Sắt son tình nghĩa Việt - Lào (Kỳ 1)

10:09, 05/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việt Nam và Lào cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông... Hai nước Việt - Lào đã gắn bó keo sơn, son sắt nghĩa tình, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi từ trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc với muôn vàn gian khổ, hy sinh và khi hai nước được hòa bình, độc lập. Tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong cùng các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối của hai nước gầy dựng, dày công vun đắp.
 
[links()]
 
Kỳ 1: Đong đầy nghĩa tình
 
Các thế hệ của hai dân tộc Việt Nam - Lào mãi tự hào, trân quý và gìn giữ mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc, đó là trách nhiệm, là mệnh lệnh từ trái tim. Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, những năm qua, cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, để lại tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân nước bạn Lào, góp phần thắt chặt mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.  

 

Bản anh hùng ca về tình đoàn kết chiến đấu
 
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân, đế quốc vô cùng khó khăn, ác liệt, quân và dân hai nước Việt - Lào đã dành cho nhau tình cảm sâu nặng “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, để viết nên bản anh hùng ca bất tử về tình đoàn kết chiến đấu. Tại Quảng Ngãi, ngày nay vẫn còn lưu giữ những hình ảnh, kỷ vật của đoàn quân tình nguyện sang giúp cách mạng Lào cách đây 74 năm.
 
Đoàn viên, thanh niên xã Hành Phước (Nghĩa Hành) nghe Đại tá Đỗ Thanh Trà kể chuyện về tình hữu nghị Việt Nam - Lào.  Ảnh: Đăng SƯƠNG
Đoàn viên, thanh niên xã Hành Phước (Nghĩa Hành) nghe Đại tá Đỗ Thanh Trà kể chuyện về tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Ảnh: Đăng SƯƠNG
Về thăm Khu lưu niệm Lễ xuất quân tình nguyện Việt - Lào, tại thôn Đề An, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào. Khu lưu niệm được bao bọc giữa làng quê yên bình, với cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi... Cùng đi với chúng tôi có Đại tá Đỗ Thanh Trà, cán bộ Công an tỉnh đã nghỉ hưu, người con của làng Đề An và đoàn viên, thanh niên ở địa phương. 
 
Vừa bước chân vào khu lưu niệm, Đại tá Trà khẽ ngâm nga những dòng chữ khắc trên bức tường. Đó là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và câu nói của Hoàng thân Souphanouvong (Lào): “Tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong như ngấm vào máu thịt của nhân dân hai nước, từ già chí trẻ, hết lớp đến lớp đều thuộc nằm lòng và giữ trong trái tim mình tình cảm đặc biệt, son sắt, thủy chung Việt - Lào.  
 
“Khu lưu niệm Lễ xuất quân tình nguyện Việt - Lào được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012. Chính quyền và nhân dân xã Hành Phước rất đỗi tự hào và vinh dự khi địa phương có điểm di tích lịch sử gắn kết tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, là minh chứng cho sự khởi đầu mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
 
Bí thư Đảng ủy xã Hành Phước (Nghĩa Hành)  VÕ CÔNG THÀNH

Đại tá Trà kể, lúc còn nhỏ, tôi nhiều lần nghe cha, chú kể lại, trước yêu cầu giúp đỡ của nước bạn Lào đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tháng 7/1948, tại thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành), đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ, ký quyết định thành lập “Khu đặc biệt”, hình thành lực lượng quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Hạ Lào. Ngày 19/8/1948, cũng vào thời điểm mùa thu, ngoài đồng lúa chín vàng, tại thôn Đề An, cơ quan đại diện Chính phủ ở miền Nam Trung Bộ và Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tổ chức lễ xuất quân, đưa 44 cán bộ, chiến sĩ quân đội Lào và 196 cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên đi làm nhiệm vụ quốc tế, trực tiếp hỗ trợ Mặt trận yêu nước Lào trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 
Đại tá Trà nhớ lại, mẹ tôi kể lại rằng, trước khi lên đường, các chiến sĩ được các mẹ, các chị, nhân dân trong thôn, xã mang đến tặng các chiến sĩ những gói cơm bọc trong lá chuối, bình bi đông đựng nước... để hành quân ấm lòng hơn. Đồng chí Phạm Văn Đồng đã căn dặn các chiến sĩ tại lễ xuất quân: “Chỉ có vận động nhân dân Lào đứng lên kháng chiến, thì mới đánh thắng được giặc Pháp. Các đồng chí phải thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Lào như thương yêu đất nước, núi sông, cây cỏ và nhân dân Việt Nam ta vậy. Chúc các đồng chí lên đường chân cứng, đá mềm, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang”.
 
Trong nhà trưng bày ở khu lưu niệm có thư của nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Khămtày Xiphănđon gửi quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào. Trong thư nhắc lại câu nói của đồng chí Kaysone Phomvihane: “...Các đồng chí cán bộ, chiến sĩ Việt Nam thực hiện sự giáo dục của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh sang giúp đỡ cách mạng Lào, đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, đồng cam cộng khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn, kề vai sát cánh chiến đấu bên nhau, yêu quý chăm lo cho nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình. Nhiều đồng chí Việt Nam đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng Lào...”.
 
Tham quan khu lưu niệm, các bạn trẻ thêm hiểu biết, bồi đắp tình cảm về mối quan hệ khăng khít Việt - Lào trong trái tim mỗi người. Em Nguyễn Như Quỳnh, lớp 11, Trường THPT số 1 Nghĩa Hành chia sẻ, từ nhỏ em đã thuộc hai câu thơ của Bác Hồ: “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Từ đó trong em đã hình thành tình cảm đặc biệt đối với nước bạn Lào. Hôm nay, tham quan Khu lưu niệm Lễ xuất quân tình nguyện Việt - Lào, em rất xúc động và tự hào về thế hệ cha ông. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nước ta gặp nhiều khó khăn, song vẫn luôn đồng hành, đoàn kết cùng nước bạn, hỗ trợ nhau chiến đấu, lập nên nhiều chiến công vang dội.
 
Tiếp bước cha ông
 
Đối với Đại tá Võ Tấn Tài - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, những chuyến sang thăm tỉnh Champasak (Lào) là kỷ niệm khó quên. “Lần nào cũng vậy, đoàn xe của Bộ CHQS tỉnh vừa đến điểm đầu cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã thấy đoàn quân, nhân dân tỉnh Champasak đứng đợi. Những cái ôm thắm thiết, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm về tình hình đời sống, kinh tế của hai tỉnh, hai nước làm cho tình hữu nghị càng thêm bền chặt”, Đại tá Võ Tấn Tài chia sẻ.
 
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi trao thiết bị y tế hỗ trợ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Champasak (Lào) phòng, chống dịch Covid-19.                               Ảnh: Vũ Quang
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi trao thiết bị y tế hỗ trợ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Champasak (Lào) phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Vũ Quang
Mỗi chuyến qua thăm tỉnh Champasak, Bộ CHQS tỉnh đều chuẩn bị những phần quà tặng cán bộ, nhân dân Lào, đó là hỗ trợ xây dựng các công trình hữu nghị, khám bệnh, cấp phát thuốc cho người dân vùng sâu, vùng xa, tặng thiết bị y tế...
 
Đại tá Võ Tấn Tài xúc động kể, trong những lần tổ chức khám bệnh ở Lào, người dân có mặt từ sớm. Nhiều nhà dân cách địa điểm khám bệnh khá xa, vậy mà khi nghe có đoàn Việt Nam sang thăm, họ đưa cả gia đình đến gặp. Nhiều người là cựu chiến binh, thấy màu áo xanh của quân đội Việt Nam nên vội đến trò chuyện, nắm tay bảo rằng: "Cảm ơn chiến sĩ Việt Nam vượt chặng đường dài, xa xôi, cách trở để đến thăm, khám bệnh cho dân làng". Khi thấy chúng tôi chuẩn bị nấu ăn, nhiều gia đình sống xung quanh nấu thức ăn mang đến. Chúng tôi và người dân Lào cùng quây quần ăn uống giữa những tán cây rợp mát. Vừa ăn, vừa trò chuyện, hỏi thăm và nghe người dân chia sẻ về con heo mới sinh, hay vụ lúa trĩu hạt...
 
Khi dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Ngãi cũng “oằn mình” phòng, chống dịch. Giữa thời điểm ấy, Quảng Ngãi vẫn không quên tình anh em với nước bạn Lào. Vượt chặng đường dài, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh không quản ngày đêm, kịp thời chở những chuyến hàng gồm trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm... hỗ trợ nhân dân Lào. Đại tá Võ Tấn Tài cho hay, chúng tôi xuất phát tại TP.Quảng Ngãi lúc 5 giờ sáng, vượt chặng đường dài, đến ngày hôm sau mới có mặt tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y, trao hàng hóa cho Bộ CHQS tỉnh Champasak phục vụ phòng, chống dịch. 
 
Đợt 1 là vào tháng 4/2020, tặng các thiết bị y tế, với tổng trị giá 366 triệu đồng. Đợt 2 vào tháng 6/2021, tặng máy phun khử khuẩn, khẩu trang y tế, nước rửa tay kháng khuẩn... với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều sang thăm, tặng quà cho nhân dân Lào, như thể về thăm, trao gửi tình cảm yêu thương của anh em một nhà. Với những đóng góp, tình cảm đặc biệt dành cho đất nước Lào, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai.  
 
Dấu ấn 60 năm đoàn kết đặc biệt  
 
Cách đây 60 năm, trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc của nhân dân Việt Nam và Lào vô cùng ác liệt, nhất là sau khi Hiệp định Geneva năm 1962 về Lào được ký kết - một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng hai nước, Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962. Đây là sự kiện trọng đại, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
 
Hòa bình lặp lại, hai nước chính thức ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, đánh dấu mối quan hệ của hai Đảng, hai Nhà nước, hai dân tộc Việt Nam - Lào càng keo sơn, gắn bó hơn. Kế thừa truyền thống của dân tộc, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có nhiều chính sách, chương trình hợp tác cùng phát triển với một số tỉnh Nam Lào như giáo dục - đào tạo, KHCN, nông nghiệp, quốc phòng... qua đó góp phần tô thắm tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
 
NHÓM PV – CTV
 
-----------------------------
Kỳ 2: Ấm lòng trên quê hương núi Ấn - sông Trà
 
 
 

.