an toàn, nhân viên không được đau bệnh...

Hằng năm ngoài đoàn thanh tra môi trường của tỉnh kiểm tra, đoàn kiểm tra của Tập đoàn Doosan cũng thường kiểm tra nhắc nhở, nếu  vi phạm thì tập đoàn  sẽ xử phạt nặng Công ty. Chính vì vậy mà  vấn đề bảo vệ môi trường ở đây được thực hiện hết sức nghiêm ngặt. Công ty đã đạt tiêu chuẩn quốc tế Iso 14001:2004 về môi trường và đạt chứng chỉ OHSAS 18001:2007 về quản lý an toàn sức khỏe...

Từ thực tế bảo vệ môi trường của Nhà máy chế biến tinh bột mì Quảng Ngãi và Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam cho thấy, bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng và cần thiết.  Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải quan tâm nhân rộng các mô hình này; đồng thời xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm cam kết bảo vệ môi trường. Còn về phía các nhà đầu tư, nếu không hoạt động theo kiểu " ăn xổi ở thì" thì cần phải chú trọng hơn việc xử lý môi trường, để đảm bảo việc sản xuất của mình và bảo vệ sức khoẻ người dân khu vực xung quanh nhà máy.

MAI HẠ

.