Trung tâm điều dưỡng người có công: Chuyện bây giờ mới kể...

08:07, 28/07/2010
.

(QNg) - Chúng tôi đến thăm Trung tâm điều dưỡng người có công vào một ngày tháng 7. Quệt những giọt mồ hôi giữa cái nắng oi ả, các cán bộ nhân viên trong trung tâm đang hối hả chuẩn bị những món ngon cho bữa trưa của các chú, các bác thương, bệnh binh. Và được nghe những câu chuyện đầy cảm xúc...

Gắn bó từ những ngày đầu thành lập, chị Lê Thị Hóa-Giám đốc Trung tâm đã coi nơi này như chính nhà của mình. Bởi "Mình ở đây nhiều hơn ở nhà mà, hầu như 24/24 giờ đều ở đây. Chuyện vui, buồn ở trung tâm này thì nhiều lắm, nói cả ngày cũng không hết"-chị bộc bạch. Mọi việc đều đến tay chị, mặc dù đã có đội ngũ nấu bếp nhưng đến bữa là hầu hết các cán bộ ở đây đều xắn tay áo tham gia.
 
Chị Lê Thị Hoá - Giám đốc Trung tâm đang trò chuyện cùng các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng người có công.
Chị Lê Thị Hoá - Giám đốc Trung tâm đang trò chuyện cùng các thương binh tại Trung tâm điều dưỡng người có công.

Những người điều dưỡng ở đây hầu hết là thương binh, bệnh binh, Mẹ VNAH, thân nhân liệt sĩ, gia đình cách mạng, tiền khởi nghĩa... Tuổi tác khác nhau đã đành, mỗi người lại một tính. Phần nhiều trong số họ đang mang trong người những vết thương chiến tranh, thỉnh thoảng còn âm ỉ, nhức nhối. Các cán bộ ở đây tâm sự, không sợ khó sợ khổ, chỉ sợ nhất là các bác bị ốm "bất chợt". Nói bất chợt là bởi có những trường hợp, có bác lúc chiều còn thấy xem tivi, chơi thể thao cùng bạn bè, nửa đêm đi cấp cứu bệnh viện.

Kể đâu xa, vào tháng 4/2010, bác Đinh Văn Rốt (72 tuổi), quê ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) lên cơn động kinh, sùi bọt mép đúng vào lúc... 3h sáng. Chị Hóa kể: Hôm đó chị có việc gia đình nên về nhà vào buổi tối, nửa đêm khi đang ngủ thì nhận được điện thoại báo bác Rốt đã bất tỉnh. Thế là chị liền phóng xe trong đêm xuống trung tâm, cùng anh em cấp tốc đưa bác Rốt đến phòng hồi sức Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Ai cũng như ngồi trên đống lửa, nhỡ bác có mệnh hệ nào thì biết ăn nói làm sao với gia đình. May thay, gần trưa hôm sau thì bác tỉnh lại. Sau đó, trung tâm cử người cùng với người nhà chăm sóc cho bác suốt ngày đêm, đến khi về lại quê nhà. Hay như trường hợp cô Phan Thị Kim Liên (60 tuổi) là thương binh ở phường Trần Hưng Đạo (T.P Quảng Ngãi).
 
Cũng vào... ban đêm, cô lên cơn đau tim đột ngột khi đang điều dưỡng tại trung tâm. Đơn vị đã kịp thời thuê xe đưa cô đi cấp cứu, đồng thời cử cán bộ y tế phối hợp với người nhà trực chăm sóc cho đến khi cô ra viện. Hầu hết những "sự cố" bất ngờ như thế đều được cán bộ ở trung tâm khắc phục kịp thời bởi "chúng tôi coi họ như cha, mẹ, ông, bà của mình vậy, mục tiêu cao nhất là giúp cho các thương bệnh binh thấy thoải mái nhất"-Chị Hóa nói.

Anh chị em ở Trung tâm đều quán triệt tư tưởng: Trên môi luôn nở nụ cười. Bởi vậy, lúc gặp chuyện khá bực mình, anh chị em cũng đều giữ thái độ mềm mỏng. Ngay cả ăn uống cũng mỗi người một kiểu, người thích ăn mặn, người thích ăn nhạt, nhưng các đầu bếp ở Trung tâm đều đáp ứng đủ cả... Điều đặc biệt là hầu hết cán bộ đang làm việc tại Trung tâm này đều là con em thương binh. Bởi vậy, họ luôn biết thông cảm, sẻ chia, tận tâm với người được điều dưỡng như chính người thân của mình vậy.

Ông Lê Nhợ (75 tuổi) ở thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong (Mộ Đức), thương binh 2/4 bày tỏ: "Sau 6 ngày điều dưỡng ở Trung tâm, tôi thật sự thích thú và thoải mái. Các cháu ở đây chăm sóc chúng tôi rất tận tình. Qua những buổi giao lưu văn nghệ, tôi cùng các đồng đội cũ, bây giờ mới có dịp gặp lại cùng hát và trò chuyện, nhớ về ngày xưa, cái thời gian khổ mà hào hùng ấy".

Nhiều người ở Trung tâm vẫn không sao quên được hình ảnh bác Dũng (bị liệt nửa người-pv) run run bên chiếc micro hát liền 2 bài làm xúc động lòng người. Nhiều bác còn sáng tác thơ để tặng Trung tâm. "Tôi nhớ mãi những ngày điều dưỡng/Ở trung tâm Quảng Ngãi Tịnh Khê/Mai này mình phải ra về/Lòng luôn lưu luyến Tịnh Khê ngày nào" -Ký tên Trần Ngọc A, xã Phổ Quang (Đức Phổ). Và tại Trung tâm, nhiều bác đã gặp lại "người xưa", gặp lại mối tình thời kháng chiến của mình sau bao nhiêu năm tưởng đã cất vào kho kỷ niệm.
 
Thời nào cũng vậy, ước mơ về hạnh phúc bao giờ cũng đẹp nhưng đẹp hơn là họ dám hy sinh hạnh phúc của riêng mình vì hạnh phúc chung của cả dân tộc. Ra về, tôi nhớ mãi câu nói của chị Hoá: "Chúng tôi làm việc ở đây không chỉ là trách nhiệm mà còn bằng lòng ngưỡng mộ, biết ơn những người đã hy sinh xương máu để chúng tôi có ngày hôm nay". Biết ơn - đó là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc, cũng là nét đẹp, là nhân cách của mỗi người.

    Bài, ảnh: P. T

.