Ấm lòng quỹ hội Đèo Rơn

02:10, 14/10/2010
.

(QNĐT)- Thật khó tưởng tượng rằng ở nơi được xem là “thâm sơn cùng cốc”, với 100% số hộ là đồng bào H’re của một huyện nghèo như Sơn Hà, đã lập quỹ để tương trợ giúp đỡ nhau và duy trì suốt hơn 10 năm qua.

Ông Đinh Tấn Ôn (60 tuổi), cựu thôn trưởng, kiêm Chi hội trưởng nông dân Đèo Rơn, xã Sơn Hạ- người đầu tiên khởi xướng và lập ra quĩ này, kể: Vào khoảng năm 1999, một lần có việc đi ngang qua nhà Đinh Văn Xiên, nhìn thấy nó đang ngồi một mình trước hiên nhà nên ghé vào hỏi thăm và biết được, vợ nó bị ốm phải đưa xuống bệnh viện tỉnh để chữa được hơn 10 ngày. Tiền thuốc men thì đã có nhà nước lo rồi, nhưng tiền ăn uống khi xuống bệnh viện ở để nuôi vợ thì đã hết sạch.
 
Đàn bò của ông Đinh Văn Lật được gầy dựng từ số tiền ít ỏi mượn từ quỹ Hội.
Đàn bò của ông Đinh Văn Lật được gầy dựng từ số tiền ít ỏi mượn từ quỹ Hội.

Rồi có lần nghe bà Đinh Thị Qua nói muốn mua một con bò nhỏ để nuôi, nhưng thiếu gần 500.000 đồng… làm cho ông chợt nhớ đến cái lần họp tại xã trước đó không lâu, nghe cán bộ trên huyện nói đến chuyện vận động các hộ dân trong thôn đóng góp lập quỹ để giúp nhau.

Thế là ông đem suy nghĩ trong bụng đến hỏi cán bộ nông dân xã và họ đồng ý nên ông bắt tay vào làm.

Thế nhưng hồi đó đồng bào đây ở nghèo lắm, nên làm gì có tiền để nộp, vì vậy ông mới nghĩ ra cách bảo họ góp lúa. Ai có nhiều thì nộp 2-3 ang, người ít thì 1 ang, còn nghèo quá không có thì thôi. Cộng lại có khoảng 180/200 nhà trong thôn đóng góp được gần 400 ang. Và số lúa đó được giao cho Chi hội trưởng của thôn giữ “tay hòm chìa khoá”.

“Tích tiểu thành đại”, một thời gian sau, số quỹ ngày một tăng dần, có thời điểm số lúa của quĩ lên đến 1000 ang, còn tiền gần 15 triệu đồng.

Bất cứ hộ nào trong thôn ai thiếu cái ăn thì đến hỏi mượn: Người 4-7 ang, kẻ 10-15 ang. Đến vụ gặt thì phơi khô và đem đến nhà Chi hội trưởng trả lại.

Khoảng 3 năm sau, khi thấy số lúa góp nhiều, nên ông bàn với mọi người bán một số để mua con bò nhỏ để nuôi. Hơn 1 năm sau, bò lớn và đẻ con, thế là đem bán bò lớn được hơn 10 triệu đồng…Từ đó ngoài lúa, các hội viên còn được cho mượn tiền, ông Ôn cho biết.

Già Đinh Văn Lật (58 tuổi), chậm rãi: Nhờ có quỹ mà nhiều gia đình trong thôn, làng cái bụng không còn bị đói, mỗi khi cây lúa trên nương còn xanh. Và có tiền mua hạt giống về trồng, mua con gà để nuôi, như gia đình bà Đinh Thị Tươi, ông Đinh Tiên, Đinh Văn Xiên...

Khi nghe hỏi: Đã có bao nhiêu lượt người đã được cho mượn lúa, tiền,  ông Ôn lắc đầu: Không nhớ cụ thể được. Chỉ biết phải đếm hết 2 bàn tay nhiều lần cũng chưa hết.

Và điều đáng quý là tuy việc mượn chỉ giao kèo bằng miệng và hầu hết là nghèo, thế nhưng chưa xảy ra bất kì trường hợp nào “quỵt nợ”, không trả. Nếu có thì do thấy gia đình được mượn nghèo khó quá, nên được mọi người xoá nợ, ông Ôn bày tỏ.

Mấy năm gần đây, nhờ sự đầu tư và hỗ trợ từ các cấp, ngành của tỉnh và T.Ư, cho nên cuộc sống của người dân miền núi nói chung và Hội viên nông dân ở Chi hội thôn Đèo Rơn nói riêng, đã khá giả hơn. Cho nên số hộ đến hỏi mượn lúa, tiền từ quĩ đã không nhiều như trước, thế nhưng Quỹ Hội của Đèo Rơn vẫn còn duy trì cho đến tận bây giờ.
 
Một góc thôn Đèo Rơn
Một góc thôn Đèo Rơn.

Ông Đinh Văn Tốt Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hạ cho biết: Vài ba năm nay, mỗi khi họp làng, hay Chi hội, các hội viên lại trích ra một ít để góp, hoặc mua trà thuốc cho những người đến dự, vì vậy số tiền quĩ đã ít đi. Hiện lúa còn khoảng 250 ang, tiền thì hơn 3 triệu đồng. Khi nào hết thì người dân sẽ góp vào, hội viên Đinh Văn Gieo (38 tuổi), nói.

                    Công Hoàng

.