Nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2010:
Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam

01:06, 28/06/2010
.

(QNĐT) - Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Gia đình Việt Nam xuất phát từ truyền thống đạo lý mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, các giá trị văn hóa ấy vẫn luôn được giữ gìn và phát huy.

Nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, giáo dục và xây dựng nếp sống văn hóa gia đình tốt đẹp, hướng đến "Xây dựng gia đình no ấm, bình  đẳng, tiến bộ và hạnh phúc", ngày 28/6 hằng năm được chọn làm Ngày gia đình Việt Nam. Với thông điệp "Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam", một lần nữa, các giá trị ấy tiếp tục được khơi dậy.

Giữ gìn những giá trị truyền thống

Từ ngàn xưa, ông cha ta đặc biệt coi trọng việc vun đắp hạnh phúc gia đình và gìn giữ truyền thống văn hoá gia đình Việt Nam là mỗi gia đình đều có nhiều thế hệ cùng chung sống rất hoà thuận, hạnh phúc. Ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu, con cháu hiếu thảo, hết lòng phụng dưỡng chăm sóc ông bà, cha mẹ, kính trên, nhường dưới,...

Trong thời đại ngày nay, sự chuyển động theo chiều hướng mở của đời sống kinh tế-xã hội sẽ kéo theo những biến đổi trong từng gia đình và cá nhân. Số gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống ít dần đi, nhưng những giá trị văn hóa ấy vẫn được giữ gìn và tiếp nối cho các thế hệ sau.

Về khu dân cư số 6, thôn Phổ Trung, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) nhắc đến gia đình ông Ngô Đức Thạnh thì bất kì ai cũng nể trọng vì là mẫu gia đình hạnh phúc. Gia đình ông Thạnh có 3 thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Các con ông đều là cán bộ, đảng viên. Mọi người trong nhà ai cũng có thái độ ôn hòa, tôn kính lẫn nhau, các cháu được dạy dỗ đúng mực, lễ phép.
 
Ông Thạnh tâm sự: "Vợ chồng tôi luôn nhắc nhở con cháu sống sao để bà con làng xóm, láng giềng thương mến, tránh xa những thói hư, tật xấu, gia đình phải hòa thuận, phải kính trên nhường dưới vì đó là truyền thống của dân tộc ta". 

Nhờ có thái độ cư xử và cách sống hòa nhã nên gia đình ông Thạnh luôn được mọi người yêu mến. Năm nào gia đình ông cũng được bình chọn là gia đình gương mẫu, con cháu thảo hiền.
 
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội.
Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Ảnh Internet
 
Gia đình là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Vì thế, để nuôi dạy con cái nên người, trước hết ông bà, cha mẹ phải là tấm gương soi để con cháu noi theo. Với quan niệm ấy, gia đình ông Cao Văn Hoàng, ở  thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) đã xây dựng cho mình một gia đình hoàn hảo theo đúng nghĩa của nó.
 
Dù phải trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn nhưng hai vợ chồng ông Hoàng vẫn quyết tâm không để 7 đứa con của mình thất học. Ông Hoàng kể, sau những năm giải phóng, gia cảnh khó khăn, việc học hành cũng không phải dễ dàng gì. Nuôi 7 đứa con tuổi ăn, tuổi lớn thực sự là một gánh nặng nhưng tôi lúc nào cũng động viên các con cố gắng học để theo kịp với thời đại và khỏi vất vả như vợ chồng tôi từng trải qua.

Chính sự gương mẫu và quyết tâm của cha mẹ mà các con của ông Hoàng đã ra sức cố gắng học tập, giành được nhiều thành tích xuất sắc và thành đạt như hôm nay. 7 người con đều tốt nghiệp đại học và đang công tác ở nhiều ngành nghề trong cả nước.

Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là một trong những tiêu chí của gia đình văn hóa Việt Nam cũng là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tạo dựng một "tổ ấm" hoà thuận, thì mọi người trong gia đình đều phải có trách nhiệm vun đắp cho gia đình, cùng gánh mọi công việc cho nhau, cùng đồng cảm, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Chỉ như thế, thì ngọn lửa hạnh phúc mới luôn được thắp sáng trong mỗi mái nhà.

Vợ làm công tác phụ nữ ở xã, lương bổng không bao, vì thế ông Bùi Văn Hải, ở xóm Phú Đức, thôn Phú Mỹ, xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) sau khi về nghỉ hưu, ông ở nhà làm kinh tế và đảm nhiệm luôn cả việc nhà, tạo điều kiện để con cái học hành đến nơi đến chốn và vợ tham gia tốt công tác xã hội. Ông chính là chỗ dựa tinh thần, giúp vợ gặt hái được nhiều thành công như ngày hôm nay. Vợ ông được TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển phụ nữ", 5 năm liền được công nhận phụ nữ xuất sắc trong phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".

Hãy thêm lời nói ngọt ngào, bớt đi hờn giận, nhà nào cũng vui. Yêu thương và tôn trọng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Đây là một trong những thông điệp gửi đến các gia đình nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.

Chia sẽ về bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ, ông Nguyễn Phương, ở xóm 8, thôn An Hà 1, xã Nghĩa Phương (Tư Nghĩa) tâm sự: "Gia đình là nền tảng của xã hội, nếp sống văn hóa là cái gốc để xây dựng gia đình, vì vậy bản thân tôi luôn cố gắng xây dựng gia đình hạnh phúc.
 
Xây dựng gia đình hạnh phúc cũng rất khó khăn, bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà cả lắm lúc gian nan, hoạn nạn, đôi khi vất vả, khó khăn. Những nguyên nhân đó nếu không khéo léo, hạnh phúc sẽ bị rạn nứt. Ý thức được điều này, tôi luôn tôn trọng quyền bình đẳng trong gia đình, dùng tình cảm để khuyên răn, hòa giải, phân tích đúng sai mỗi khi gia đình có bất hòa. Nhờ vậy, các thành viên trong gia đình tôi luôn hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau".

Nền tảng của gia đình hạnh phúc là văn hóa gia đình. Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống là cơ sở cho việc xây dựng đạo đức và lối sống, định hướng đúng đắn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.
 
Vì vậy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc vun đắp, xây dựng gia đình mình thực sự là tổ ấm hạnh phúc và vun đắp để các giá trị ấy luôn tồn tại và giữ vững trước mọi biến động của thời cuộc. 

Ái Kiều

.