Tết Độc lập trong ký ức của những người lính

10:09, 02/09/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Những ngày mùa thu lịch sử, trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều rạo rực niềm vui, niềm tự hào về tết Độc lập (2/9). Với những người lính đã đi qua 2 cuộc chiến tranh, tết Độc lập là hồi ức về những năm tháng tuổi thanh xuân xung pha ngoài chiến trường.
[links()]
 
VẸN NGUYÊN KÝ ỨC
 
Đã 97 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, cứ đến ngày 2/9, những ký ức về tết Độc lập đầu tiên (2/9/1945) lại ùa về trong tâm khảm của Đại tá Trần Ngọc Giao, nguyên Chính ủy Lữ đoàn Công binh 270, Quân khu 5, hiện ở tổ dân phố Tập An Nam, phường Phổ Văn, TX.Đức Phổ.
 
Trong căn nhà rợp bóng cây, cụ Giao với đôi mắt sáng, giọng nói vẫn hào sảng kể cho chúng tôi nghe về thời khắc khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. 
 
Qua lời kể của cụ Giao, mỗi câu chuyện, mỗi giai đoạn lịch sử chúng tôi như được sống trong những cuốn phim lịch sử quay chậm mở ra trước mắt.
 
Ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945, ông hòa cùng dòng người cầm cờ Tổ quốc đi biểu tình, đánh trống, gõ mõ vang khắp làng trên, xóm dưới. 
 

Buổi sáng ngày 2/9/1945, khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa qua loa phát thanh, chàng thanh niên 19 tuổi khi ấy đã vô cùng tự hào, phấn khởi.

Bởi ông biết rằng, từ bây giờ người dân đã có cuộc sống tự do, độc lập, không còn niềm hạnh phúc nào hơn là dân của một đất nước tự do, độc lập sau nhiều năm bị ngoại xâm, người dân thoát khỏi kiếp lầm than, nô lệ. 

“Nghe xong Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tôi và mọi người nhảy tưng lên hô to: Đất nước mình độc lập tự do rồi! Cũng từ đó, tôi hiểu về cách mạng và theo Đảng làm cách mạng”, cụ Giao nhớ lại.

Rơi nước mắt, lặng đi chừng vài phút, cụ Giao bảo, tại Lễ kỷ niệm 15 năm ngày Quốc khánh (2/9/1960) diễn ra ở Hà Nội, ông vinh dự được đơn vị bố trí đứng ở phía trước để được nhìn thấy Bác Hồ trước khi trở lại miền Nam chiến đấu. Niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng ông và mỗi người khi nhìn thấy Bác. Ai cũng tự hứa với lòng quyết chiến, quyết thắng như lời Bác Hồ căn dặn.
 
Không khí hào hùng của ngày Quốc khánh, ngày tết Độc lập đầu tiên vẫn in đậm trong trí nhớ của người lính già Nguyễn Hồng Mão, ở phường Trần Phú, TP.Quảng Ngãi.
 
Bước sang tuổi 93 với 72 năm tuổi Đảng, dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn minh mẫn. Ông Mão kể, thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, ông mới 15 tuổi và đã tham gia Đội văn nghệ xã Nghĩa Lộ, nay là phường Chánh Lộ, TP.Quảng Ngãi. 
 
“Trước ngày Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, không khí khắp nơi rộn ràng. Già trẻ, gái trai đổ ra khắp các con đường, hô vang khẩu hiệu: Hồ Chí Minh muôn năm. Ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, vui quá, tôi và mọi người tập trung lại nói với nhau: Độc lập tự do rồi nhé!”, cụ Mão bồi hồi kể.
 
MỘT LÒNG THEO ĐẢNG, THEO BÁC HỒ
 
Sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chàng trai trẻ Trần Ngọc Giao giác ngộ và đi theo Bác Hồ, theo Đảng làm cách mạng. Năm 1947, Trần Ngọc Giao nhập ngũ rồi tập kết ra Bắc. Ông được điều động về Sư đoàn 324 rồi về Sư đoàn 335 ở tỉnh Sơn La. 
 
Sau đó, ông được trở lại chiến trường miền Nam, cùng đồng đội xông pha lửa đạn làm nên những chiến thắng oanh liệt góp phần thống nhất đất nước. Rồi ông lại tiếp tục tham gia chiến trường K. Gần 34 năm quân ngũ, ông về hưu với quân hàm đại tá. 
 
Chàng trai Nguyễn Hồng Mão sau ngày tết Độc lập đầu tiên cũng hòa mình vào môi trường quân đội, tham gia Đoàn văn công giải phóng Liên khu 5, tập kết ra Bắc rồi lại vào Nam một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. 
 
Ông từng được giao nhiệm vụ ở Đài Phát thanh giải phóng, tiếng nói của mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày đêm cỗ vũ cho cuộc chiến đấu đầy anh dũng của quân và dân Việt Nam với ước mong thống nhất đất nước. 
 
Cụ Giao, cụ Mão là những người trong số ít nhân chứng sống được chứng kiến những giai đoạn lịch sử của cuộc cách mạng do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo. Từ những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ và ác liệt trong cuộc chiến tranh cho đến những ngày khó khăn sau khi thống nhất đất nước và sự đổi mới đem lại nhiều thắng lợi. Cụ Giao, cụ Mão càng có lòng tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, về những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới hôm nay.
 
Mỗi dịp mùa thu lịch sử về lại khiến những người lính từng đi qua 2 cuộc chiến như cụ Mão, cụ Giao bừng lên một cảm xúc khó tả về những giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc được đổi bằng máu xương của bao thế hệ cha anh, vừa hân hoan về sự đổi thay, vươn mình của đất nước.
 
Đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và ngày 2/9 đã, đang và sẽ mãi mãi là ngày tết Độc lập của lớp lớp những thế hệ người Việt Nam.
 
Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.