Bình Sơn: Có công trình nước sinh hoạt, dân vẫn khát

07:06, 03/06/2010
.

(QNĐT) - Cách đây 5-7 năm về trước khó có thể diễn tả hết được niềm vui của người dân thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh huyện Bình Sơn khi công trình nước sinh hoạt đưa vào sử dụng. Thế nhưng sau 4 năm, công trình bắt đầu quá tải, xuống cấp tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại diễn ra liên miên; đặc biệt hơn 1 tháng nay  họ không có 1 giọt nước để dùng.
 

“Nước sinh hoạt ở đây ngày càng khan hiếm, lâu lắm rồi gia đình tôi chưa  được tắm giặt 1 lần thoả thích. Trẻ con, phụ nữ ở nhà sao cũng đựơc, mỗi lần tắm xối vài gáo nước là xong; còn đàn ông thanh niên trai tráng đi biển 2 - 3 tháng mới về muốn có thùng nước ngọt để tắm, nhưng nghĩ đến cảnh vợ con đi gánh nước vất vả đâu có dám dùng nhiều”. Đó là lời tâm sự của chị Võ Thị Xanh khi tôi đến thôn Mỹ Tân. Lúc ấy chị cũng vừa gánh nước từ nhà hàng xóm về tay dắt theo đứa con nhỏ khoảng 2 tuổi.
 
Bồn chứa này  hơn 2 năm qua nước không bơm lên được.
Bồn chứa này hơn 2 năm qua nước không bơm lên được.
Chị Xanh còn cho biết: Các hộ dân ở xóm Mỹ An muốn có nước phải đợi đến nửa đêm nhưng chỉ có những hộ ở đầu đường ống gần công trình nước sinh hoạt mới may mắn có nước để dùng. Nhiều hôm nước yếu thức canh đến 2,3 giờ sáng song hứng chưa đầy đôi thùng 20 lít.

Mùa nắng để có nước nấu ăn và uống hàng ngày người dân phải đến những hộ đầu xóm mua nước về dùng, cứ 1.000 đồng 3 đôi thùng 20 lít. Những hộ ở Khu dân cư xóm Sát gần xã Bình Thạnh thì đến đó xin về uống. 

Nước dùng giặt giũ tắm rửa thì đi gánh ở các giếng bơm hàng xóm vì các giếng khơi ở đây đã được phá bỏ khi công trình nước sinh hoạt đưa vào sử dụng. Nhiều hộ già cả neo đơn, không gánh được phải đóng giếng chạy môtơ lấy nước dùng nhưng vùng đất này hầu hết các giếng đều nhiễm phèn, chỉ dùng tắm rửa chứ không uống được.

Chị Huỳnh Thị Lan, cũng ở xóm Mỹ An cho biết: Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ diễn ra mới đây mà kéo dài 3-4 năm nay rồi. Từ năm 2001 trở về trước xóm Mỹ An nổi tiếng khắp cả huyện, cả tỉnh về việc thiếu nước sinh hoạt. Cả xóm có hơn 500 hộ gia đình nhưng chỉ có 1 giếng nước ngọt nằm cách xa 2 km. Vài chục người vây quanh giếng tranh giành nhau từng gáo nước.

Năm 2002, Công trình nước sinh hoạt đi vào hoạt động dân mừng hơn được vàng, hồi đó mỗi hộ phải bỏ ra 400.000 đồng để mua đồng hồ, lắp đặt đường ống. Tuy nhiên công trình chỉ đáp ứng được vài năm đầu, những năm sau nước yếu dần, rồi bữa đực bữa cái, có khi nước cúp luôn cả tháng, nhất là vào thời điểm này điện cúp 4 ngày/tuần, nước trở nên khan hiếm hơn.
 
 
Người dân cắt ống lấy nước nhưng ban ngày vẫn không có, phải đợi đến đêm.
Người dân cắt ống lấy nước nhưng ban ngày vẫn không có, phải đợi đến đêm.

Không có nước để dùng nhiều hộ dân phải dùng đến biện pháp đào đường để cắt ống dù biết rằng đó là việc làm sai trái. Chị Lan cũng không ngoại lệ, chị chấp nhận bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng nếu Ban quản lý bắt gặp. Chị cắt ống lấy nước không chỉ phục vụ cho gia đình mình mà còn có hàng chục hộ gia đình xung quanh, vì đường ống nhà chị thấp, nước dễ đến hơn.

Tuy nhiên không phải cắt ống thì lúc nào cũng có nước mà phải đợi đến nửa đêm khoảng từ 2 đến 4 giờ sáng và bắt buộc không cúp điện trong 2 ngày liên tiếp. Nguồn nước lấy được cũng ít ỏi nên hàng ngày chị đều lên kế hoạch, tất cả mọi người trong gia đình chỉ được tắm 1 lần trước khi đi ngủ và mỗi người không tắm quá 5 ca nước.

Ông Nguyễn Phúc Vinh, Trưởng Ban quản lý nước sinh hoạt Bình Chánh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt  là do công trình  quá tải, xuống cấp vì ban đầu theo dự toán công trình nước sinh hoạt ở Mỹ Tân chỉ cung cấp cho khoảng 600 hộ, nhưng đến giờ này nhu cầu cung cấp nước sinh hoạt của nhân dân lên đến 1.000 hộ. Bên cạnh đó đường ống quá nhỏ, máy móc sử dụng thường xuyên lâu ngày bị hư hỏng.

Được biết xã Bình Chánh có 2 công trình nước sinh hoạt ở thôn Mỹ Tân và Bình An Nội. Công trình nước thôn Mỹ Tân theo thiết kế ban đầu phục vụ cho 600 hộ dân ở xóm Mỹ An, còn công trình nước Quang Minh, thôn Bình An Nội phục vụ cho 300 hộ ở xóm Quang Minh.

Đến nay số hộ ở xóm Mỹ An tăng lên 1000 hộ cộng với 500 hộ ở xóm Mỹ Thành thì vượt gấp 2,5 lần so với ban đầu.

Để khắc phục tình trạng thiếu nước, năm 2007 xã đầu tư kinh phí đấu nối đường ống để nhập 2 công trình nước lại với nhau nhưng chỉ được một thời gian thì 2 máy bơm của công trình nước thôn Mỹ Tân bị hư hỏng, mực nước ngầm cạn kiệt. Xã đành phải tách đấu nối để chuyển hẳn công trình nước Quang Minh sang cho Mỹ Tân và đóng thêm 2 giếng mới phục vụ cho nhân dân xóm  Quang Minh. Thế nhưng nguồn nước ở thôn Mỹ Tân cũng không được cải thiện.

Một lần nữa Ban quản lý công trình nước quyết định đấu nối trực tiếp giữa  trạm bơm với đường ống chính, chứ không bơm lên bồn như trước. Với cách làm này nguồn nước tuy có cải thiện đôi chút nhưng các trạm bơm không dám hoạt động hết công suất. Nếu mở hết công suất, hệ thống đường ống sẽ bể các đầu nối do trước đây ống lắp đặt nhỏ. Còn mở  khoảng 50 đến 70% công suất thì nước khó mà đến nhà dân.
 
f
Người dân thôn Mỹ Tân phải đi hơn 3km đến các thôn khác để xin từng can nước về sinh hoạt

Hiện tại công trình nước ở thôn Mỹ Tân chỉ có thể cung cấp nước cho khoảng 50 đến 70 hộ gia đình,  hơn 900 hộ còn lại không có nước để dùng.

Theo ông Trần Quang Tâm - Chủ tịch UBND xã  Bình Chánh thì ngoài những yếu tố tự nhiên cũng như công trình giếng xuống cấp và mạch nước ngầm cạn kiệt còn có nguyên nhân cơ bản đó là do Công ty cơ sở hạ tầng Dung Quất đóng trên địa bàn  xã một công trình giếng  phục vụ cho phân khu Sài Gòn Dung Quất. Công trình này có công suất lớn lại nằm gần công trình cấp nước của 2 thôn nói trên nên mực nước ngầm không đảm bảo dẫn đến thiếu nước.

Để khắc phục tình trạng này xã đã đề nghị cơ quan chức năng về khảo sát lại nguồn nước ở Bình Chánh và đầu tư mở rộng nâng cấp để có nguồn nước phục vụ cho nhân dân trong thời gian đến.

Đó cũng là nguyện vọng chung của nhân dân xóm Mỹ An hiện.

                                                                Nguyên Hương

.