Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác (5.5.1818 – 5.5.2018):
Nhà tư tưởng vĩ đại

09:05, 05/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Các Mác (Karl Marx) là một lãnh tụ thiên tài, là người thầy, nhà tư tưởng vĩ đại của phong trào cộng sản công nhân Quốc tế, người sáng lập ra Chủ nghĩa cộng sản khoa học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chủ nghĩa Mác-Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc; bất kỳ việc to, việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là Chủ nghĩa Mác- Lênin.

 Các Mác. Ảnh: T.L
Các Mác. Ảnh: T.L
Các Mác sinh ngày 5.5.1818, tại thành phố Tơ-ri-a, tỉnh Rang (Đức). Nhờ tập trung học tập, nghiên cứu không mệt mỏi, bằng trí tuệ thông minh của một tư duy vượt trội, Người đã trang bị cho giai cấp công nhân một lý luận khoa học, nhằm đấu tranh xoá bỏ xã hội bất công, xây dựng một xã hội mới không có áp bức bóc lột. Đó là xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.

Cùng với người bạn chiến đấu và thân thiết nhất là Ph.Ăng-ghen, Các Mác đã sáng lập ra triết học Mác-xít gồm chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học của giai cấp công nhân và chủ nghĩa cộng sản khoa học.     
                  
Cách đây 170 năm, ngày 24.2.1848 tại thủ đô Luân Đôn của nước Anh, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do Các Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo được công bố trước toàn thế giới. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học. Những nguyên lý được Các Mác và Ph.Ăng-ghen trình bày trong tác phẩm là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam, có tính chất cương lĩnh của các đảng cộng sản, cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Một trong những phát hiện vĩ đại nhất của Các Mác là đã “tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”. Đồng thời chỉ ra vai trò to lớn của quần chúng nhân dân là lực lượng chân chính sáng tạo ra lịch sử. Các Mác khẳng định, chứng minh việc xoá bỏ chủ nghĩa tư bản (CNTB) thông qua con đường chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã được hình thành từ những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, vì dưới CNTB, lực lượng sản xuất đã phát triển đến trình độ cao mà quan hệ sản xuất không còn phù hợp, nên nhất định bị phá vỡ bằng cách mạng vô sản. Từ luận điểm này, Các Mác đã trang bị cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động một vũ khí sắc bén không chỉ để giải thích mà còn cải tạo thế giới.

Với học thuyết về giá trị thặng dư, được trình bày trong bộ “Tư bản”, Các Mác đã vạch trần sự bóc lột của tư bản chủ nghĩa; giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là thủ tiêu hoàn toàn sự áp bức, bóc lột và chiến tranh, trên cơ sở đó tiến hành xây dựng CNXH. Các Mác còn chỉ ra rằng, trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ giai cấp tư sản, giai cấp vô sản phải tập hợp, đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động. Mặt khác, giai cấp vô sản cần phải có một chính đảng cách mạng “luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào” nhằm “bảo đảm thắng lợi của cách mạng xã hội”.

Vì mục đích, ý nghĩa to lớn đó, Các Mác đã dành tâm huyết, tập trung sức lực của mình để tổ chức giai cấp vô sản quốc tế. Các Mác cùng với Ph.Ăng-ghen sáng lập và lãnh đạo một Đảng cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản: “Đồng minh của những người cộng sản", thành lập “Liên đoàn công nhân quốc tế”- một tổ chức quần chúng vô sản đầu tiên gồm những chiến sĩ tiêu biểu của nhiều nước liên hiệp lại. Các Mác còn có những tác động sâu sắc vào việc thành lập các Đảng công nhân cách mạng trong phạm vi mỗi quốc gia.

Học thuyết của Các Mác đã và đang đứng vững trước mọi thử thách và bão tố; nó đã phản ánh đúng đắn thực tế xã hội loài người. Tuy nhiên, bản chất lý luận của Các Mác không phải là hệ thống lý luận đóng kín, mà là một hệ thống mở, cần phải được nghiên cứu, phát triển. Do đó, muốn trung thành với học thuyết của Mác, cần có sự sáng tạo và vận dụng cho phù hợp với từng thời kỳ, hoàn cảnh lịch sử cụ thể... Về luận đề, điều kiện này, trong thực tế sinh động, chúng ta đã có tấm gương tuyệt vời về sự sáng tạo, đó là hai nhà cách mạng tài năng, lỗi lạc: V.I Lênin và Hồ Chí Minh.

V.I Lênin đã không đợi cho điều kiện chín muồi của cách mạng vô sản trên nhiều nước công nghiệp phát triển cao với sự trưởng thành của phong trào công nhân quốc tế, mà cách đây hơn 100 năm trước đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động tiến hành và giành thắng lợi vang dội bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vào năm 1917. Sau đó, xây dựng, thực hành chính sách kinh tế mới (NEP) và làm sống lại nền kinh tế thị trường, với chế độ đa sở hữu.

Với Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, những người có nghiên cứu, am hiểu, yêu quý về lịch sử vẻ vang của cách mạng và dân tộc Việt Nam đều có thể nhận biết, hiểu rõ. Từ trước năm 1924, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã biết vận dụng tư tưởng của Mác-Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh, các thời điểm lịch sử để thể hiện đầy sáng tạo những lý luận của Chủ nghĩa Mác trong điều kiện của nước ta, nơi mà cuộc đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập, tự do không diễn ra như ở các nước phương Tây.

Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng, Chủ nghĩa Mác- Lênin nói chung, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam dẫn đường trong các thời kỳ cách mạng... Kể từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, vạch ra đường lối chiến lược đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà thông qua con đường cách mạng vô sản mà Mác và Ăng-ghen đã vạch ra, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại.

Đặc biệt là từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, trong hơn 30 năm qua, trên nền tảng tư tưởng của Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới, hội nhập sâu rộng, toàn diện. Đó là sản phẩm trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân trên cơ sở đúc kết từ những hoạt động và thực tiễn của lịch sử dân tộc, đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với quy luật, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng nên đã nhanh chóng đi vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, thu được nhiều thành tựu to lớn, quan trọng và có ý nghĩa lịch sử vẻ vang.

Thành tựu của cách mạng nước ta đã và đang khẳng định Chủ nghĩa Mác – Lênin mà cụ thể là CNXH là xu thế, vận mệnh chung của nhân loại, là nhân tố đảm bảo, quan trọng nhất cho sự phát triển vì sự tiến bộ, văn minh của nhân loại.


 TUẤN ANH


 


.