UBND huyện Trà Bồng thiếu trách nhiệm với người dân Khu TĐC Hà Nang

10:08, 11/08/2010
.

(QNg) - Gần 3 năm nay, 540 người dân thôn 4 và một phần của thôn 1, xã Trà Thuỷ (Trà Bồng) phải di dời để nhường đất xây dựng thuỷ điện Hà Nang vẫn chưa được UBND huyện Trà Bồng cấp đất sản xuất. Vì lẽ đó, để có thể sinh sống nơi ở mới, người dân đành phải phá rừng để lấy đất sản xuất, dù trước kia họ là những người tích cực trong công tác bảo vệ rừng.

Những đứa trẻ "được" bố mẹ cho nghỉ học để mót quế mưu sinh.
Những đứa trẻ "được" bố mẹ cho nghỉ học để mót quế mưu sinh.
Công trình thủy điện Hà Nang được xây dựng vào tháng 4/2008, với tổng kinh phí trên 330 tỷ đồng, do C.ty Cổ phần XD&ĐT Thiên Tân làm chủ đầu tư. Để thực hiện dự án buộc phải di dời 104 hộ dân (với hơn 500 khẩu) của thôn 4 và một phần thôn 1 xã Trà Thủy (Trà Bồng) ở chân núi Bình Vông, lên khu tái định cư (TĐC) Hà Nang. Người dân đồng ý giao nhà ở cũng như đất sản xuất, để đến nơi ở mới, nhưng đến nay đã hơn 3 năm mà người dân vẫn chưa có đất sản xuất. Vì thế hằng ngày nhiều người dân phải quay lại nơi ở cũ để mót những cây quế còn sót lại bán kiếm sống qua ngày. Nhiều đứa trẻ được cha mẹ cho nghỉ học để vào rừng lột vỏ quế.

Chị Hồ Thị Thuận (38 tuổi) kể: Hằng ngày chị phải ra vạt núi sau nhà để phát dọn định trồng một ít cây màu, nhưng kiểm lâm truy quét, giờ không biết phải sống thế nào?

Ông Nguyễn Thế Kiểu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Bồng cho biết: Sau khi nghe phản ánh, Hội đã đến làm việc và nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Hàng trăm hộ dân Hà Nang không có đất sản xuất, nên đời sống khó khăn.

Qua thực tế chúng tôi nhận thấy, hằng ngày nhiều người dân đến khu vực lân cận khu tái định cư xâm chiếm đất rừng để lấy đất sản xuất. Anh Hồ Văn Đạt cho biết: Trước đây khi có người lạ đến mở xưởng gỗ hoặc có hành vi phá rừng, thì dân liền báo cho kiểm lâm đến bắt. Giờ đây chính họ  lại đi phá rừng. Để bảo vệ khu vực rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện đã điều động và thành lập 1 tổ kiểm lâm riêng tại khu vực này, gồm 3 nhân viên (trong đó có 1 kiểm lâm địa phương).

Tuy nhiên do lực lượng quá mỏng, nên hạt cũng không quán xuyến hết cả khu rừng rộng lớn. "Nhiều lần kiểm lâm phát hiện và huỷ dụng cụ phá rừng, nhưng họ vẫn tái diễn. Việc xử phạt người dân rất khó khăn, vì nếu xử lý hành chính thì họ lấy tiền đâu để trả?. Mà cưỡng chế thì càng khó hơn, vì nhà cửa của họ là do Nhà nước cấp để dân ở" - một cán bộ pháp chế của Hạt kiểm lâm Trà Bồng bộc bạch.

Theo lời một nhân viên kiểm lâm kể lại: Cách thức phá rừng của đồng bào cũng rất tinh vi. Người dân lên những chỗ khuất chặt cây theo từng cụm. Nhưng họ không chặt cho cây ngã xuống hoàn toàn, mà để lại một phần thân cho cây trụ. Đến chiều có mưa giông cây sẽ tự ngã. Nhân viên kiểm lâm nghe cây ngã liền chạy đến, nhưng không thấy ai. Một thời gian sau cây mục, tạo nên khoảnh đất trống, người dân đến đó trồng trọt. Việc dân phá rừng là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên do chính quyền không giao đất, người dân không có đất sản xuất, nên việc phá rừng là một hạ sách mà những người dân không có đất sản xuất bắt buộc phải làm. Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện thì chưa đầy 3 năm, mà người dân đã phá khoảng 5,4 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Đề nghị UBND huyện Trà Bồng sớm quy hoạch cấp đất sản xuất cho dân tái định cư.

Bài, ảnh: T. Phương

.