Làng xa vợ...

03:11, 30/11/2010
.

(QNĐT)- Họ tự nguyện gánh vác mọi việc trong gia đình để vợ vào nơi đất khách kiếm tiền lo cho tương lai của các con. Và cứ đêm về, những người đàn ông xa vợ ở làng Bàu Láng, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ lại ôm gối mỏi mòn nhớ  về bóng dáng người vợ thân thương đang nặng nợ áo cơm nơi đất Sài Thành.
         
* Những người "mồ côi"…  vợ

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng anh Bùi Mày ở làng Bàu Láng, xã Phổ Cường vẫn không thể nào quên được ngày đầu tiên vợ anh rời làng vào TP. Hồ Chí Minh bán vé số dạo. Nhìn vợ bước chân ra đi với dòng lệ chứa chan, lòng anh quặn thắt. Nhưng cứ bám vào mấy mảnh ruộng bạc màu thì biết lấy gì mà sống? Cả làng đều phải chịu cảnh chia ly để tìm kế sinh nhai chứ đâu chỉ riêng vợ chồng anh!
        
Thời gian đầu, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Anh vừa phải lo việc đồng áng, heo gà cộng với việc chăm sóc 2 con nhỏ. Nỗi buồn luôn bám lấy anh, nhất là đứa nhỏ vừa tròn tuổi cứ khóc suốt vì thiếu sữa và vắng hơi mẹ. Rồi cả những khi con trẻ ấm mình, anh chỉ biết ôm con vào lòng, lời ru khản giọng theo từng dòng lệ. Nhiều lúc, anh thẫn thờ chưa vội bóc thư vợ ra xem vì biết trong đó là những dòng chữ chứa đầy sự nhớ thương và đẫm nước mắt.

Vì không chịu nổi, nên chỉ một vài tháng thì chị lại về thăm nhà. Nhưng sau đó, chị cố gắng bám trụ luôn cả năm, chỉ đến ngày Tết mới về dăm hôm rồi lại tất tả ra đi. Thậm chí, có nhiều khi chị còn trụ lại bán luôn trong dịp Tết vì thu nhập cao hơn ngày thường. Pha chút bông đùa nhưng giọng anh lại trầm xuống: Tui như kẻ mồ côi vợ đấy chú à!
Mưu sinh qua những tấm vé số.
Mưu sinh qua những tấm vé số.
Trên vai vác nông cụ, anh Huỳnh Đình Khánh xoắn quần chạy bộ với tốc độ “xe máy”. Anh vội vã về nhà để lo cơm cho các con đi học buổi chiều. Vợ anh là chị Lê Thị Phượng đang bán vé số tận TP. Hồ Chí Minh. Cưới nhau hơn 18 năm thì gần nửa ngần ấy thời gian anh phải xa vợ. Với những động tác bếp núc khá thuần thục, anh mỉm cười cho biết: Thời gian đầu cũng khá vất vả, nhưng giờ thì quen rồi.

Anh tâm sự: Suốt ngày, tui luôn tìm việc để làm và đến tối thì lại dán mắt vào xem truyền hình cho nguôi ngoai nỗi nhớ. Cứ trông mau đến Tết để cả gia đình được sum họp. Những cái Tết vắng vợ, mỗi khi xuống đến bếp là lại chảy nước mắt.

Vợ chồng ông Nguyễn Vàng và bà Bùi Thị Muôn cũng đã có hơn 17 năm xa cách. Bà Muôn phải cuốc bộ cả ngày để bán từng tấm vé số nuôi 4 người con học đại học. Ở quê, ngoài việc chăm sóc mấy sào ruộng lúa và chăn nuôi heo, gà, ông Vàng còn tranh thủ thời gian đi làm thuê mọi việc mỗi khi ai có nhu cầu.

Anh Nguyễn Hữu Dũng - Công an viên xã Phổ Cường, người cũng có vợ đi bán vé số cho biết: Trong làng hầu hết phụ nữ đi bán vé số dạo tại TP. Hồ Chí Minh. Nhiều phụ nữ có thâm niên bán vé số hàng chục năm trời. Do cùng chung cảnh ngộ nên cánh đàn ông tụi tui luôn thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nếu ai đi chợ thì mua giùm thức ăn cho cả những người bận việc. Nhà anh nào có việc thì chỉ cần “ới một tiếng” là xong ngay.

Giải thích về việc ở lại quê để vợ đi xa, các anh đều cho rằng, không biết vì sợ uy của bố hay thương sự vất vả của mẹ mà hầu hết các cháu “gần bố, vắng mẹ” đều chăm ngoan, học giỏi.

Thật vậy, theo số liệu thống kê của Ban Công an xã Phổ Cường thì hầu hết trẻ vị thành niên trong xã có hành vi phạm pháp thường có cha hoặc cả cha lẫn mẹ đi làm ăn xa.

* Mùa quả ngọt

Trời không phụ lòng người, sau bao năm chấp nhận sự xa cách, vợ chồng anh Mày đã có được căn nhà cấp 4 khang trang cùng những vật dụng đắt tiền. Con đầu của anh chị hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp IV TP. Hồ Chí Minh; con thứ hai đang nhập ngũ trong quân đội và đứa con út là học sinh giỏi nhiều năm liền của Trường THCS Phổ Cường.
 
Anh Khánh chuẩn bị bữa cơm cho các con.
Anh Khánh chuẩn bị bữa cơm cho các con.

Sau nhiều năm xa cách, vợ chồng anh Khánh cũng đã xây được căn nhà cùng với những vật dụng trị giá hàng trăm triệu đồng. Hai con của anh chị cũng rất chăm ngoan, học giỏi.

Hơn 17 năm trời cách biệt, vợ chồng ông Nguyễn Vàng và Bùi Thị Muôn đã nuôi được cả 4 người con tốt nghiệp đại học. Hiện tại, các con của ông bà đã có công ăn việc làm ổn định. Bên cạnh đó, vợ chồng ông cũng dành dụm xây căn nhà, mua sắm được một số vật dụng trong gia đình.

Không gì hạnh phúc hơn khi các con đã trưởng thành, nhất là trong các dịp lễ, Tết, con cháu tụ họp đầy nhà. Ông thổ lộ: Có vất vả nuôi con ăn học trưởng thành mới thấy được cuộc sống thật là thú vị chú à!
 
Nhưng khi được hỏi về mong muốn của mình, những người đàn ông ở ngôi làng này chỉ lắc đầu mỉm cười: Hỏi như thế thì chắc là chưa có vợ?
                                               
                         Bài, ảnh: Trang Thy

.